Giải pháp tình thế

Chỉ vài giờ trước thời hạn chót bắt đầu tài khóa mới trong ngày 1/10, Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã phê chuẩn một dự luật chi tiêu tạm thời cho các cơ quan liên bang ở mức hiện tại đến ngày 11/12 tới.


Giới phân tích đánh giá đây là một giải pháp tình thế nhằm tránh tái diễn kịch bản chính phủ đóng cửa, đồng thời là cơ hội mở ra các cuộc đàm phán mới giữa Tổng thống Barack Obama cùng các nghị sĩ đảng Dân chủ và các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa trong nỗ lực thu hẹp bất đồng để đạt được đồng thuận trong vấn đề ngân sách.

Hậu quả của lần chính phủ Mỹ ngừng hoạt động gần đây nhất (năm 2013) là hàng trăm nghìn công chức liên bang phải tạm nghỉ việc, các công viên quốc gia phải đóng cửa và khiến kinh tế Mỹ bị thiệt hại khoảng 24 tỉ USD.

Vườn Quốc gia Mỹ treo biển ngừng hoạt động trong thời gian chính phủ đóng cửa năm 2013. Ảnh: Reuters


Theo giới phân tích, nếu không có giải pháp tình thế này, hậu quả từ việc chính phủ phải tạm ngừng hoạt động trong năm nay thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Không dừng ở việc khoảng 1 triệu công chức Mỹ phải nghỉ làm không lương bắt đầu từ ngày 1/10, mà những hậu quả đối với thị trường tài chính cũng không nhỏ.

Ngoài những bất ổn tiềm tàng trên thị trường nói chung, những công ty từng hy vọng có thể huy động được tiền từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu nhiều khả năng sẽ phải trì hoãn các kế hoạch của mình và đối mặt với tình trạng trì trệ. Nhiều doanh nghiệp sẽ vẫn có thể đệ đơn lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ, song việc giải quyết các đơn từ sẽ bị tạm dừng trong thời gian chính phủ đóng cửa.

Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín dụng Stardard & Poor's cho biết nếu chính phủ chỉ đóng cửa trong thời gian gần hai tuần thì động thái đó sẽ không làm tổn hại đến các nhà thầu quốc phòng lớn vì các nhà thầu đó có thể tạm thời vượt qua được giai đoạn khó khăn này mà không cần đến các khoản thanh toán thầu liên bang. Tuy nhiên, nếu chính phủ đóng cửa lâu hơn, động thái đó có thể sẽ làm suy yếu khả năng tài chính cũng như thanh khoản của các nhà thầu quốc phòng nhỏ hơn.

Vì vậy, ngay sau khi hai viện Quốc hội Mỹ thông qua văn kiện trên với tỷ lệ 78/20 ở Thượng viện và 277/151 ở Hạ viện, Tổng thống Obama đã nhanh chóng đặt bút ký ban hành dự luật chi tiêu tạm thời, trong đó bao gồm khoản chi 700 triệu USD cho công tác chống cháy rừng ở các bang miền Tây nước Mỹ. Việc gia hạn thêm chi tiêu giúp các nghị sĩ Quốc hội và tổng thống Mỹ có thêm 10 tuần để thảo luận và cân đối khoản ngân sách dài hạn. Dù hoan nghênh quyết định trên của Quốc hội, song Tổng thống Obama vẫn bày tỏ không hài lòng khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại hai viện chỉ đơn giản nhất trí với môt giải pháp thay thế nhằm tránh nguy cơ chính phủ một lần nữa ngừng hoạt động, thay vì ủng hộ bản Dự thảo ngân sách cho tài khóa 2016 được công bố hồi tháng 2, theo đó Chính phủ Mỹ sẽ chi 4.000 tỷ USD cho năm tới, trong khi dự kiến thâm hụt ngân sách vào khoảng 474 tỷ USD. Phe Cộng hòa chỉ trích kế hoạch tăng chi tiêu nội địa và cải cách thuế của Nhà Trắng sẽ chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, trong khi không khắc phục được vấn đề lớn nhất là chi tiêu ngày một tăng cao của chính phủ.

Lý do khiến dự luật ngân sách lần này bị "treo" là phe Cộng hòa kiên quyết phản đối bất cứ kế hoạch nào kèm theo việc tiếp tục tài trợ cho tổ chức y tế ủng hộ việc phá thai "Planned Parenthood". Trong khi đó, các nghị sỹ Dân chủ lại khẳng định sẽ ngăn chặn mọi dự luật chống lại tổ chức trên. Không chỉ dừng lại ở bất đồng phe phái, ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng bị chia rẽ, cụ thể là giữa giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại hai viện và các nghị sĩ theo đường lối bảo thủ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cùng lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell từ lâu đã yêu cầu hai bên nỗ lực tránh tái diễn kịch bản chính phủ đóng cửa. Điều này khiến giới bảo thủ trong đảng Cộng hòa không hài lòng và dọa sẽ "phế truất" cương vị Chủ tịch Hạ viện của ông Boehner nếu như vị chính khách này không ngăn chặn được việc cấp ngân sách cho "Planned Parenthood". Do đó, để có được kết quả trên, ông Boehner đã phải cần đến sự ủng hộ lớn từ các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện, trong khi phần lớn nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa với ông lại phản đối. Vị chính khách này cũng đã phải chủ động tuyên bố từ chức vào ngày 30/10.

Những cuộc thương thuyết giữa các "ông nghị" đồi Capitol về dự thảo ngân sách tài khóa 2016 trong gần 2 tháng tới được dự báo sẽ gay go, phức tạp và không có gì đảm bảo nguy cơ chính phủ đóng cửa sẽ không xảy ra vào tháng 12 tới. Do đó, kịch bản trên có tái diễn hay không đòi hỏi thiện chí và quyết tâm của các bên trong việc hóa giải những bất đồng còn tồn đọng, vì lợi ích quốc gia.

Phương Oanh (TTXVN)
Những tác động nếu chính phủ Mỹ đóng cửa
Những tác động nếu chính phủ Mỹ đóng cửa

Chính phủ Mỹ có thể sẽ phải đóng cửa vào tuần tới nếu Quốc hội không hóa giải - dù chỉ là tạm thời - cuộc tranh cãi liên quan đến tổ chức y tế Planned Parenthood và không đạt được thỏa thuận về ngân sách nhằm cấp vốn cho chính phủ hoạt động trước thời hạn chót vào ngày 1/10 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN