Đây là bình luận của chuyên gia nghiên cứu Debalina Ghoshal tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Con người (Ấn Độ) trên trang mạng Modern Diplomacy ngày 16/9. Dưới đây là một số nội dung chính của bài viết.
Tổng thống Argentine Mauricio Macri (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Casa Rosada |
Tháng 5/2017, Trung Quốc và Argentina đã ký một thỏa thuận hợp tác hạt nhân giữa hai nước. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ cung cấp 2 lò phản ứng hạt nhân cho Argentina - một trong số đó có thể sẽ là lò phản ứng nước nặng chịu áp lực (PWHR). Các dự án trị giá 15 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 85% tài chính. Năm 2015, Trung Quốc được cho là đã đầu tư 4,7 tỷ USD trong các chương trình hạt nhân của Argentina.
Hiện tại, Argentina có 3 lò phản ứng hạt nhân cung cấp 1/10 lượng điện cho nước này. Hợp tác hạt nhân với Trung Quốc sẽ giúp Argentina tăng thêm khả năng sản xuất điện trong nước và giảm chi phí. Theo Bộ trưởng kinh tế Argentina Axel Kicillof, thỏa thuận này sẽ giúp Argentina có "tính cạnh tranh".
Tuy nhiên, hợp tác hạt nhân giữa Argentina và Trung Quốc vẫn gây ra mối quan ngại vì Argentina có thể sử dụng nhiên liệu đã qua sử dụng được tạo ra từ PWHR để sản xuất ra plutonium có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Hiện tại, Argentina có chính sách lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng trong các kho chứa ướt và khô.
Argentina là một thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Trung Quốc cũng vậy. Trong những năm 1990, cả Argentina và Brazil đã chính thức tuyên bố từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân và tập trung vào chương trình năng lượng hạt nhân vì hòa bình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trước năm 1990, Argentina đã theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Argentina cũng chưa ký Nghị định bổ sung cho Hiệp định về Tự vệ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho phép IAEA kiểm tra cơ sở hạt nhân của các nước ký kết.
NPT cho phép các nước sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích quân sự thay vì phát triển vũ khí hạt nhân. Rõ ràng, Argentina đã dự định tham gia vào một dự án về chương trình tàu ngầm hạt nhân bằng vũ khí thông thường. Argentina có thể sử dụng PWR mà nước này sẽ nhận được từ Trung Quốc để cung cấp cho tàu ngầm hạt nhân.
Ngành công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc đang phát triển mạnh và nó đã "xâm nhập" vào thị trường Nam Mỹ để kiếm tiền. Cơ quan Hợp tác Hạt nhân Trung Quốc (CNNC) vốn tham gia hợp tác hạt nhân với Argentina từ năm 2013, đã tập trung "thăm dò thị trường toàn cầu", không chỉ bao gồm châu Á mà còn Nam Mỹ. Nhưng Trung Quốc có sự cạnh tranh từ Nga. Nga và Argentina cũng ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với nhau.
Trung Quốc đã cung cấp công nghệ hạt nhân cho các quốc gia, vốn là láng giềng của những nước mà Trung Quốc không có mối quan hệ thân thiết. Trung Quốc đã cung cấp công nghệ hạt nhân cho Pakistan - nước có chung biên giới với Ấn Độ.
Tháng 4/2017, Tổng thống Argentina Mauricio Macri cũng đã tuyên bố rằng nước này "gần như không có quan hệ với Mỹ nữa". Mặt khác, ông Macri đã gọi Trung Quốc là "đối tác chiến lược" vào tháng5/2017. Trung Quốc tận dụng cơ hội này để tăng cường hơn nữa các mối quan hệ với Argentina. Không chỉ có hợp tác hạt nhân, Argentina cũng sẽ là một phần của Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc.Trên thực tế, hợp tác năng lượng hạt nhân cũng là một phần của BRI của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố BRI là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở các khu vực nhưng nhiều người cho rằng BRI có mục đích quân sự, giúp nước này tiếp cận dễ dàng hơn với Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ví dụ, một mối quan hệ mạnh mẽ với Argentina có thể giúp Trung Quốc có một căn cứ ở Argentina và gây ra bất lợi đối với an ninh của Mỹ.
Sự xâm nhập của Trung Quốc vào thị trường Argentina mà trên thực tế ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường Mỹ Latinh sẽ chỉ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Điều này sẽ không có lợi cho Mỹ khi các nước Mỹ Latinh là láng giềng của Mỹ. Ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực lân cận sẽ làm suy yếu nghiêm trọng các lợi ích và an ninh chiến lược của Mỹ.
Trong những mối quan ngại ngày càng tăng này, điều an ủi duy nhất là Argentina đã tham gia ký kết NPT như đã đề cập ở trên và hiện đang tuân thủ các tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân (non-proliferationstandards) như IAEA đã báo cáo.