Mỹ có nên không kích Syria để chống IS?

Trong thời gian qua, Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trở thành một mối đe dọa chưa từng có đối với không chỉ các nước trong khu vực mà còn với toàn thế giới.

 

Nếu không sớm bị kiểm soát, IS sẽ tiếp tục làm bất ổn tình hình khu vực bằng việc chiếm thêm các vùng đất mới và tiếp tục các hành động sát hại tàn khốc của mình. Ngoài ra, các phần tử khủng bố của IS cũng sẽ được huấn luyện kỹ càng hơn, và chúng sẽ tiếp tục gây ra những mối đe dọa nguy hiểm hơn cho toàn cầu. Vì vậy, hiện nay chính là thời điểm để tiêu diệt IS.


Nhớ lại vào năm 2013, Mỹ từng lên kế hoạch không kích Syria nhằm trừng phạt việc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad được cho là đã sử dụng vũ khí hóa học. Mặc dù chiến dịch này chưa diễn ra, nhưng mọi cơ sở vật chất cần có để triển khai chiến dịch này hiện vẫn còn đó và đều đã sẵn sàng. Và vì thế, ngày càng nhiều người cho rằng Mỹ cần phải tiến hành ngay các vụ oanh kích ở Syria để tiêu diệt các cơ sở của IS.

 

IS đã trở thành mối đe dọa chưa từng có với toàn thế giới.


Tuy nhiên, tại Syria, các hành động quân sự của Mỹ, nếu có, cũng khó có thể đạt được hiệu quả cao như ở Iraq. Để tiêu diệt thành công IS, Mỹ cần phối hợp với chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad. Đó là điều không tưởng, ít ra là vào lúc này, vì sau vô số những lời đe dọa và thái độ thù địch vừa qua, làm sao Mỹ có thể hợp tác với Damascus?


Nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama thật sự muốn hợp tác với Syria để triệt phá IS, ông sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước Arập. Trong thời gian qua, các nước Arập luôn cho rằng lập trường của Mỹ là quá yếu ớt và không rõ ràng, và hiện nay, nếu Mỹ không đứng lên để chống lại IS một cách quyết liệt (ý nói phải chống lại IS ở cả Syria), chính phủ các nước này sẽ phải quay sang các nước khác, trong đó có Nga để tìm kiếm một giải pháp tức thì.


Một số ý kiến cho rằng nếu Mỹ muốn tấn công IS trong lòng Syria, họ cần liên kết với một số nước khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Qatar và Jordan, giống như chiến dịch không kích vào Libya năm 2011. Tuy nhiên, lần này mọi việc đã khác do sự mâu thuẫn giữa các nước là thành viên Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC - gồm 6 nước là Saudi Arabia, UAE, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman), và bản thân những nước này cũng rất lo sợ nếu hợp tác với Mỹ, họ sẽ bị các tay súng IS trả thù. Hiện nay, những quốc gia này đang tìm cách thắt chặt an ninh, đồng thời vận động những công dân của mình có khả năng bị IS chiêu mộ không đi theo IS. Trên thực tế, chính phủ của những nước nói trên muốn Mỹ hợp tác với các đối tác châu Âu, bởi họ không muốn đứng tuyến đầu trong việc giải quyết vấn đề Syria.


Để các cuộc không kích có thể đạt được thành công tối đa, cần phải có những thông tin tình báo chính xác về địa điểm và thời gian đối với các mục tiêu, nếu không, Mỹ sẽ phải chịu chi phí rất lớn và đi kèm với đó là nhiều sinh mạng của dân thường Syria. Nếu Mỹ tiến hành chiến dịch tại Syria, lực lượng tình báo nước này sẽ cần phải hoạt động hết công suất, và phải hợp tác tối đa với Mỹ.


Nếu Mỹ tiến hành chiến dịch không kích ở Syria, thì nước chủ nhà với sự hỗ trợ của các nước khác cần tiến hành vây ráp và bắt sống các tay súng cũng như người ủng hộ IS, để tránh việc những phần tử này chạy thoát và tiến hành các chiến dịch trả thù. Để làm được điều này, Mỹ và các đồng minh cần giải quyết những bất đồng với Syria, Iran và Nga bởi Mỹ và phương Tây cần sự giúp đỡ của những nước này trong cuộc chiến tiêu diệt IS.


Tóm lại, chính quyền của Tổng thống Obama cần hành động ngay bây giờ để thể hiện (đúng hơn là để lấy lại) vai trò của mình tại khu vực Trung Đông. Nếu không hành động ngay và tiếp tục để IS giành những thắng lợi như thời gian vừa qua, an ninh của khu vực này sẽ phải đứng trước một tương lai hết sức đen tối.


Phạm Phú Phúc (Theo mạng "Al-Arabia")

Khủng hoảng Trung Đông và sự diệt vong của nhà nước Hồi giáo
Khủng hoảng Trung Đông và sự diệt vong của nhà nước Hồi giáo

Vòng xoáy bạo lực mới nhất của vùng Trung Đông – cái rốn của các cuộc khủng hoảng trong thời gian gần đây, đang khiến người ta lo ngại về một viễn cảnh nguy hiểm: sự phân rã của các nhà nuớc Arab với sự nổi lên của thế lực Hồi giáo dòng Sunni.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN