Theo báo "Bưu điện Quốc gia" (Canađa) ngày 15/5, hơn 12.000 lính đặc nhiệm từ 19 quốc gia, trong đó có nhiều người đã chứng kiến chiến sự năm ngoái tại Libi, đang có mặt tại Gioócđani để tham gia cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Trung Đông trong 2 tuần tới. Trong bối cảnh này, giới lãnh đạo của các quốc gia nói trên cương quyết phủ nhận cuộc tập trận này là khúc dạo đầu của cuộc chiến tại Xyri.
Các đơn vị đặc nhiệm từ Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Arập Xêút, Libăng, Pakixtan, Cata, Ôxtrâylia và một số quốc gia Arập khác không muốn được nêu tên, đang thực hành các chiến thuật du kích, tổ chức các cuộc tấn công vào một quốc gia giả định, thực hiện các chiến dịch chống khủng bố và học cách đối phó với những người tị nạn. Mặc dù có tin cuộc tập trận sẽ chỉ được giới hạn ở miền nam Gioócđani trong một nỗ lực nhằm giảm bớt lo ngại của Xyri, song cuộc tập trận này phát đi một cảnh báo với Xyri và Iran về khả năng can thiệp quốc tế tại Trung Đông.
Chỉ huy các lực lượng đặc nhiệm Mỹ - Thiếu tướng Ken Tovo, phát biểu trước các phóng viên tại Trung tâm huấn luyện đặc nhiệm Vua Abdullah II (Gioócđani) hôm 15/5/2012. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các tờ báo của Xyri tuần trước đã tức giận trước cái tên của cuộc tập trận này là "Cuộc tập trận Sư tử háo hức 12" do họ của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad cũng có nghĩa là "sư tử".
Các quan chức Gioócđani khẳng định cuộc tập trận "không liên quan đến bất kỳ sự kiện có thực nào của thế giới" và không liên quan đến tình trạng bạo lực tại Xyri mà đến nay đã khiến ít nhất là 9.000 người thiệt mạng và buộc hơn 11.000 người chạy sang Gioócđani tị nạn. Tướng Ken Tovov của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ phát biểu ngày 15/5: "Các hoạt động huấn luyện như cuộc tập trận này mang lại cho các lực lượng đặc nhiệm một cơ hội thực hành các kỹ năng ngôn ngữ, trải nghiệm trong văn hóa, học các chiến thuật, kỹ thuật khác nhau".
Tuy nhiên, nhiều người tại Trung Đông đang coi cuộc tập trận trên chỉ là một bước tăng cường hơn nữa sức ép của các nước phương Tây và Arập đối với Xyri. Khi các cuộc bạo loạn tại Xyri bước sang tháng thứ 15 vào ngày 15/5, các nước láng giềng của Xyri tiếp tục cảnh báo về những nguy hiểm của một cuộc nội chiến toàn diện. Ngày 14/5, Ngoại trưởng Arập Xêút, Hoàng tử Saud Al Faisal, nhận xét kế hoạch hòa bình của LHQ, đưa 300 nhân viên LHQ tới Xyri để giám sát một thỏa thuận ngừng bắn, đang nhanh chóng bị mất tín nhiệm. Ông nói: "Bạo lực và đổ máu vẫn tiếp tục".
Ngay cả đặc phái viên Trung Đông của LHQ Terje Roed-Larsen cũng đã cảnh báo về thảm họa từ tuần trước khi vũ khí tiếp tục được tuồn từ Libăng vào Xyri cho lực lượng đối lập, và nước này dễ dàng rơi vào một cuộc nội chiến giống như đã xảy ra tại Libăng trong các năm 1975-1990.
Một dấu hiệu căng thẳng khác do tình hình hỗn loạn tại Xyri gây ra là đầu tháng 5, quân đội Ixraen đã huy động 6 tiểu đoàn dự trữ để triển khai dọc biên giới với Ai Cập và Xyri. Quân đội Ixraen sẽ huy động thêm 16 tiểu đoàn dự trữ nữa nếu cần thiết. Các quan chức quân sự Ixraen đang theo dõi sát các sự kiện tại Xyri bởi họ quan ngại rằng sự sụp đổ bất ngờ của chế độ Assad có thể dẫn tới việc các nhóm khủng bố có liên quan tới al-Qaeda có thể tìm cách chiếm quyền kiểm soát Cao nguyên Golan hiện do Ixraen chiếm đóng.
Hiện có những quan ngại rằng cuộc xung đột kéo dài tại Xyri có thể đẩy Trung Đông vào vòng xoáy khủng bố, xung đột sắc tộc và tôn giáo mới. Nguy cơ xảy ra một chiến dịch khủng bố lớn hơn đã nổi lên tại Đamát tuần trước, khi hai xe bom phát nổ ở bên ngoài trụ sở một cơ quan tình báo cảnh sát, khiến ít nhất 55 người thiệt mạng và 300 người khác bị thương. Ông Joshua Landis, chuyên gia về Xyri thuộc trường Đại học Oklahoma cho rằng các vụ đánh bom xe xảy ra tại Xyri cho thấy cuộc nổi dậy có khả năng gây chết người hơn và xảy ra vào mọi lúc. Đamát có thể trở nên ngày càng giống Bátđa và Cabun hơn.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)