Kế hoạch rủi ro của Mỹ ở Trung Đông 

Tham vọng thúc đẩy một “thỏa thuận thế kỷ” về hòa bình Trung Đông, với mục đích được Nhà Trắng công bố là giải quyết cuộc xung đột giữa dai dẳng giữa Palestine và Israel do ông Jared Kushner, Cố vấn đồng thời là con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump ấp ủ theo đuổi suốt 2 năm qua đã dần được hé lộ những bước đi đầu tiên tại hội nghị quốc tế với chủ đề "Hòa bình tới thịnh vượng" diễn ra tại thủ đô Manama của Bahrain, sự kiện mà Chính quyền Palestine (PA) tẩy chay.

Chú thích ảnh
Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Manama, Bahrain ngày 25/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Bản thân sự phản đối của PA, với tư cách là một bên chủ chốt trong tiến trình hòa bình Trung Đông, đã phần nào thể hiện rằng kế hoạch của Mỹ chưa phải là lời giải hữu hiệu cho vấn đề gai góc này. 

Dù nhiều lần ám chỉ sẽ công bố kế hoạch này vào một thời điểm thích hợp, song việc Nhà Trắng tỏ ra "e dè" đối với kế hoạch được cho là do thời điểm cuối tháng 6/2019 khá nhạy cảm. Dường như chính quyền Mỹ cũng như những người quan tâm, ủng hộ phe Cộng hòa thừa hiểu rằng, đây là thời gian của phe Dân chủ khi các cuộc tranh luận đầu tiên của 20 ứng cử viên Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang cận kề. Một vài “sai số” về mặt chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Đông có thể là cái cớ, thậm chí là “chiếc phao” để các ứng cử viên Dân chủ nhắm tới chỉ trích ông Trump và các đối thủ Cộng hòa nhằm thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri.

Về mục tiêu chiến lược, Trung Đông chưa bao giờ giảm đi vai trò của mình trong tổng thể chính sách đối ngoại về dài hạn của Mỹ. Việc tiếp tục can dự, gây ảnh hưởng sẽ giúp Mỹ duy trì được vai trò chủ chốt tại khu vực này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Nga, thậm chí là Mỹ - Trung tại khu vực này có dấu hiệu gia tăng trong vòng một thập niên qua. C

hính quyền Mỹ hiện nay, với Tổng thống Donald Trump đại diện cho phe Cộng hòa luôn coi trọng các giá trị lợi ích về kinh tế đối với khu vực này, nhất là trong các thương vụ mua bán dầu mỏ và vũ khí đối với các đồng minh, đối tác khu vực. Do vậy, chính quyền Mỹ, mà đại diện là Cố vấn Kushner có lý khi công bố giải pháp về kinh tế đối với kế hoạch hòa bình Trung Đông, bởi đây là yếu tố ít “gai góc” hơn, nhất là khi đặt cạnh giải pháp chính trị - khi tiếp cận khu vực này.

Việc công bố giải pháp về kinh tế vào lúc này, bên cạnh những tham vọng mà ông Kushner tuyên bố tại Bahrain, cũng giống như một bài “test” nhằm thử phản ứng của các bên, cũng như những sức ép có thể có từ ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ, nhất là từ các nhóm có quan điểm khác nhau về vấn đề này.  

Đằng sau câu chuyện này có thể là những tính toán lợi ích kinh tế mà giới tài phiệt Mỹ từ lâu luôn muốn duy trì ảnh hưởng đối với phe Cộng hòa tại đồi Capitol nhằm thúc đẩy những hợp đồng tỷ đô từ các thùng dầu cũng như các thương vụ mua sắm vũ khí, mà phần chính của các thương vụ này đang tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang, tăng cường tiềm lực giữa các nước khu vực.

Trong bối cảnh ông Trump tuyên bố tái tranh cử chưa lâu, động thái này của cố vấn Kushner - một thành viên trong gia đình Tổng thống Mỹ đương nhiệm - cũng có thể hướng tới một cái đích khác, đó là sự ủng hộ của cử tri Mỹ, nhất là số cử tri độc lập có quan điểm trung dung hoặc đang bị thu hút bởi các chính sách đối nội thực tế hơn đối với họ từ các ứng cử viên Dân chủ gần đây.

Tuy nhiên, phản ứng của các bên sau hội nghị Barain cho thất giải pháp về kinh tế cũng chưa thể đem lại những thay đổi tích cực về chính trị đối với kế hoạch trên của Mỹ, đặc biệt khi nhớ lại một số "kế hoạch hòa bình" trước đây vốn cũng đưa yếu tố kinh tế lên trước tiên. Người Palestine cho rằng khía cạnh kinh tế, cho dù có cải thiện cuộc sống của một bộ phận, song chưa bao giờ đem lại hòa bình ở Trung Đông khi an ninh không được bảo đảm và mâu thuẫn chủ chốt giữa Palestine và Israel chưa được đảm bảo. Nhiều nhân vật cứng rắn ở Palestine cho rằng Mỹ muốn dùng lợi ích kinh tế như một "mồi nhử trước mắt" để người dân quên đi tình trạng các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, và đây là cách để Mỹ áp đặt chính sách của mình đối với Palestine.

Israel cũng tỏ ra không mặn mà khi chỉ cử một đoàn doanh nghiệp nhỏ tới dự hội nghị. Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Israel chưa được giải quyết, Tel Aviv được cho không cần quá quan tâm tới một hội nghị mà "chưa tham gia cũng biết mình giành ưu thế".    

Điều mà dư luận Mỹ và quốc tế quan tâm nhiều hơn đó là tính khả thi của thời hạn 10 năm mà Mỹ muốn thực hiện đối với 4 mục tiêu mà ông Kushner đề ra cho gói hỗ trợ phát triển kinh tế Palestine trong kế hoạch hòa bình Trung Đông mới được công bố này, nhất là việc tăng hơn gấp đôi giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Palestine cũng như tạo ra hơn 1 triệu việc làm cho người dân Palestine. Bởi Mỹ không có nhiều cơ sở để theo đuổi các mục tiêu này, nhất là trong bối cảnh Mỹ ngày càng thể hiện sự "thiên vị" đối với Israel như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (tháng 12/2017), chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem (tháng 5/2018) và công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel (tháng 3/2019).

Những động thái này đang khiến dư luận quốc tế ngày càng  nghi ngờ về thực chất tham vọng của Mỹ đối với Palestine nói riêng, hòa bình Trung Đông nói chung.

Thực tế cũng đang chứng minh rằng Mỹ khó có thể thực hiện thành công gói kinh tế trong kế hoạch này, bởi ngay cả những bên tham gia, nhất là Palestine cũng đều từ chối tham gia ngay trước “điểm xuất phát”.

Ngay trước khi diễn ra sự kiện tại Bahrain vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmous Abbas đã nhấn mạnh rằng sẽ không tham dự sự kiện trên cũng như đưa ra những chỉ trích, phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, khi cho rằng kế hoạch này là để dành cho riêng Israel - đồng minh thân cận lâu năm của Washington. Và quan trọng hơn cả vấn đề kinh tế, Palestine luôn cho rằng kế hoạch trên không giải quyết được những vấn đề chính trị cốt lõi trong cuộc xung đột Israel - Palestine (như yêu cầu chấm dứt sự chiếm đóng của Israel, và Palestine được bảo đảm với tư cách một dân tộc tự do và có chủ quyền), thậm chí một giải pháp “hai nhà nước” cũng bị Mỹ “phớt lờ” trong kế hoạch này. 

Trong khi đó, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định việc cải thiện nền kinh tế và thu hút đầu tư dài hạn vào Palestine tùy thuộc vào việc đạt được một thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine, mà trước hết là Israel dỡ bỏ hạn chế và phong tỏa các vùng lãnh thổ Palestine, điều tỏ ra khá xa vời hiện nay.

Một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy nền kinh tế của các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng có thể đạt gấp đôi nếu sự chiếm đóng quân sự bất hợp pháp của Israel được dỡ bỏ. Nói cách khác, nếu tình trạng chiếm đóng tại các vùng lãnh thổ Palestine vẫn được duy trì, thì mọi giải pháp kinh tế đều không có tác dụng đối với sự thịnh vượng và hòa bình khu vực. Nhiều quan chức cấp cao khu vực cũng bày tỏ hoài nghi rằng phần kinh tế của kế hoạch hòa bình mang tính nửa vời và thiếu thực tế bởi "phớt lờ" những nguyện vọng chính trị chính đáng của người Palestine.

Do đó, để tạo được lòng tin lớn hơn từ những bên liên quan trong kế hoạch này, nhất là đối với Palestine, Mỹ cần nhiều hơn sự hỗ trợ của các nước đồng minh quốc tế và khu vực cho tham vọng thực hiện kế hoạch này.

Nhà Trắng không dễ để có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua một gói kế hoạch trị giá nhiều tỷ USD cho kế hoạch Trung Đông, nhất là trong bối cảnh phe Dân chủ đẩy mạnh hơn các mặt trận tấn công đối với Tổng thống Trump, khi mà cuộc chiến “luận tội” vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.

Vì vậy, giống như các kế hoạch mang tính “đa phương” khác mà chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy gần đây (như kêu gọi các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng), Mỹ có thể sẽ cần đến sự san sẻ gánh nặng nhiều hơn từ các đồng minh Arab trong khu vực Trung Đông.

Theo kế hoạch, các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp khoảng 50 tỷ USD trong vòng 10 năm, trong đó, 28 tỷ USD sẽ rót về các vùng lãnh thổ của Palestine gồm Bờ Tây do Israel chiếm đóng và Dải Gaza, 7,5 tỷ USD dành cho Jordan, 9 tỷ USD dành cho Ai Cập và 6 tỷ USD dành cho Liban. 

Có thể thấy chính quyền Tổng thống Trump sẽ gặp không ít khó khăn nhằm theo đuổi “thỏa thuận thế kỷ” này bởi thiếu những tiếng nói ủng hộ. Việc công bố kế hoạch Trung Đông trên góc độ kinh tế vào thời điểm này hay trên góc độ chính trị vào tháng 11/2019 (theo một số nguồn tin) phần nhiều cho thấy những tham vọng của chính quyền ông Trump đối với một trong những vấn đề gai góc nhất đối với các chính quyền Mỹ trước đây, khi ông đang theo đuổi mục tiêu tái tranh cử. 

Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là giải pháp về kinh tế của Mỹ tỏ ra thiếu toàn diện và cũng không thể giải quyết những giá trị cốt lõi đối với một kế hoạch về vấn đề hòa bình Trung Đông mà các bên liên quan, nhất là Palestine mong muốn, đó là một giải pháp chính trị vĩnh viễn nhằm chấm dứt xung đột. Và khi người Palestine từ chối các cuộc đàm phán với Israel liên quan kế hoạch kinh tế của Mỹ, Chính phủ Israel hoàn toàn có thể coi đây như một "cái cớ" để tiếp tục duy trì chính sách đơn phương hiện nay, bao gồm cả áp đặt kiểm soát vĩnh viễn đối với Đông Jerusalem và các vùng chiến lược ở Bờ Tây, khiến việc giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine càng khó khăn.

Khi Mỹ chưa thể đứng trên lập trường cân bằng trong vấn đề này thì các giải pháp của Washington để giải quyết bài toán Trung Đông khó có thể mang tính khả thi và hàm chứa nhiều rủi ro.

Bùi Đại Thắng (Pv TTXVN tại Mỹ)
Tổng thống Trump 'nước đôi' về đàm phán thương mại Mỹ- Trung
Tổng thống Trump 'nước đôi' về đàm phán thương mại Mỹ- Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/6 thông báo thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đạt được vào cuối tuần này bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka, Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN