Cảnh sát ngăn dòng người tuần hành kêu gọi trưng cầu dân ý về độc lập vùng Catalunya trên quảng trường Puerta del Sol ngày 1/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Việc lãnh đạo 2 vùng trên tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, vốn đã được khẳng định là hành động vi hiến, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương ở hai nước và cả cộng đồng quốc tế, thực sự đã gióng lên hồi chuông báo động, không chỉ đặt ra thách thức to lớn đối với chính trị, an ninh ở những nước này, mà còn trở thành mối nguy cơ đe dọa hòa bình và sự ổn định cho một khu vực rộng hơn nhiều.
Ý đồ thành lập những "nhà nước riêng" ở 2 vùng này sẽ dẫn tới những hệ lụy rất nghiêm trọng và có thể khiến "bàn cờ" chính trị ở Iraq và Tây Ban Nha, cùng các nước và khu vực liên quan, trở nên đầy phức tạp và nguy hiểm.
Có thể ví cuộc trưng cầu dân ý ở vùng Catalunya là “phát súng” báo hiệu một cuộc khủng hoảng mới tại châu Âu. Sau sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), xu hướng ly khai trỗi dậy đang khiến "con thuyền" EU lại hứng chịu thêm “lỗ thủng” mới.
Dù chính quyền Madrid tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở Catalunya hoàn toàn không có giá trị và chỉ là một “màn hài kịch”, song việc giới chức vùng lãnh thổ giàu có ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha này nhiều năm nay luôn “âm ỉ” ý định “rũ áo ra đi” bằng mọi cách, cũng buộc các nhà lãnh đạo EU phải tính đến các giải pháp để hạn chế “mầm mống” ly khai đang lan rộng và đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia tại “lục địa già”.
Xứ Catalunya, vùng dùng ngôn ngữ riêng và có nền văn hóa riêng, lâu nay vẫn bị coi là “bom hẹn giờ” cho chủ nghĩa ly khai ở châu Âu. Mặc dù được hưởng quyền tự trị rộng rãi, song kể từ những năm đầu thế kỷ 21, chính quyền Catalunya, trung tâm công nghiệp chiếm khoảng 1/5 sản lượng kinh tế Tây Ban Nha, tạo ra 20% GDP, 25% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp cho ngân sách quốc gia số tiền lớn hơn những gì họ được nhận (1/5 nguồn thu của cả nước), đã liên tục đệ trình yêu sách và kế hoạch đòi độc lập.
Thậm chí năm 2006, vùng này đã tự tuyên bố là “một quốc gia”, song bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha bác bỏ. Tuy nhiên, sự kiện vùng lãnh thổ Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, tách khỏi CH Serbia tháng 2/2008 và lại được EU ủng hộ, đã "tiếp thêm lửa” cho phong trào đòi ly khai của xứ Catalunya.
Kể từ đó, bất chấp Chính phủ Tây Ban Nha đã dùng nhiều biện pháp, cả chính trị, pháp lý lẫn kinh tế, bao gồm cả việc mở các cuộc đàm phán về sửa đổi Hiến pháp, trao thêm quyền về tài chính và tự trị cho Catalunya, giới chức vùng này vẫn nhiều lần tìm cách tổ chức các hình thức “trưng cầu dân ý” đòi độc lập để gây sức ép đối với Madrid.
Quyết tâm của xứ Catalunya rời bỏ Tây Ban Nha một lần nữa khiến châu Âu cảm thấy lo ngại về làn sóng ly khai lan rộng trong vài năm trở lại đây. Ngay tại Vương quốc Liên hiệp Anh, quốc gia đang đàm phán để tách khỏi EU, xu hướng ly khai cũng đang dâng cao ở Scotland. Đặc biệt sau sự kiện Brexit, đảng Dân tộc Scotland đã đẩy nhanh chiến dịch đòi tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về độc lập vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019, dù trong cuộc trưng cầu đầu tiên 3 năm trước, người dân Scotland đã phản đối ly khai.
Cuộc trưng cầu ở xứ Catalunya vừa qua sẽ càng thôi thúc các nhà lãnh đạo ở Scotland, đó là chưa kể nó còn có thể "đánh thức" tâm lý ly khai tưởng chừng đang ngủ yên tại hai vùng Flanders nói tiếng Hà Lan và vùng Wallonie nói tiếng Pháp ở Bỉ, thậm chí nó cũng ảnh hưởng đến cả Italy (đối với vùng Nam Tirol), Pháp (đối với đảo Corse) và Đan Mạch (đảo Faeroe).
Ngay tại Tây Ban Nha, câu chuyện đòi ly khai của xứ Basque với các cuộc xung đột và khủng bố liên quan tới Tổ chức ly khai xứ Basque (ETA) kéo dài hơn 50 năm, khiến gần 900 người thiệt mạng, vẫn còn là nỗi ám ảnh.
Đáng lo ngại hơn, nếu xu hướng tách khỏi Tây Ban Nha ở Catalunya thắng thế, “mầm họa” ly khai sẽ tiếp tục sinh sôi, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU.
Ẩn sau một châu Âu trong tiến trình nhất thể hóa, hướng tới nền hòa bình bền vững và thống nhất toàn vẹn, là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa ly khai chỉ chực chờ bùng phát. Chỉ cần một "đốm lửa" ly khai bùng lên, lập tức nó có thể tạo thành hiệu ứng domino, xé rào ra toàn EU.
Nguy cơ làn sóng ly khai phá nát khu vực Trung Đông vốn đã đầy bất ổn và chia rẽ cũng là lý do khiến Chính phủ Iraq kiên quyết phản đối cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của cộng đồng người Kurd ở miền Bắc nước này.
Giống như người dân xứ Catalunya ở Tây Ban Nha, cộng đồng người Kurd, chiếm khoảng 20% dân số Iraq, sống chủ yếu ở miền Đông Bắc có trữ lượng dầu mỏ lớn của nước này, lâu nay cũng theo đuổi tham vọng độc lập.
Người Kurd bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở thành phố Kirkuk, miền bắc Iraq ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với cuộc trưng cầu ý dân về độc lập, chính quyền Khu tự trị người Kurd hướng đến mục tiêu tạo thêm ưu thế, gia tăng những đòi hỏi lợi ích về chính trị, kinh tế trong đàm phán với chính quyền Baghdad. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurd đang đẩy chính quyền Iraq và Khu tự trị người Kurd rời xa nhau hơn, đồng thời khiến những tranh chấp lâu nay giữa hai bên về lãnh thổ, việc chia sẻ nguồn lợi doanh thu từ dầu mỏ ngày càng khó giải quyết hơn, thậm chí có thể đặt người Kurd vào cuộc xung đột mới với Iraq.
Đây sẽ là yếu tố bất lợi khi lâu nay cộng đồng người Kurd vẫn sát cánh với Baghdad trong cuộc chiến chung chống lại tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng trong khu vực.
Bên cạnh đó, cuộc trưng cầu dân ý tại khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq cũng có nguy cơ trở thành “mồi lửa” khơi dậy “giấc mơ” tồn tại hàng thế kỷ nay về một “vương quốc của người Kurd” ở khu vực Trung Đông.
Với khoảng 35 triệu người hiện chủ yếu sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq, người Kurd là nhóm sắc tộc lớn thứ tư ở khu vực Trung Đông. Cộng đồng người Kurd tại 4 quốc gia này đã phát động nhiều chiến dịch đòi quyền độc lập hoặc tự trị, điển hình là phong trào vũ trang đòi thành lập nhà nước riêng của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984, khiến hơn 45.000 người thiệt mạng, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần tới bên bờ vực nội chiến.
Bởi vậy, các nước láng giềng của Iraq trong khu vực đều kiên quyết phản đối bước đi mang tới nhiều rủi ro của chính quyền Khu tự trị người Kurd ở Iraq và đều có những biện pháp mạnh mẽ để phản ứng.
Chưa biết hai cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd ở Iraq và tại vùng Catalunya ở Tây Ban Nha sẽ đi đến đâu, nhưng rõ ràng nó đang đe dọa sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của 2 quốc gia, gây ra sự chia rẽ, mất ổn định và làm cho tình hình tại những khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, hỗn loạn kéo dài.
Không chỉ Tây Ban Nha và Iraq đối mặt với khủng hoảng, “mầm họa” ly khai cũng có thể cũng sẽ kéo theo vô số các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở nhiều nơi khác, thách đố chủ quyền của nhiều quốc gia trên thế giới.