Mỹ và châu Âu bên bờ vực của một cuộc suy thoái mới

Các thị trường chứng khoán lại chịu thêm một tuần sụt giảm nữa khiến cho các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ ngày càng ít có khả năng khống chế những lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới. Theo các nhà phân tích, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng mới hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Tại thị trường chứng khoán New York (Mỹ) ngày 18/8. Các chỉ số chứng khoán Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm 3,68%, 4,46 % và 5,22 % trong ngày 28/8. AFP/TTXVN


Cuối tuần trước đã xuất hiện những mối lo ngại mới trên thị trường tài chính: Các số liệu mới cho thấy tăng trưởng của Khu vực đồng euro chỉ ở mức 0,2% trong quý II, còn Đức chỉ đạt mức 0,1%. Nhiều cảnh báo được đưa ra, đáng chú ý nhất là từ Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, rằng Mỹ và châu Âu đang bên bờ vực của một cuộc suy thoái mới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp không đưa ra được giải pháp có tính thuyết phục cho vấn đề nợ của khu vực đồng euro tại cuộc họp thượng đỉnh hôm 16/8.

Tất cả những lo ngại trên đã khiến cho các thị trường chứng khoán tụt dốc, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 4,7% trong tuần trước. Chỉ số FTS 100 của Anh đã giảm 12,9% chỉ trong vòng một tháng, còn chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 18,4%; chỉ số DAX của Đức giảm tới 9,8% trong tuần qua và 23,8% trong vòng một tháng - mức giảm lớn nhất từ trước tới nay.

Các nhà kinh tế của cả hai bờ Đại Tây Dương đã hạ mức dự báo tăng trưởng của mình. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết: "Những dự báo của chúng tôi, sau khi đã được sửa đổi, cho thấy Mỹ và Khu vực đồng euro trong 6 - 12 tháng tới sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái do các nước này đã phải chịu hai quý giảm sút liên tiếp. Chu kỳ tăng trưởng kinh tế yếu và thị trường tài sản nhiều bất trắc dường như đang được hình thành ở Mỹ và châu Âu. Tình hình này sẽ trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh Mỹ và châu Âu phải thực hiện chính sách thắt chặt tài chính".

John Silvia, Nhà Kinh tế trưởng của Ngân hàng Wells Fargo, nói: "Trong bối cảnh thiếu chính sách can thiệp thích hợp từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và chính phủ Mỹ, nhiều khả năng sự suy giảm theo đường xoắn ốc hiện nay của nền kinh tế và các thị trường tài chính sẽ trở nên nghiêm trọng hơn". Các nhà kinh tế cho rằng, các chính phủ và các ngân hàng trung ương đang ngày càng bế tắc trong việc đưa ra chính sách thích hợp. 

Mỹ và châu Âu hầu như không còn khả năng hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng; các ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh chính sách nhằm cố gắng bơm thêm tiền cho các ngân hàng thương mại, song hiện vẫn chưa rõ động thái này có kích thích được nền kinh tế hay không.

Tại châu Âu, nơi các gói cứu trợ cho Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ailen đang khiến các chính phủ giàu có hơn rơi vào tình trạng căng thẳng, các chính trị gia và dân chúng đang kín đáo nói về kế hoạch bơm thêm tiền vào nền kinh tế, song trên thực tế họ không hề có số tiền ấy.

ECB không có khả năng in tiền để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế; buổi họp giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ khả năng phát hành các trái phiếu bằng đồng euro để có thêm tiền thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các gói cứu trợ kinh tế. Đây là nỗi thất vọng lớn cho các nhà đầu tư. Chris Low, làm việc tại tập đoàn tài chính FTN, nói: "Chúng tôi cần một giải pháp có ý nghĩa hơn từ châu Âu. ECB không được trang bị để tự giải quyết cuộc khủng hoảng nợ này".

Trong khi đó, các chính phủ của châu Âu vẫn đang phải chịu sức ép cắt giảm thâm hụt, chủ yếu thông qua cắt giảm chi tiêu. Điều tương tự cũng đang diễn ra tại Mỹ. FED đã nói bóng gió rằng họ vẫn còn nhiều công cụ để thúc đẩy tăng trưởng, và mọi sự chú ý hiện tập trung vào bài phát biểu vào ngày 26/8 của Chủ tịch FED Ben Bernanke, được cho là sẽ tiết lộ kế hoạch hành động của FED.

TTK (Theo AFP)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN