Dưới sự chủ trì của cựu Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma, COP 26 là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất do Anh đăng cai tổ chức cho đến nay, quy tụ số lượng lớn nhất các nhà lãnh đạo thế giới từ 197 quốc gia, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự COP 26, thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu; thể hiện quyết tâm và nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức hiện nay của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng là sự kiện khí hậu quan trọng nhất kể từ khi thỏa thuận lịch sử về khí hậu, Hiệp định Paris được 195 nước ký kết tại Hội nghị COP 21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015, với sự tham gia của hơn 30.000 đại biểu là đại diện các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), các nhà đàm phán, doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường và báo giới.
Để tổ chức sự kiện trực tiếp trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Anh đã cung cấp vaccine cho phái đoàn các nước không có điều kiện tiếp cận vaccine để tất cả các nước đều có mặt và có tiếng nói tại hội nghị. Nước chủ nhà cũng đưa ra những quy định chặt chẽ về xét nghiệm COVID-19 và cách ly nhằm đảm bảo an toàn cho đại biểu tham dự.
Trước đó, một số ý kiến cho rằng COP 26 cần được tổ chức trực tuyến do dịch bệnh. Tuy nhiên, ngoài thách thức do chênh lệch múi giờ, việc tổ chức theo hình thức trực tuyến sẽ khiến các quốc gia có nguồn lực hạn chế về công nghệ không thể tham gia hội nghị. Nhiều quốc gia đang phát triển mong muốn trực tiếp tham dự COP 26 để có thể chia sẻ những thách thức về biến đổi khí hậu họ đang phải đối mặt, bởi cho rằng tiếng nói của mình dễ bị bỏ qua tại một cuộc họp trực tuyến.
Là nền kinh tế lớn đầu tiên luật hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nước chủ nhà Anh kỳ vọng COP 26 sẽ đi vào lịch sử như một hội nghị thành công với việc thúc đẩy các quốc gia đưa ra cam kết mới nhằm tiếp tục cắt giảm lượng phát thải để đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.
Tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá thành công của COP 26 chính là số lượng các quốc gia cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, cũng như số lượng các chính phủ nộp Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), trong đó xác định cam kết nhằm góp phần hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C và hướng tới ngưỡng 1,5 độ C. Tính đến tháng 9, có 86 quốc gia và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nộp NDC mới hoặc cập nhật cho UNFCCC. Trong số này, Anh cam kết giảm 68% lượng phát thải vào năm 2030 so với năm 1990 và 78% vào năm 2035. EU đặt mục tiêu giảm tối thiểu 55% vào năm 2030 trong khi Mỹ cam kết giảm 50-52% so với năm 2005. Trung Quốc, nước phát thải CO2 lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, song NDC cập nhật của nước này không có thay đổi lớn so với mục tiêu năm 2030.
Một yếu tố quan trọng khác quyết định thành công của COP 26 là các nước phát triển thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Cam kết đã không được hoàn thành vào năm ngoái như dự kiến. Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD), các nước đang phát triển sẽ chỉ tiếp cận được 97 tỷ USD tài trợ vào năm 2022 và 106 tỷ USD vào năm 2023. Mặc dù vậy, tuyên bố gần đây của một số nước, trong đó Mỹ cam kết tăng gấp đôi tài chính khí hậu lên 11,4 tỷ USD vào năm 2024, đã mang đến những hy vọng mới tại COP 26.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng kêu gọi các nước giàu thực hiện cam kết tài trợ khí hậu 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển sớm hơn 1 năm. Bà nhấn mạnh việc thực hiện cam kết là quan trọng để xây dựng niềm tin với các quốc gia nghèo nhất trên thế giới nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiệt độ gia tăng trên toàn cầu. EU đang tài trợ hơn 25 tỷ USD mỗi năm và dự kiến sẽ công bố mức tăng mức tài trợ khí hậu của khối vào cuối tuần này.
Một mục tiêu quan trọng khác của COP 26 là tăng cường khả năng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu cũng như khả năng đối phó với những tác động tiêu cực không tránh khỏi về kinh tế và phi kinh tế của biến đổi khí hậu thông qua thích ứng hoặc giảm thiểu các mất mát và thiệt hại.
Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson đã kêu gọi thế giới cần hành động chống lại biến đổi khí hậu ngay lập tức trước khi quá muộn, nhấn mạnh rằng đây là thời điểm “bước ngoặt của nhân loại”. Việc sử dụng hội nghị thượng đỉnh của LHQ, diễn đàn quan trọng nhất trên trường quốc tế, để thể hiện cam kết của Anh trong việc chống biến đổi khí hậu nhằm hướng tới một tương lai toàn cầu bền vững, cũng như củng cố uy tín của nước này với tư cách là quốc gia đi đầu trong phát triển kinh tế xanh được cho là bước đi khôn ngoan của Thủ tướng Johnson sau khi Anh rời EU (Brexit).
Tuy nhiên, việc kết nối các nhà lãnh đạo thế giới tại COP 26 để thực hiện cam kết biến đổi khí hậu là một thách thức lớn đối với ông Johnson, trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo của các quốc gia phát thải hàng đầu thế giới không có kế hoạch tham dự hội nghị, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Báo cáo Khoảng cách phát thải năm 2021 của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho thấy các NDC mới và cập nhật của các quốc gia cùng với các biện pháp giảm thiểu khác chỉ làm giảm 7,5% lượng phát thải ước tính vào năm 2030, trong khi cần duy trì mức giảm 30% để giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C và 55% để đạt mức 1,5 độ C. Với các cam kết hiện nay của các quốc gia, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ở mức 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này, cao hơn nhiều so với mục tiêu 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Để giữ ở ngưỡng 1,5 độ C, thế giới chỉ có 8 năm để giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hằng năm.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng đến tới nền kinh tế toàn cầu có khả năng làm suy yếu các cam kết và nỗ lực hạn chế phát thải tại COP 26. Thị trường năng lượng với nguồn cung hạn chế, giá cả tăng vọt và khôi phục việc sử dụng than đá có thể là những thách thức cản trở các cuộc đàm phán tại COP 26. Đã có những lo ngại rằng các quốc gia sản xuất khí đốt hàng đầu có thể thúc đẩy lợi ích quốc gia tại COP 26, trong khi giá cả tăng vọt khiến các nền kinh tế mới nổi có thể miễn cưỡng trong việc loại bỏ than đá do nguy cơ đe dọa an ninh năng lượng.
Cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng với giá khí đốt cao kỷ lục có thể thách thức các nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang cho thấy sự cấp thiết của việc chuyển sang năng lượng tái tạo, bởi đây là cách vừa cắt giảm lượng khí thải vừa tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng. Và đây là câu chuyện mà nước chủ nhà COP 26 đang hướng tới, câu chuyện về một thời đại công nghiệp mới hứa hẹn sự thịnh vượng và cơ hội cho tất cả mọi người với một tương lai tốt đẹp hơn, được xây dựng trên một nền tảng công nghệ mới, tái tạo và xanh hơn. Nước Anh hy vọng tại COP 26, các bên sẽ thể hiện quyết định chính trị mạnh mẽ và tinh thần hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở hài hòa với quyền và lợi ích của các quốc gia, để có thể mở cánh cửa đến tương lai xanh và bền vững cho thế giới.