Với quan điểm tối đa hóa các hoạt động ngoại giao, tại mỗi điểm dừng chân, Ngoại trưởng Jaishankar đã hội kiến lãnh đạo từng nước, có các cuộc gặp song phương với những người đồng cấp cùng các bộ trưởng chủ chốt của 3 nước chủ nhà, từ tài chính, thương mại, quốc phòng đến công nghệ thông tin… Trong các cuộc gặp, nhà ngoại giao Ấn Độ đặc biệt quảng bá những thế mạnh của đất nước về chất bán dẫn, không gian, năng lượng xanh, chuỗi cung ứng, quốc phòng, công nghệ thời đại mới… Nội dung các cuộc trao đổi cũng đề cập đến các nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho nhau nhằm tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân…, qua đó thúc đẩy quan hệ song phương.
Ngoài ra, các bên còn thảo luận về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đây cũng là một trong những mục đích chuyến công du của Bộ trưởng Jaishankar đã được Bộ Ngoại giao Ấn Độ công bố trước đó, là tạo cơ hội tham gia vào các vấn đề khu vực mà các bên cùng quan tâm. Hiện nay, các thành viên ASEAN nhận thức rõ ràng rằng những thách thức họ phải đối mặt ngày càng giống với những thách thức mà Ấn Độ và một số đối tác đối thoại đang đương đầu.
Một nội dung quan trọng nữa trong chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Jaishankar là tiếp xúc với những người gốc Ấn sinh sống, làm việc và học tập tại 3 quốc gia Đông Nam Á nêu trên. Malaysia là một trong những quốc gia có cộng đồng người gốc Ấn lớn nhất thế giới với 2,77 triệu người, chiếm khoảng 8,5% dân số, và khoảng 140.000 người Ấn Độ nhập cư, bao gồm các chuyên gia và công nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Singapore có khoảng 700.000 người gốc Ấn và Philippines là nơi sinh sống của khoảng 120.000 người gốc Ấn. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và giao lưu văn hóa giữa hai bên, đồng thời là chất xúc tác quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa Ấn Độ với các nước. Trong các cuộc tiếp xúc, ông Jaishankar đã khẳng định trách nhiệm của Chính phủ Ấn Độ trong việc đảm bảo an ninh và phúc lợi cho những người gốc Ấn trên khắp thế giới.
Các điểm dừng chân trong lịch trình công du Đông Nam Á lần này của Ngoại trưởng Jaishankar có vị trí nhất định trong chính sách hướng Đông của New Delhi. Singapore và Malaysia là 2 trong số 4 quốc gia thành viên ASEAN đã ký các thỏa thuận đối tác chiến lược với Ấn Độ, trong đó Malaysia đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của Ấn Độ từ năm 2015. Singapore đang là quốc gia điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ, trong khi Malaysia sẽ giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2025. Vì thế, các chuyến thăm của Ngoại trưởng Jaishankar không chỉ góp phần mở rộng hợp tác song phương, hơn thế còn là cơ hội để New Delhi chia sẻ cụ thể hơn về chính sách, tầm nhìn đối với ASEAN nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.
Đối với Ấn Độ, Singapore là một trong những đối tác lâu năm và đáng tin cậy nhất khu vực, đặc biệt về thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh. Hai nước có hơn 20 cơ chế đối thoại và tập trận song phương thường xuyên. Singapore được xem là cửa ngõ để Ấn Độ vào ASEAN. Trong khi đó, đánh giá về quan hệ Ấn Độ và Malaysia, chuyên gia Rahul Mishra tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, Ðại học Jawaharlal Nehru của Ấn Ðộ nhận định rằng, mối quan hệ giữa Ấn Ðộ và Malaysia có những bước thăng trầm. Tuy nhiên điều đáng ghi nhận là các quan chức ngoại giao hai nước đã giải quyết thách thức một cách nghiêm túc và chân thành. Với kim ngạch thương mại song phương gần 20 tỷ USD, hai nước đang nỗ lực vượt mốc 25 tỷ USD vào năm 2026.
So với hai điểm dừng chân nói trên, mối quan hệ giữa Philippines và Ấn Độ được đánh giá chưa phát huy tối đa tiềm năng. Tuy nhiên, hợp tác song phương có nhiều kết quả đáng khích lệ trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng với thỏa thuận được ký kết vào tháng 1/2022. Là hai quốc gia hoạt động nhiều ở Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Ðộ và Philippines cũng có tiềm năng to lớn trong hợp tác hàng hải. Năm 2024 là kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Philippines, do đó đây có thể là thời điểm phù hợp để nâng mối quan hệ song phương lên cấp độ đối tác chiến lược.
Được điều chỉnh từ chính sách “Hướng Đông” mà các chính phủ Ấn Độ đã theo đuổi từ năm 1991, chính sách Hành động hướng Đông đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ với các đối tác ở phía Đông đi vào thực chất, phục vụ tốt hơn các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ trong thế kỷ XXI và định hình cấu trúc an ninh ở khu vực phía Đông Ấn Độ. ASEAN được xem là trụ cột trong chính sách này cũng như trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ.
Trải qua nhiều thập kỷ, mối quan hệ ASEAN- Ấn Độ không ngừng phát triển và mở rộng mạnh mẽ hơn. Hai bên thể hiện sự tôn trọng đối với lợi ích của nhau, về nhu cầu phát triển cũng như vấn đề an ninh. Theo ông Datuk Ramesh Kodammal - đồng Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Ấn Độ (AIBC), Ấn Độ đã cam kết kiên định đối với các chuẩn mực và nguyên tắc của ASEAN, phù hợp với tầm nhìn và ưu tiên chung của khu vực. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng nỗ lực đóng góp vào việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm, ổn định, hòa bình, rộng mở và dựa trên luật lệ, phù hợp với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Chuyến công du 5 ngày của quan chức ngoại giao hàng đầu Ấn Độ đã nhấn mạnh cam kết của New Delhi trong việc tăng cường quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác khu vực ở Đông Nam Á. Xét theo quan điểm chiến lược, những nỗ lực tăng cường và mở rộng mối quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và 3 quốc gia Đông Nam Á trên nói riêng và với ASEAN nói chung là vô cùng cần thiết trong bối cảnh biến động địa chính trị vẫn tiếp diễn ở khu vực và thế giới, đặc biệt khi Ấn Độ ngày càng nâng cao được uy tín và ảnh hưởng trên trường quốc tế.