Mỹ đã sa lầy ở Ápganixtan như thế nào? - Bài 4: Quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến

Nhớ lại hồi 2006, những người thuộc đảng Dân chủ đã chỉ trích chính quyền Bush vì mạo danh chuyển hướng cuộc chiến tranh ở Ápganixtan để tiến hành cuộc chiến ở Irắc. Điển hình là một bài diễn văn năm 2006 của ông Barack Obama, khi đó là Thượng nghị sĩ: “Quyết định của Tổng thống Bush tiến hành chiến tranh ở Irắc đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với Ápganixtan… thay vì củng cố những thắng lợi mà chính phủ Karzai đã đạt được, chúng ta đang trở lại tình trạng hỗn loạn”.


Và vì hỗn loạn, Mỹ đã buộc phải tăng cường chiến tranh. Từ năm 2003 - 2006, quân Mỹ đã tăng từ 13.000 lên khoảng 20.000 người. Năm 2006, các cuộc không kích của Mỹ và các trận ném bom đã tăng gấp 10 lần so với năm trước đó. Năm 2007, các cuộc không kích gần như đã tăng gấp đôi, các lực lượng Mỹ và NATO đã gia tăng việc khám xét và vây ráp từng ngôi nhà trên khắp đất nước Ápganixtan với qui mô rất lớn. Biết bao ngôi làng của dân nghèo Ápganixtan đã bị phá hủy hoàn toàn vì bị nghi là chứa chấp hay trợ giúp quân nổi dậy. Các đội quân thuộc lực lượng đặc biệt với la liệt những “danh sách mục tiêu” đã tiến hành các cuộc đột kích vào ban đêm, các vụ sát hại và bắt bớ hàng loạt; các nhà tù và các trung tâm giam giữ chật cứng người, điển hình như căn cứ không quân Mỹ ở Bagham gần thủ đô Cabun.


Trong khi nền kinh tế Ápganixtan trong tình trạng thảm hại, thì đa số nông phẩm lại bị phá hủy, nhiều người dân bị mất đất và không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi theo các đội quân du kích địa phương, các băng cướp và buôn lậu.


Không thể chối cãi, rõ ràng là Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh thực sự với những hậu quả nặng nề đối với người dân Ápganixtan, một cuộc chiến tranh theo kiểu riêng của Mỹ là chống chủ nghĩa khủng bố. Nhưng oái oăm thay, rất nhiều người dân nước này lại muốn “khủng bố” lại Mỹ và các đồng minh của họ, và chính họ từ chỗ không oán hận gì nước Mỹ và phương Tây, đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho chính phương Tây và Mỹ.


Khi Thượng nghị sĩ Barack Obama bước vào Nhà Trắng cách đây gần 4 năm, Mỹ và các đồng minh trong NATO đã tăng ồ ạt số quân tham chiến ở Ápganixtan. Quân Mỹ đã tăng từ 20.000 lên 33.000 quân trong vòng hai năm và các nước khác trong khối NATO đã tăng từ 20.000 lên 37.000 quân. Thậm chí, chỉ 10 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, số quân Mỹ đã tăng gấp đôi, lên tới 68.000 quân, song phần lớn là để thực hiện các quyết định của chính quyền tiền nhiệm G.Bush.


Tuy nhiên, không phải chỉ có vậy, trong bài diễn văn rất được chờ đợi vào tháng 12/2009, đọc tại Học viện quân sự West Point, ông Obama cuối cùng đã phát triển chiến lược tiến hành chiến tranh ồ ạt của mình. Ông thông báo sẽ nâng số quân lên tới gần 100.000 người, nhưng cũng hứa rằng sau 18 tháng, tức là vào tháng 7/2011, sẽ rút hoàn toàn khỏi Irắc, chiến trường “đàn em” của Ápganixtan, vì mục tiêu chống khủng bố.


Chương trình tổng thể chống quân nổi dậy ở Ápganixtan do Tướng David Petraeus đưa ra, đã được hết lời ca ngợi, và Oasinhtơn coi nó là trọng tâm trong nỗ lực giải quyết dứt điểm tập hồ sơ Ápganixtan của Tổng thống Barack Obama. Mục tiêu của chương trình này là phải chiếm được “trái tim và khối óc” của người dân Ápganixtan bằng cách bảo vệ họ trước quân nổi dậy và đảm bảo an ninh cho toàn đất nước.


Để thực hiện chương trình này, các lực lượng Mỹ đã tập trung vào các tỉnh Kandahar và Helmand, nằm ở phía nam và đông đất nước, được coi là trung tâm của cuộc nổi dậy. Mỹ đã tiến hành các chiến dịch lớn đầu tiên vào tháng 2/2010 tại huyện Marja, nơi chỉ có những ấp nghèo nàn tại một vùng lớn hơn một chút các thành phố ở Cleveland hoặc Oasinhtơn ở Mỹ. Đây là chiến dịch phối hợp lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, và hơn 15.000 quân Mỹ, Ápganixtan, Canađa và Anh đã “quét sạch” Marja chỉ trong vòng vài ngày, đã đánh đuổi tan tác quân Taliban, lập ra một chính quyền địa phương trong chớp nhoáng.

 

Thế nhưng, oái oăm thay, các chiến dịch trả đũa của quân nổi dậy lại bắt đầu ngay sau khi quân NATO rút đi, điều đó buộc Mỹ và các đồng minh phải trở lại và tiến hành các cuộc chiến thường xuyên trong những tháng tiếp theo không chỉ ở đấy, mà còn ở các địa phương khác trên khắp đất nước Ápganixtan. Một già làng đã kể lại: “Ban ngày thì quân chính phủ thống trị, ban đêm thì quân Taliban”, rồi tự hỏi:”Như thế thì hỏi làm sao chúng tôi sống yên thân được?”. Tình hình bi đát đến mức cuối cùng Mỹ đã buộc phải tiến hành một loạt chiến dịch khác lớn hơn tại thành phố Kandahar và các vùng lân cận trong suốt thời gian cuối mùa hè đầu mùa thu năm 2010.

 

Các ngôi làng đã bị ném bom và hàng nghìn người bị bắt trong các cuộc đột kích ban đêm. Quân đội Mỹ sau đó lại tuyên bố chiến thắng, nhưng ai cũng hiểu đây là điều rất mập mờ, chủ yếu để tuyên truyền, vì chỉ một năm sau, Taliban lại mở cuộc tấn công vào Kandahar, tấn công với qui mô lớn vào các tòa nhà của cảnh sát và chính quyền địa phương. Atta Mohammed Hajji, một cựu tướng cảnh sát đã lãnh đạo Hội đồng các cựu tư lệnh Moudjahidin ở Kandahar, đã kể lại với phóng viên tờ Wall Street Journal: “Quân Taliban đã hoạt động rất tích cực tại thành phố này hơn bất cứ thời điểm nào kể từ năm 2001. Trên thực tế, họ đã chủ động tiến hành chiến tranh ở Kandahar”.


Trong khi đó, Mỹ đã nỗ lực tăng cường cho chế độ Ápganixtan. Chẳng hạn, năm 2010, các lực lượng đặc biệt Mỹ đã được huy động để thành lập và huấn luyện cho các dân quân địa phương, nói là để chống lại quân Taliban, nhưng thực ra là để biến các dân quân này thành một lực lượng cảnh sát địa phương Ápganixtan (ALP). Trên tờ New Yorker, nhà báo Dexter Filkins đã mô tả việc huyện Kunduz bị chia thành 9 vùng như thế nào, mỗi vùng do một đội dân quân mới kiểm soát. Người ta phát cho họ thẻ trắng để cai trị dân. Và người ta cũng nhắm mắt làm ngơ khi họ tiến hành các vụ cướp có vũ trang, hãm hiếp và tấn công dân lành.


Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại New York)

 

Đón đọc bài cuối: Càng leo thang, càng sa lầy và hậu quả khôn lường

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN