Liên đoàn các nước Arập (AL) vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thành phố nghỉ mát Sharm El-Sheikh bên bờ Biển Đỏ (Ai Cập) với hai chủ đề chính là kinh tế và chính sách đối ngoại.Các đại biểu tham dự hội nghị đã sôi nổi bàn thảo một đề xuất mới mà không mới, đó là thành lập một "Lực lượng quân sự liên Arập". Vấn đề này không mới bởi chủ trương đã từng được nêu ra trong AL nhưng chưa bao giờ thành hiện thực và trên thực tế đã bị lãng quên. Vì vậy, khi được "xáo lại" vào giai đoạn hiện nay nhiều người lại coi đó là "đề xuất mới".
Cách đây 70 năm, theo đề xuất của chính phủ do Thủ tướng Moustapha Al-Nahass đứng đầu, Ai Cập đã mời các nước Arập tới Alexandria để tìm kiếm một liên bang Arập. Các nhà lãnh đạo Syria, Liban, Palestine, Saudi Arabia... đã thỏa thuận thành lập một tổ chức gồm các nước Arập và chính tổ chức này đã trở thành AL (ngày 22/3/1945) theo Nghị định thư Alexandria.
Toàn cảnh hội nghị AL ở Sharm El-Sheikh ngày 29/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sự hợp tác đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau, kể cả quân sự, vẫn luôn là mục tiêu chung của AL nhằm chấm dứt những tham vọng thực dân của châu Âu (sau này là của Israel) tại thế giới Arập. Trong những năm tiếp theo kể từ khi ra đời, AL dần dần đã tiếp nhận phần còn lại của thế giới Arập, bất chấp những bất đồng dai dẳng, đan xen giữa họ với nhau. Vì thế, các nước thành viên AL luôn phải vất vả để thiết lập các chiến lược chung. Khá nhiều các vấn đề, dù đã được bàn thảo kỹ lưỡng, vẫn không được phê chuẩn do các nước thành viên AL không đồng quan điểm, và thậm chí, có không ít thỏa thuận dù đã được tất cả các nước thành viên phê chuẩn nhưng vẫn không được triển khai.
Vì trong nội bộ AL luôn tồn tại những bất đồng nên giới quan sát cho rằng chủ trương thành lập một lực lượng quân sự liên Arập - vừa được đưa ra thảo luận tại Sharm El-Sheikh - không dễ thành hiện thực. Có một thực tế là mối lo ngại của các nước Arập hiện nay dường như đã chuyển từ sự chiếm đóng của Israel sang sự trở nên hùng mạnh, hung hãn của các nhóm khủng bố và sự sụp đổ của một loạt quốc gia Arập do hậu quả của cuộc cách mạng "Mùa Xuân Arập".
Từ đó đến nay, trải dài từ Libya đến Iraq qua Yemen hay Syria và ngay cả Ai Cập, các cuộc xung đột nội bộ, tình hình căng thẳng phe phái, chủ nghĩa thánh chiến và tính bấp bênh của các chính quyền đã đặt thế giới Arập vào một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Những bất đồng liên Arập không chỉ là ngấm ngầm nữa mà đã thể hiện công khai tại diễn đàn hội nghị thượng đỉnh AL lần này. Các nước thành viên AL đã không có được quan điểm chung về vấn đề Syria. Họ cũng không có tiếng nói chung trong vấn đề Libya, hay sự chia rẽ, bất đồng giữa Ai Cập với Qatar và giữa Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) với Qatar... Quy chế về tổ chức "Anh em Hồi giáo" (MB), một tổ chức tồn tại ở phần lớn các nước thành viên AL, cũng là chủ đề gây tranh cãi, tạo ra nhiều bất đồng trong AL.
Là nước chủ nhà, Ai Cập đề xuất thành lập Lực lượng quân sự liên Arập trên cơ sở sửa đổi Hiến chương của AL, nhưng vẫn dựa vào Nghị định thư Alexandria năm 1944. Ai Cập muốn thấy các nước Arập cùng tham gia các chiến dịch chống tổ chức khủng bố mang tên "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Libya (có biên giới chung với Ai Cập).
Thực sự, các nhà lãnh đạo Ai Cập muốn thúc đẩy hệ thống an ninh tập thể được thiết lập bởi Hiến chương của AL và Thỏa thuận về quốc phòng ký ngày 13/3/1950. Tại hội nghị này, Ai Cập đã hé lộ chủ trương sẽ thành lập một lực lượng bao gồm Ai Cập, Jordan, UAE và Saudi Arabia như là điểm xuất phát, và luôn mở cửa cho các nước khác trên cơ sở tự nguyện, không bắt buộc. Trước đó, trong cuộc họp đầu tháng 3 vừa qua, các Bộ trưởng Ngoại giao AL đã ra thông cáo kêu gọi thành lập một lực lượng khu vực và đa quốc gia để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Việc các nước thành viên AL chấp nhận sửa đổi Hiến chương của AL sẽ tạo cơ sở cho việc thành lập một lực lượng quân sự liên Arập nhằm bảo vệ những lợi ích sát sườn của toàn dân tộc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy, AL vẫn còn quá nhiều việc phải làm.
Phạm Phú Phúc(Theo tờ "Tin tức Arập")