Mỹ, Trung và cơ hội tính toán lại mối quan hệ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Sunnylands, bang California từ ngày 7 đến ngày 8/6 để có cuộc gặp đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Trung Quốc với Tổng thống Barack Obama. Mạng tin tình báo “Stratfor” cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung phức tạp hơn, có tính chiến lược hơn và đang ngày càng trở nên khó kiểm soát.


 

Tổng thống Mỹ Obama tiếp ông Tập Cận Bình khi còn là Phó Chủ tịch ngày 14/2/2012.

 

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc là cơ hội thuận lợi cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tính toán lại mối quan hệ của mình. Sự thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Tập Cận Bình được xem là cách có thể giúp hai nước vượt qua sự thiếu lòng tin lẫn nhau. Bản thân ông Tập Cận Bình vẫn cho mình là một nhà lãnh đạo cải cách. Ông cũng cho thấy việc điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế của Trung Quốc là một ưu tiên, đồng thời cảnh báo thế giới rằng xu hướng tăng trưởng chậm lại gần đây sẽ còn tiếp tục. Ông Tập Cận Bình đang muốn tiến hành cải cách Trung Quốc với ít sự can thiệp nhất từ Mỹ và đồng minh.


Về phần mình, Mỹ đặc biệt muốn bảo đảm rằng các cơ hội của người Mỹ ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Oasinhtơn không muốn đối đầu với Trung Quốc khi một loạt bất đồng chiến lược đang nổi lên giữa hai cường quốc này. Thay vào đó, siêu cường này muốn tiếp tục tìm kiếm lợi ích từ việc giữ nguyên trạng quan hệ.


Trong nhiều thập kỷ qua, thương mại và đầu tư là phương tiện để hai cường quốc gạt đi những bất đồng khác và họ dường như có khả năng tiếp tục giữ được sợi dây này. Trước chuyến thăm, đã có những tiếng nói ở cả hai bờ Thái Bình Dương về khả năng Trung Quốc sẽ tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định mà Mỹ đang muốn thúc đẩy khắp khu vực nhưng có vẻ đã loại trừ Trung Quốc, dù Mỹ luôn nói rằng Trung Quốc có thể tham gia nếu nước này có những cải tổ mang tính cơ cấu. Ý tưởng này là đáng chú ý và không phải là không khả thi. Để tham gia, Bắc Kinh sẽ cần sự phê chuẩn không chỉ của Mỹ, Mêhicô mà còn tất cả các thành viên khác, phần nhiều trong số này tỏ ra nghi ngờ về sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc tuân thủ những mục tiêu tham vọng của TPP. Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ được phép tham gia trực tiếp hoặc chỉ sau khi hiệp định được ký kết.


TPP chỉ là một ví dụ trong khung hợp tác đa phương và khu vực, ở đó Mỹ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ, và nhờ đó sự nổi lên của Trung Quốc không tới mức cực điểm để thách thức hệ thống toàn cầu mà Mỹ đang lãnh đạo. Dù vậy, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn còn quá nhiều bất đồng cần giải quyết. Những tố cáo gần đây rằng gián điệp mạng Trung Quốc đã thâm nhập một số hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của Mỹ có thể vấp phải sự trả đũa của Mỹ.


Bằng việc huy động sự ủng hộ quốc tế đối với những cải cách kinh tế của mình đồng thời thể hiện mong muốn quan hệ nồng ấm khi có thể, Bắc Kinh đang sử dụng các chiến thuật nhằm tìm kiếm việc giảm nhẹ sức ép từ cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đang làm thế vào thời điểm mà việc tổ chức lại nội bộ có thể khó khăn. Trong khi Mỹ vẫn đang yêu cầu cải cách, vì thế nước này có thể tạo cho Trung Quốc một số cơ hội để thực thi. Vì thế, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cả hai cần ngồi lại và đàm phán, để rồi sau đó việc theo đuổi các lợi ích quốc gia giữa hai cường quốc sẽ lại tiếp tục.


Quang Tuyến (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN