Từ khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, các nhà hoạch định chính sách Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lo ngại rằng cơn hỗn loạn tài chính bắt đầu từ Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha rồi sẽ nhấn chìm những nền kinh tế lớn khác trong khu vực. Sau đó, Tây Ban Nha trở thành tâm điểm chú ý và gần đây, cuộc khủng hoảng nợ công có dấu hiệu lan sang một quốc gia khác với mức độ báo động cao hơn, đó là Italia. Tờ Nhà kinh tế (The Economist) của Anh đã có bài phân tích về vấn đề này như sau:
Ngày 15/7, Hạ viện Italia đã phê chuẩn dự luật ngân sách "thắt lưng buộc bụng" trị giá hơn 48 tỷ euro (khoảng 68 tỷ USD). Ảnh:THX/ TTXVN |
Ngày 8/7/2011, thị trường trái phiếu của Italia bắt đầu chịu cuộc tấn công ngoài dự báo của giới đầu cơ, đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ lên mức cao nhất trong thập kỷ qua. Đến giữa tuần, thị trường tạm lắng nhờ thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu mua trái phiếu của Italia. Nhưng tác động tâm lý thì vẫn còn đó. Không thể loại bỏ khả năng Italia - nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực và là quốc gia phát hành trái phiếu chính phủ lớn thứ 3 thế giới - rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công.
Ở khía cạnh nào đó, hoạt động bán tháo trái phiếu Italia ngày 8/7 đã thể hiện sự phản ứng hơi thái quá. Dù tỷ lệ nợ so với GDP khá cao (ở mức 120%) trong khi nền kinh tế luôn ở tình trạng tăng trưởng chậm chạp, nhưng Italia chưa phải là nước vỡ nợ. Cân đối nợ cơ bản của Italia hiện vẫn thặng dư và kỳ hạn thanh toán nợ trung bình kỳ ở mức hợp lý (7 năm) so với nhiều quốc gia khác còn có bảng công nợ đáng ngại hơn như Mỹ, Nhật Bản, Anh...
Nhưng điều này không có nghĩa là các thị trường đã phản ứng một cách vô lý. Nếu Italia bị đóng băng ở thị trường trái phiếu, chưa nói đến khả năng vỡ nợ, tác động của nó sẽ vô cùng lớn. Tổng số nợ của Italia chiếm khoảng 1/4 nợ của toàn Eurozone. Các ngân hàng và các hãng bảo hiểm khắp Eurozone đang nắm giữ trái phiếu Italia. Kết quả đợt kiểm tra các ngân hàng lớn nhất châu Âu công bố ngày 15/7 cho thấy, hệ thống ngân hàng đã phải chịu lỗ từ khủng hoảng nợ của Hy Lạp và có khả năng chịu thêm lỗ do việc nắm giữ trái phiếu của Ailen và Bồ Đào Nha. Nếu trái phiếu của Italia và Tây Ban Nha tiếp tục mất giá sẽ gây ra nguy cơ đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống ngân hàng châu Âu. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ, tới cuối năm 2010, các ngân hàng Pháp nắm giữ khoảng 100 tỷ USD trái phiếu Italia, tức là lớn hơn tổng số trái phiếu của 4 nước Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Nguyên nhân trực tiếp khiến giá trái phiếu của Italia giảm đột ngột bắt nguồn từ những phức tạp chính trị ở nước này, đặc biệt là mâu thuẫn gay gắt giữa Thủ tướng Silvio Berlusconi và Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti về các điều khoản trong kế hoạch ngân sách khẩn cấp. Ông Berlusconi mỉa mai rằng ông Tremonti, người luôn được các thị trường tài chính tin tưởng, cứ cho mình là “thiên tài” còn người khác thì “ngu dốt”.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính nền kinh tế Italia. Thứ nhất, nợ trái phiếu chính phủ đến hạn phải thanh toán trong 6 tháng cuối năm đột nhiên tăng mạnh lên tới 175 tỷ euro (247 tỷ USD), (bằng 11% tổng nợ thị trường). Thứ hai, gói cắt giảm thâm hụt ngân sách mà Bộ trưởng Tài chính Tremonti đưa ra không đủ “khắc khổ” như mô tả ban đầu: Trong số 40 tỷ euro cắt giảm thâm hụt thì 34 tỷ được hoãn cắt giảm tới năm 2013 và 2014 trong khi nhiều khoản cắt giảm không được nêu chi tiết.
Ngoài ra, những diễn biến xấu về nợ công của Hy Lạp cũng góp phần gây ra bán tháo trái phiếu Italia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm này, nguy cơ Italia bị hút vào “bẫy” nợ công, phải đi vay để trả nợ là không lớn. Hầu hết các khoản vay của nước này chưa phải thanh toán trong vài năm tới, vì vậy họ còn thời gian để đi vay trước khi phải chịu lãi suất cao. Các nhà phân tích của ngân hàng UBS tính toán rằng, ngay cả khi lãi suất trái phiếu 10 năm của Italia đạt mức 10%, chi phí vay bình quân của Italia cũng chỉ tăng khoảng 0,5%/năm trong 4 năm tới.
Hệ thống ngân hàng của ITALIA cũng được cách ly tương đối với sự hỗn loạn trên các thị trường trái phiếu, với 90% các khoản cho vay được lấy từ các nguồn tiền gửi cá nhân. Nhiều trong số những ngân hàng lớn nhất của Italia vẫn dồi dào thanh khoản. “Những ngân hàng Italia mạnh hơn nhiều ta tưởng. Họ có hệ thống bán lẻ mạnh với nhiều khách hàng trung thành”, chuyên gia Paolo Bordogna thuộc công ty Brain & Co, một công ty tư vấn có quan hệ với một số ngân hàng Italia cho biết.
Italia cũng đã nhanh chóng củng cố niềm tin qua việc cấp tốc thông qua gói cắt giảm thâm hụt ngân sách cũng như đưa ra các đề xuất tư nhân hóa các tài sản nhà nước để thu hút thêm nguồn tiền. Thâm hụt ngân sách của Italia, từng ở mức thấp nhất trong Eurozone, dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Tới năm 2014, Italia hy vọng sẽ thanh toán hết các khoản nợ.
Quang Tuyến