Khởi đầu chỉ với một nhóm thanh niên dựng trại trước cửa Sở giao dịch chứng khoán New York ngày 17/9, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” nay đã bước sang tuần thứ tư và trở thành một phong trào có quy mô rộng khắp nước Mỹ, lan sang một số vùng của láng giềng Canađa ở phía bắc, tới tận Nhật Bản và châu Âu. Với việc nhiều tổ chức công đoàn và sinh viên cùng xuống đường tham gia, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” giờ đây đang có thêm động lực để... “đóng cửa Phố Wall”. “Chúng tôi sẽ không nhổ trại cho tới khi đóng được cửa Phố Wall” - đó là tuyên bố của những người biểu tình ở Mỹ.
Những người biểu tình ở quảng trường Foley, New York ngày 5/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo ngày 6/10 đã phải công khai thừa nhận làn sóng biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” phản ánh tâm trạng thất vọng sâu rộng của người dân đối với hệ thống tài chính của Mỹ. Nhà hoạt động Ben Green, tham gia cuộc biểu tình tại New York trong nhiều tuần qua, cáo buộc giới tài phiệt và chính trị gia Mỹ cấu kết với nhau, đẩy người dân Mỹ tới chỗ phải xuống đường.
Theo giới phân tích, có lý do để hiểu rằng vì sao cuộc biểu tình ngay từ khi bùng nổ lại nhắm mục tiêu vào các ngân hàng và tập đoàn tài chính. Phố Wall được coi là nơi sở hữu nhiều tiền của nhất, nhiều quyền lực nhất và cũng là nơi tham nhũng nhất trong hệ thống tài chính tư bản chủ nghĩa. Những người biểu tình cho rằng Phố Wall là nơi điển hình của sự bất công xã hội và “đại diện cho 99% người dân Mỹ không thể tiếp tục tha thứ cho sự tham lam và vô trách nhiệm của 1% đang độc chiếm quyền lực và tài sản của nước Mỹ”. Thói hám danh lợi của các ông chủ Phố Wall được coi là nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu suốt từ đó tới nay, thế nhưng giới chủ Phố Wall lại không chịu chung vai gánh vác trách nhiệm. Người lao động càng bất bình vì các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD của chính phủ Mỹ chỉ đổ vào cứu giới chủ ngân hàng và các tổ chức tài chính - những kẻ gây ra khủng hoảng - trong khi lại bắt những gia đình có thu nhập trung bình phải gánh vác các chi phí của kế hoạch cứu trợ đó. “Không cứu trợ mà hãy bán tháo các ngân hàng”, “Đừng bán rẻ người nghèo để cứu người giàu” - đó là hai trong số những khẩu hiệu của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”. Cho rằng các doanh nghiệp lớn và giới chủ có quá nhiều ảnh hưởng ở mọi cấp chính trị, những người biểu tình kêu gọi “hãy đập tan chủ nghĩa tư bản. Hãy đặt người dân lên trước lợi nhuận. Hãy chấm dứt thói tham lam của các tập đoàn”.
Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” ngay từ tên gọi của nó đã phản ánh cả bản chất và mục tiêu. Giáo sư Ted Morgan thuộc Đại học Lehigh ở bang Pennsylvania cho rằng, làn sóng biểu tình phản ánh nỗi thất vọng về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ” do những bất bình đẳng kinh tế - xã hội, giới tính, nghề nghiệp và sắc tộc tạo ra. Người biểu tình đã thành công trong nỗ lực muốn đưa những vấn đề bức xúc và cấp bách tồn tại từ lâu trong xã hội Mỹ ra trước công luận. Kết quả thăm dò dư luận của tổ chức Public Policy Polling cho thấy, có tới 59% người dân Mỹ quy trách nhiệm cho các tập đoàn gây ra cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 và giờ là lúc phải có biện pháp hạn chế quyền lực của họ mới có cơ may đưa kinh tế Mỹ trở lại con đường phục hồi và phát triển. Jonathan Zinmmerman, Giáo sư Sử học Đại học New York, khẳng định những người biểu tình đang đấu tranh để tự giải phóng mình khỏi sự thao túng của các bàn tay tư nhân vô hình. “Chiếm lấy Phố Wall” là một phong trào bắt nguồn từ tâm trạng thất vọng, thậm chí tức giận trước các khoản lợi nhuận khổng lồ của các tập đoàn có được nhờ vận động quốc hội và chính quyền miễn giảm thuế.
Hậu quả của cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 tuy không trầm trọng như cuộc Đại suy thoái hồi thập kỷ 30 của thế kỷ trước, nhưng tinh thần của người dân Mỹ lần này có vẻ suy sụp hơn, phân cực sâu rộng hơn. Niềm tin vào “Giấc mơ Mỹ” giờ đây đã nhường chỗ cho sự tức giận trước tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng, thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, nợ quốc gia ngày càng chồng chất, vai trò siêu cường không có đối thủ ngày nào của Mỹ giờ đây đang bị thách thức. Joseph Stiglitz, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel ủng hộ các cuộc biểu tình, cho rằng Phố Wall đã không hoàn thành vai trò là nơi phân phối vốn và quản lý rủi ro, dẫn tới hậu quả xã hội Mỹ đang phải hứng chịu những thua lỗ do những sai lầm mà họ gây ra trong khi lợi nhuận chỉ rơi vào túi một vài cá nhân. Ông cảnh báo nước Mỹ sẽ không thể thành công thúc đẩy kinh tế và xây dựng một xã hội công bằng nếu không giải quyết tận gốc tình trạng bất công này cũng như nạn đầu cơ và cho vay vô trách nhiệm của Phố Wall.
Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)