Cả kinh tế Nhật Bản và Anh đều suy giảm trong ba tháng cuối năm 2023. Với cả hai nước này, đây đều là quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm, đồng nghĩa với việc cả hai nền kinh tế lớn này đều đã rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, tại Mỹ, nền kinh tế vẫn tiến lên phía trước trong quý IV/2023, đánh dấu quý thứ sáu tăng trưởng liên tiếp. Diễn biến này trái ngược với nhiều dự đoán được đưa ra hồi năm ngoái rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ khó tránh khỏi suy thoái vì tác động của lãi suất cao.
Nền kinh tế Mỹ có thể duy trì được thể trạng tốt như thế một phần lớn là nhờ chi tiêu hộ gia đình, yếu tố chiếm phần lớn nền kinh tế nước này, vẫn mạnh mẽ bất chấp nhiều thách thức. Chính sách kích thích của chính phủ đã giúp các hộ gia đình vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch và sự leo thang của lạm phát. Và giờ đây, sự gia tăng tiền lương đang giúp họ ứng phó với tình trạng giá hàng hoá và dịch vụ cao.
Báo cáo được công bố ngày 15/2 cho thấy có ít người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu hơn trong tuần trước. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất khoẻ mạnh, bất chấp làn sóng sa thải gây chú ý trong thời gian gần đây. Sự vững mạnh của thị trường lao động đang góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ, và giới chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể loại bỏ nguy cơ suy thoái. Lạm phát có thể tăng trở lại. Những lo ngại về khối nợ lớn của Chính phủ Mỹ có thể chi phối các thị trường tài chính, từ đó dẫn đến các khoản vay để mua ô tô và các tài sản khác trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, tình trạng thua lỗ gia tăng liên quan đến lĩnh vực bất động sản thương mại có thể là một vấn đề lớn đối với hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, triển vọng đối với Mỹ dường như khả quan hơn đối với nhiều nền kinh tế lớn khác. Tâm lý trên Phố Wall đang rất tích cực, giúp chỉ số tổng hợp S&P 500 lần đầu tiên vượt ngưỡng 5.000 điểm.
“Sức đề kháng“ cao hơn dự đoán của nền kinh tế Mỹ là một nguyên nhân lớn để Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quyết định nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 vài tuần trước.
Giới phân tích cho rằng nhiều đặc điểm của riêng nền kinh tế Mỹ đã giúp nước này tránh được các cơn bão suy thoái. Chính phủ Mỹ đã cung cấp khoảng 5.000 tỷ USD hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch 2020-2021, cao hơn nhiều so với các nước khác. Chính sách này đã giúp các hộ gia đình duy trì thể trạng tài chính tốt hơn nhiều và hỗ trợ hoạt động chi tiêu tiêu dùng khi bước sang năm 2023.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng trợ cấp cho việc xây dựng các nhà máy chế tạo và cơ sở hạ tầng thông qua các gói luật bổ sung được thông qua vào năm 2021 và 2022, mà đến năm ngoái vẫn có tác động. Chi tiêu chính phủ đóng góp đến khoảng 25% cho mức tăng trưởng 2,5% của kinh tế Mỹ trong năm 2023.
Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của KPMG, cho rằng nước Mỹ có nhiều chính sách thực sự hỗ trợ cho người dân rất nhiều. Một minh chứng là người dân Mỹ đã được bảo vệ tốt hơn trước sự gia tăng của lãi suất so với người dân Anh. Hầu hết những người vay thế chấp để mua nhà ở Mỹ đều được hưởng lãi suất cố định 30 năm, vì thế chu kỳ nâng lãi suất mạnh mẽ của Fed hai năm qua ảnh hưởng rất ít đến nhiều người mua nhà, dù lãi suất vay thế chấp đã tăng từ khoảng 3% lên khoảng 6,7%. Trong khi đó, người dân vay thế chấp ở Anh lại phải làm mới khoản vay của mình sau mỗi 2-5 năm. vì thế, họ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi lãi suất vay thế chấp tăng mạnh do Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Một lợi thế khác của Mỹ là lượng dân nhập cư vào nước này đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Điều này giúp các doanh nghiệp tìm kiếm lao động dễ hơn để có thể mở rộng hoạt động, đồng thời giúp nhiều người có thu nhập hơn để chi tiêu.
Ngược lại, dân số Nhật Bản lại đang già hoá nhanh chóng và sụt giảm suốt nhiều năm qua, vì nước này ít cởi mở hơn với lao động nước ngoài. Dân số sụt giảm có thể là một lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.
Tại châu Âu, tâm lý tiêu dùng còn yếu vì người tiêu dùng vẫn đang chịu ảnh hưởng của giá năng lượng gia tăng do căng thẳng ở Ukraine (U-crai-na).
Kể cả Trung Quốc, nơi nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn cả Mỹ, cũng đang chịu áp lực lớn. Thị trường chứng khoán của nước này nằm trong số những thị trường có diễn biến tệ nhất trong thời gian gần đây, do những lo ngại về đà phục hồi yếu ớt và những kos khăn trong lĩnh vực bất động sản.
Nền kinh tế Mỹ cũng đang đối mặt với những thách thức của riêng mình. Tăng trưởng kinh tế của nước này được dự đoán sẽ giảm trong năm nay khi chu kỳ nâng lãi suất của Fed phát huy tác dụng đối với nền kinh tế. Số liệu được công bố ngày 15/2 cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự đoán trong tháng Một.
Bên cạnh đó, nhiều trụ cột chống đỡ cho hoạt động chi tiêu tiêu dùng có thể sẽ suy yếu. Việc thanh toán nợ sinh viên đã được nối lại, người tiêu dùng phần lớn đã tiêu hết số tiền hỗ trợ nhận được trong đại dịch, và dự nợ thẻ tín dụng đang ở mức cao. Có thể điều gây lo ngại nhất là tình trạng giá cả hàng hoá vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Lạm phát thấp hơn có nghĩa là giá cả sẽ tăng chậm hơn, chứ không giảm về các mức trước đây.
Theo một khảo sát mới đây của ngân hàng Morgan Stanley, ứng phó với lạm phát vẫn là mối lo ngại hàng đầu của người tiêu dùng Mỹ, ngoại trừ những người có thu nhập hơn 150.000 USD.