Với diện tích đất canh tác rộng lớn và dân cư thưa thớt, các quốc gia trong khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm Áchentina, Braxin, Paragoay và Urugoay đã “nghiễm nhiên” trở thành mục tiêu trong quá trình thu mua đất nông nghiệp trên toàn cầu của nhiều nước trên thế giới trong thập kỷ qua. Điều này đã dẫn tới việc chính phủ các nước Mercosur lần lượt áp dụng những biện pháp hạn chế tình trạng ngoại quốc hóa nguồn tài nguyên đất, song có thể nói “cuộc chiến” bảo vệ đất vẫn chưa có hồi kết.
Trên thực tế, việc người nước ngoài mua lại những mảnh đất có diện tích lên tới hàng chục hay hàng trăm nghìn ha không phải là hiện tượng mới, mà đã diễn ra từ vài chục năm trước. Tuy nhiên, với việc giá lương thực trên thị trường thế giới và nhu cầu chuyên canh các loại cây trồng ngày càng cao, trào lưu này đã trở nên ồ ạt trong một thập niên trở lại đây.
Theo hãng thông tấn Prensa Mercosur, trong số 170 triệu ha đất có thể trồng trọt của Áchentina, các chủ nước ngoài đã nắm giữ 20 triệu ha, nói cách khác là gần 12% (chưa kể việc sở hữu gián tiếp). Đáng chú ý là các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhắm tới, không chỉ là các mảnh đất thuần túy nông nghiệp mà đồng thời là nơi giàu tài nguyên đang hoặc sẽ được khai thác như nguồn nước ngọt, lâm sản, khoáng sản hoặc có nhiều tiềm năng du lịch.
Các mảnh đất sở hữu của nước ngoài giờ đã rải rác tại tất cả các tỉnh thành của Áchentina: 350.000 ha của nhà tư bản Mỹ Douglas Tompkins tại 4 tỉnh khác nhau, doanh nhân Italia Benetton sở hữu 970.000 ha tại vùng đất ẩm bán hoang mạc phía nam Patagonia, một doanh nghiệp Italia khác có 418.000 ha tại tỉnh tây bắc La Rioja, những người Ôxtrâylia cũng mua 68.000 ha tại hai tỉnh biên giới phía bắc, người Đức có 120.000 ha tại tỉnh miền trung San Luis, hay gần đây là việc công ty thực phẩm Hắc Long Giang của Trung Quốc thu mua 320.000 ha tại tỉnh đông bắc Entre Rios.
Đặc biệt là hiện tượng này cũng diễn ra tại phần dải đất rộng 150 km trải dọc biên giới với Chilê (chạy dọc theo dãy núi Anđét), được định nghĩa là “vùng đệm an ninh” trong luật pháp Áchentina, một phần là do khu vực này chứa phần lớn các tài nguyên chiến lược của đất nước như nước ngọt, mỏ, dầu khí… Điển hình, tại tỉnh Mendoza (giáp Chilê và tập trung các vườn nho tươi tốt nhất Áchentina), 1/2 trong số 1 triệu ha có thể trồng trọt đã thuộc về các chủ sở hữu nước ngoài (Italia, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ…), trong đó 250.000 ha đất có hệ thống tưới tiêu của tỉnh đã được công ty Malaixia Argenceres mua lại từ năm 2001. Do đặc điểm thưa thớt dân cư tại các vùng nông thôn, tham nhũng và hạn chế nhân lực quản lý, các thương vụ mua bán này thường kéo theo các hiện tượng như chồng lấn sang diện tích đất do nhà nước quản lý, di dời hàng rào phân cách hàng km, mập mờ trong đo đạc trắc địa…
Braxin cũng phải đối diện tình trạng tương tự. Theo kết quả của một số cuộc khảo sát, trong giai đoạn 2007-2009, trung bình mỗi ngày các nhà đầu tư nước ngoài thu mua 1.200 ha đất nông nghiệp của quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này. Trong khi đó, tình hình tại hai nền kinh tế nhỏ hơn trong Mercosur thậm chí còn cấp bách hơn. Theo số liệu năm 2010 của đài phát thanh Radio Libre, chỉ trong giai đoạn 2000-2009, 3 triệu/16 triệu ha đất nông nghiệp của Urugoay đã rơi vào tay các chủ sở hữu nước ngoài, chưa kể tới tỷ lệ ngoại quốc hóa đất 17% trước giai đoạn này. Trong khi theo số liệu chính thức, trong số 200 gia đình đang kiểm soát 80% diện tích đất mầu của Paragoay, một tỷ lệ lớn là người nước ngoài hoặc là bình phong đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tượng ngoại quốc hóa đất nông nghiệp này mang lại nhiều hệ quả kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật nhất là việc mất kiểm soát lãnh thổ, ảnh hưởng tới mô hình truyền thống cũng như chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia, độ mầu của đất, tác hại môi trường, việc áp dụng các công nghệ nông nghiệp không phù hợp, trong bối cảnh các dự án nông nghiệp lớn của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu theo hướng độc canh, thất thoát tài nguyên thiên nhiên, di dời cưỡng bức nhiều cộng đồng dân cư bản địa, đánh mất nguồn gốc và bản sắc văn hóa của nhiều vùng nông thôn,…
Chính vì thế, bỏ qua những cảnh báo về sụt giảm đầu tư nước ngoài và vi phạm “tự do buôn bán”, chính phủ trung tả tại cả 4 nước Mercosur đều đã hoặc đang đưa ra các biện pháp ngăn chặn tình trạng này. Tháng 10/2008, Paragoay ra sắc lệnh cấm mọi hoạt động mua bán đất nông nghiệp với người nước ngoài. Tháng 8/2010, Braxin ban hành luật ấn định giới hạn diện tích đất nông nghiệp do người nước ngoài sở hữu tại mỗi đơn vị cấp huyện không được vượt quá 25% và mỗi hợp đồng buôn bán không được vượt quá 5.000 ha. Tháng 4/2011, chính phủ Áchentina đệ trình Quốc hội dự luật có nội dung tương tự, với giới hạn đất nông nghiệp do người nước ngoài sở hữu không được quá 20% cấp quốc gia và diện tích trong mỗi lần giao dịch không quá 1.000 ha. Urugoay cũng đang hướng tới biện pháp tương tự trong nỗ lực chung giảm tình trạng tập trung đất trồng.
Hiện tại, nhiều phong trào xã hội vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại quá trình mà họ cho là “tái thực dân hóa” này, nổi bật là "Phong trào những người nông dân không có đất" tại cả 4 quốc gia Mercosur, do cho rằng những đạo luật trên vẫn chưa đủ mạnh mẽ khi không đưa ra quy định về việc sử dụng đất nông nghiệp do người nước ngoài sở hữu, không có tính hồi tố, không đặt ra việc kiểm tra rà soát những diện tích đất đã bị ngoại quốc hóa (việc người nước ngoài sở hữu đất tại đây có rất nhiều hình thức và ngay cả công tác thống kê cũng khó khăn), hay không phòng ngừa những biến dạng mới của hiện tượng này như “thuê dài hạn” đất trồng diện tích lớn.
Lê Hà (P/v TTXVN tại Áchentina)