Mỹ sắp trở lại là đầu tàu kinh tế thế giới?

Kỹ thuật khai thác dầu khí mới đang hứa hẹn giúp Mỹ đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong vòng 5 năm nữa. Đồng USD yếu đang tạo ra làn sóng “hồi hương” của các công ty chế tạo, giúp cán cân thương mại thặng dư trở lại. Sau một thập kỷ trì trệ, Mỹ đang đứng trước cơ hội lấy lại vị trí quyết định vận mệnh của nền kinh tế thế giới.

Nguồn khí đốt tự nhiên khai thác từ đá phiến, với tên gọi “Cuộc cách mạng khí diệp thạch”, đã đưa Mỹ vượt Nga trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất thế giới trong năm qua. Tuy nhiên, có một thực tế khác chưa được nhiều người biết: Công nghệ “nứt vỉa thủy lực” áp dụng trong khai thác khí diệp thạch cũng hứa hẹn tạo ra một bước nhảy vọt trong khai thác dầu thô ở các mỏ dầu Bakken ở bang bắc Dakota, mỏ Eagle Ford ở Texas và các mỏ khác ở miền trung tây nước Mỹ.

Chuyên gia Francisco Blanch tại Bank of America cho biết năm 2010 Mỹ đóng góp nhiều nhất vào mức tăng sản lượng dầu thô của thế giới, với 395.000 thùng/ngày. Nếu các mỏ dầu ở Dakota được khai thác, thế giới sẽ có thêm một “Biển Bắc” mới. Sản lượng dầu thô diệp thạch của Mỹ dự kiến sẽ tăng với tốc độ kinh ngạc, đạt 5,5 triệu thùng/ngày vào năm 2015, tăng 10 lần so với năm 2009. Hiện Mỹ đã đáp ứng được 72% nhu cầu dầu mỏ trong nước, so với 50% cách đây một thập kỷ. Chuyên gia Blanch nhận xét: “Sự thay đổi này mang một ý nghĩa rất lớn về địa chính trị, an ninh năng lượng, đồng minh quân sự và hoạt động kinh tế. Trong khi sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Đông tiếp tục giảm, sự lệ thuộc của châu Âu lại tăng lên và nguy cơ khu vực này bị chi phối bởi một số quốc gia nắm giữ tài nguyên cũng gia tăng”.

Đồng thời, mối quan hệ thương mại “một chiều” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xoay chuyển theo hướng mới. Một báo cáo của “Nhóm tư vấn Boston” cho rằng mức chênh lệch về chi phí lao động của Trung Quốc và Mỹ không còn lớn do lương công nhân ở Trung Quốc tăng trung bình 16% trong thập kỷ qua, khiến nước này không còn là địa điểm lý tưởng với hãng chế tạo công nghiệp. Các lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc có chi phí nhân công sắp cao bằng Mỹ bao gồm máy tính, thiết bị điện, cơ khí, phụ tùng ô tô xe máy, nhựa, cao su, sản phẩm kim khí và cả nội thất. Theo tính toán, mức chênh về lương nhân công giữa Trung Quốc và Mỹ (sau khi đã trừ yếu tố năng suất lao động) sẽ tăng từ 22% năm 2005 lên 43% vào năm 2015. Thậm chí so với vùng miền nam của Mỹ, lương công nhân ở Trung Quốc gần bằng 61%. Nếu tính các chi phí vận chuyển, mức độ tin cậy và ăn cắp bản quyền, việc đặt nhà máy ở trong nước sẽ có lợi hơn đối với các công ty Mỹ.

Trên thực tế, làn sóng “hồi hương” của các công ty Mỹ đang dần gia tăng: Farouk Systems chuyển cơ sở lắp ráp máy sấy tóc về Texas sau khi trên thị trường xuất hiện quá nhiều hàng nhái; ET Water Systems rút nhà máy sản xuất thiết bị thủy lợi về California; Master Lock lên kế hoạch trở lại Milwaukee; NCR dời dây chuyền sản xuất máy ATM về Georgia; NatLabs sắp quay lại Florida. Nhóm Boston ước tính đến giữa thập kỷ này sẽ có khoảng 800.000 việc làm được hồi hương trở về Mỹ, tạo ra hiệu ứng 2,4 triệu việc làm nữa cho thị trường lao động nước này.

Các ngành chế tạo Mỹ còn được hưởng lợi thế cạnh tranh khá lớn nhờ tỷ giá đồng USD thấp. Việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) duy trì lãi suất 0% và bơm 2.300 tỷ USD ra thị trường, dù vô tình hay hữu ý, đã giúp đồng USD giảm giá so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Hành động của FED đặt các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trước hai lựa chọn, và chọn cách nào họ cũng thiệt: Hoặc là tăng giá đồng nhân dân tệ và chấp nhận lương công nhân tăng và mất nhà máy; hoặc là gắn đồng nội tệ với đồng USD và đối mặt với lạm phát. Cuối cùng Bắc Kinh chọn kìm cương lạm phát, bởi phải cần phải có thời gian để các công ty rút nhà máy hoặc thay đổi kế hoạch đầu tư vào nơi khác.

Tuy nhiên, những gì diễn ra ở châu Âu cho thấy làn sóng rút vốn có thể xảy ra rất nhanh. Do đồng euro lên giá quá mạnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này giảm 63% trong giai đoạn 2007-2010, đặc biệt giảm tới 77% ở Italia. Trong khi đó FDI vào Mỹ tăng 5% nhờ thu hút được một loạt tập đoàn lớn của nước ngoài như Samsung, Volkswagen, hay các tập đoàn của Mỹ như Intel, GM, Caterpillar. Không những thế, châu Âu còn đang tự làm khó mình với các chính sách thắt chặt chi tiêu, kìm hãm tăng trưởng.

Những lợi thế Mỹ có được nhờ nguồn năng lượng trong nước và đồng USD giảm giá chưa phải là yếu tố quyết định để nền kinh tế này có được một sự hồi phục ngoạn mục. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ chưa sớm chấm dứt do các nền kinh tế phát triển đều đang phải giảm đầu tư và chi tiêu, còn Trung Quốc thì lo xì hơi bong bóng lạm phát. Tuy nhiên, xét về thực lực, Mỹ đang nắm trong tay nhiều quân bài lợi thế: 16/20 trường đại học tốt nhất thế giới, tốc độ tăng dân số trên 2% sẽ giúp nhanh chóng lấy lại cân bằng ngân sách (trái ngược hẳn với các nước phát triển khác). So với châu Âu, Mỹ có các thiết chế và một ngân hàng trung ương thực sự có quyền lực. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp Mỹ lấy lại sức mạnh kinh tế trước đây của mình.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN