Israel phá hoại hình ảnh của Mỹ tại Trung Đông

Thời gian vừa qua, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã chứng tỏ rằng họ không nghiêm túc coi trọng tiến trình hòa bình Trung Đông mà ngược lại chỉ cố gắng duy trì sự ủng hộ đối với Ixraen. Điều này càng làm mất đi uy tín của Mỹ đối với khu vực. Mạng tin Trung Đông đã đưa ra những lý do sau để minh chứng cho lập luận này:


 

Cuộc xung đột ở Gaza mới đây đã bộc lộ sự “hai mặt” của Mỹ và phương Tây. Trong ảnh: Ixraen triển khai lực lượng sát khu vực biên giới với Dải Gaza trong cuộc xung đột này.

 

Thứ nhất, cuộc chiến kéo dài 8 ngày mới đây ở Dải Gaza do Israel phát động với mục tiêu chính là thúc đẩy vị thế của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đo lường sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với chính quyền Israel. Dưới áp lực mạnh mẽ của giới vận động hành lang ủng hộ Israel tại Oasinhtơn, Mỹ đã một lần nữa hỗ trợ vô điều kiện đối với Israel. Sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với Israel - được trang bị vũ khí tiên tiến và nhiều bom mìn - trong cuộc chiến tranh 8 ngày ở Dải Gaza với phong trào kháng chiến Hamas, vốn chỉ được trang bị một số lượng tên lửa hạn chế, đã chứng tỏ rằng phương Tây vẫn đang thực thi chính sách hai mặt với chính quyền Palextin.


Sự ủng hộ của phương Tây đối với Israel đã cho thấy sự sáo rỗng của các khẩu hiệu ủng hộ Palextin và tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, cuộc chiến này cũng cho Israel thấy chính sách của các quốc gia láng giềng và tình hình chung tại khu vực phần nào đã thay đổi so với trước đây. Nói cách khác, với sự hỗ trợ của Iran, Hamas giờ đây có thể dựa vào sự ủng hộ của một số nước trong khu vực vốn đã được thay đổi sau làn sóng “Mùa xuân Arập” như Ai Cập. Điều này sẽ buộc Israel phải đánh giá lại chiến lược của mình. Sự gần gũi trong quan điểm của Anh em Hồi giáo Ai Cập với sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palextin và sự ủng hộ của công luận tại Ai Cập và Libăng đối với sự nghiệp này chắc chắn là một dấu hiệu quan trọng đối với diễn biến tình hình khu vực trong tương lai.


Thứ hai, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas đã đệ đơn lần thứ tư lên Liên hợp quốc (LHQ) yêu cầu nâng cấp quy chế cho Palextin tại LHQ từ “thực thể quan sát viên” lên “nhà nước quan sát viên”. Yêu cầu này đã bị Mỹ và một số đồng minh của Mỹ như Canađa, Israel kịch liệt phản đối. Một số nước châu Âu bỏ phiếu trắng. Diễn biến này chứng tỏ rằng Mỹ và chính phủ các nước châu Âu đang thực hiện chính sách hai mặt và không nghiêm túc tin tưởng vào đề xuất thành lập hai nhà nước của Palextin. Mỹ và đồng minh lo sợ rằng sau khi được nâng cấp, Palextin sẽ đủ tư cách để khởi kiện ra Tòa án Hình sự Quốc tế hành động hiếu chiến xâm lược của chính quyền Israel. Nếu điều này xảy ra sẽ càng thêm khó khăn cho các nước phương Tây trong việc tiếp tục ủng hộ Israel trong xu thế mới của dư luận quốc tế. Vì lý do đó, một số nước châu Âu như Anh, Pháp đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc nâng cấp quy chế của Palextin tại LHQ với điều kiện chính quyền Palextin cam kết không theo đuổi việc khởi kiện tội ác của Israel ra Tòa án Hình sự Quốc tế.


Thứ ba, việc Mỹ hủy hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân tại Trung Đông cho thấy Oasinhtơn vẫn tiếp tục chính sách hỗ trợ đối với Israel tại khu vực Trung Đông. Kết quả là bất chấp mọi hành động xâm lược của Israel đối với các nước láng giềng như Irắc, Xyri, Libăng, Ai Cập và thậm chí là Xuđăng và Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Mỹ vẫn nhất quyết ủng hộ Israel là quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân tại Trung Đông. Điều này đã thể hiện Oasinhtơn dễ dàng quên đi những tuyên bố của mình về việc ủng hộ công lý và giải trừ vũ khí hạt nhân, và chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là ủng hộ Israel.

 

Việc Mỹ ủng hộ những hành động của Israel chính là “nhát dao kết liễu” cho 4 năm nỗ lực mà Tổng thống Obama đã cố gắng thực hiện để khắc họa hình ảnh một nước Mỹ tôn trọng nhân quyền, hòa bình và tìm cách giải trừ, xóa bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nó cũng chứng tỏ rằng Israel đang khiến Mỹ và đồng minh phải gánh chịu những hậu quả nặng nề thông qua những biện pháp chẳng mấy khôn ngoan của nước này, bởi vì các biện pháp của Israel càng làm trầm trọng thêm tình trạng bị cô lập, đồng thời làm lộ tính chất giả tạo trong tuyên bố của các quốc gia ủng hộ Israel. Để trả lời câu hỏi những nước ủng hộ Israel sẽ phải trả giá đến mức độ nào khi tham gia liên minh với nước này, giới phân tích cần phải đợi xem những gì khu vực Trung Đông sẽ được và mất trong tương lai.

 

Hải Đường


 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN