"Giọt nước tràn ly" trong quan hệ Mỹ - Kyrgyzstan

Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan thẳng thừng cáo buộc Washington đang áp đặt tiêu chuẩn kép và đe dọa chính trị tới sự yên ổn của thể chế Kyrgyzstan.

"Báo Độc lập" (Nga) ngày 19/4 đăng bài viết có tựa đề "Bishkek tố cáo Washington đe dọa chính trị" và cho biết Bộ Ngoại giao hai nước Kyrgyzstan và Mỹ lại đang lâm vào các cuộc tranh cãi bằng công hàm, liên quan tới vấn đề dân chủ.

Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan đã phản ứng mạnh mẽ với báo cáo gần đây do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố về tình hình khu vực Trung Á, và trong đó đặc biệt chỉ trích Bishkek đã gây áp lực mạnh mẽ đối với các nhà hoạt động đối lập cũng như không tôn trọng nhân quyền ở Kyrgyzstan. Trong một phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan tuyên bố: "Nhiều người trên thế giới đã không tin vào sự chân thành trong những ý định của Mỹ, khi họ bỗng quan tâm tới việc thực thi quyền công dân của bất kỳ quốc gia nào khác".

Quốc kỳ của Kyrgyzstan và Mỹ.

Theo các tác giả của báo cáo, tại Kyrgyzstan vẫn tồn tại các vụ bắt giữ bất hợp pháp các nhân vật đối lập, các quan chức an ninh gây áp lực về nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số, và chính quyền không muốn cũng như không thể chấm dứt tình trạng này. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan thẳng thừng cáo buộc Washington đang áp đặt tiêu chuẩn kép và đe dọa chính trị tới sự yên ổn của thể chế Kyrgyzstan, đồng thời nhắc lại rằng chính sách của Mỹ đã thất bại ở Iraq và Libya. Theo Kyrgyzstan, "hàng trăm nghìn người chết và bị thương, hàng triệu người phải đi tị nạn là 'kết quả' mối quan tâm của Mỹ về nhân quyền".

Tờ báo Nga đặt câu hỏi điều gì khiến Kyrgyzstan có thể phản ứng gay gắt đến vậy, cho dù đó là "giọt nước cuối cùng làm tràn ly" mối quan hệ không mấy ổn thỏa giữa Kyrgyzstan và Mỹ? Trước hết cần lưu ý rằng chớ nên vui mừng quá sớm trước kịch bản về mối quan hệ lủng củng giữa hai nước. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan không có nghĩa là Bishkek sẵn sàng xóa bỏ tình hữu nghị với Washington, mà sự phản ứng mạnh mẽ của Bishkek có thể được giải thích bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan chỉ mang tính tuyên truyền nhiều hơn là để giải quyết các khúc mắc cũng như nhằm vào Mỹ. Trên thực tế, tuyên bố đáp trả nhằm trấn an người dân ở quốc gia Trung Á. Nhà chức trách dường như chỉ cần khẳng định với người dân của mình rằng "tuy chúng tôi không thể cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân, đối phó với tham nhũng và ngăn chặn trộm cắp, nhưng chúng tôi là những người yêu nước thực sự và không thối chí ngay cả dưới áp lực của những quốc gia hùng mạnh nhất". Trên thực tế, đây chỉ là việc làm nhằm xoa dịu dư luận.


Thứ hai, Bishkek đồng thời cũng muốn gửi thông điệp này tới Moskva và Bắc Kinh. Bishkek có lẽ hy vọng rằng "búa rìu dư luận" (đối với Mỹ) có thể giúp cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, tạo cảm giác gần gũi với hai quốc gia này khi cùng có chung một kẻ thù, cùng chung một "nỗi ấm ức".

Thứ ba, Bishkek thông qua một văn bản như vậy có thể còn bởi đường lối đối ngoại. Một số nguồn thạo tin cho rằng tuyên bố phản đối Mỹ được quyết định không phải bởi Bộ Ngoại giao mà thực chất là quyết định của chính Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev, nhằm lấy lòng công chúng trong và ngoài nước.

TTK
Thủ tướng Kyrgyzstan từ chức
Thủ tướng Kyrgyzstan từ chức

Ngày 11/4, Thủ tướng Kyrgyzstan Temir Sariyev đã từ chức sau khi nội các của ông bị một số nghị sĩ cáo buộc tham nhũng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN