Tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông Liên bang Nga Ishayev cho biết, Nga sẽ cho xây dựng một cây cầu dài 7 km nối đảo Sakhalin với vùng đất liền Viễn Đông. Khi hoàn thành, dự án có tổng đầu tư lên đến 10 tỉ USD này sẽ nối kết hệ thống đường bộ, đường sắt với các cảng tại đây.
Đây cũng sẽ là cửa ngõ thứ ba để Nga kết nối với Thái Bình Dương, ngoài tuyến đường sắt xuyên Siberi và tuyến đường bộ Baikal-Amur. Ông Ishayev nhấn mạnh, Viễn Đông nói chung và Sakhalin nói riêng có vị trí chiến lược, khi được nối kết với các nước châu Á - Thái Bình Dương (CÁ-TBD), Nga sẽ có một trung tâm cung cấp năng lượng, giao thương tầm thế giới.
Viễn Đông - vùng đất giàu tiềm năng của Nga. |
Phát biểu của ông Ishayev diễn ra đúng hai ngày sau khi Tổng thống Putin, cùng các Bộ trưởng, người đứng đầu các tập đoàn lớn có chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Viễn Đông. Mục đích là nhằm thúc đẩychương trình tổng thể phát triển Viễn Đông có tổng mức đầu tư lên đến 115 tỉ USD được công bố hồi tháng 4/2013. Tại đây, ông đã chỉ trích các cơ quan chức năng Liên bang, cũng như giới chức lãnh đạo vì đã chậm chễ trong việc triển khai các dự án phát triển vùng Viễn Đông. Người đứng đầu điện Kremlin nói: “Chúng ta đang nói về một khu vực có tầm quan trọng nhất đối với quốc gia. Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, 80% khối lượng công việc đã bị chậm so với kế hoạch. Liệu các vị có muốn tiếp tục làm việc hay không?”.
Trông mong hợp tác quốc tế
Những động thái trên đã thu hút được sự quan tâm của dư luận quốc tế. Theo giới nghiên cứu, có một số lý do dẫn đến sự thay đổi về nhận thức và hành động của Nga tại vùng đất này.
Vùng Viễn Đông của Nga là khu vực có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng. Nơi đây là mỏ tài nguyên thiên nhiên khổng lồ đối với nước Nga, quan trọng nhất là dầu, khí, than đá và các loại khoáng sản khác.
Trong nhiều năm liền, Viễn Đông được xem là nơi nhạy cảm chính trị, kinh tế nhất của Nga - với tình trạng kinh tế kém phát triển, tiềm ẩn nguy cơ tách khỏi chính quyền trung ương. Xu hướng nhân chủng học cũng là một yếu tố đáng lưu tâm, khi dòng người rời khỏi khu vực này ngày một lớn.
Sự thay đổi nhanh chóng của cục diện thế giới cũng là một nguyên nhân quan trọng buộc Nga phải có hành động. Trung tâm chính trị, kinh tế, thậm chí là cả quân sự, đang dịch chuyển mạnh về CÁ-TBD, khu vực đang chiếm đến hơn 60% trao đổi thương mại toàn cầu, tập trung 10 trên 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới... Nằm trên lục địa Á-Âu, là một quốc gia CÁ-TBD, nhưng dường như Nga vẫn chưa thể hiện được vị thế của một người chơi chính tại khu vực này. Chính sách hướng Đông của Nga khi triển khai trong thực tiễn sẽ buộc phải lấy Viễn Đông làm bàn đạp, coi đây là điểm đầu cầu để hội nhập sâu hơn nữa, nhất là về kinh tế, với các quốc gia trong khu vực CÁ-TBD.
Phát triển Viễn Đông đòi hỏi rất nhiều nguồn lực mà một mình Nga khó có thể thực hiện được. Hợp tác quốc tế được xem là bước đi hợp lý. Qua việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC 2012 tại thành phố Viễn Đông Vladivostovk, Nga đã lôi kéo được sự quan tâm của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia. Mới nhất, ngày 9/7, Nga và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc hợp tác phát triển các cảng ở Viễn Đông. Phó Thủ tướng Nga Shuvanov cũng đã kêu gọi Nhật Bản hợp tác đầu tư tại dự án xây dựng cầu Sakhalin. Ngoài ra, Nga dự kiến sẽ đề xuất với Nhật Bản cùng xây một cây cầu khác dài 45km nối Sakhalin và đảo Hokkaido, hoàn thành “tuyến cầu năng lượng Khabarovs - Sakhalin - Hokkaido”.
Hoài Thanh(Tổng hợp)