Động lực mới trên hành trình chống 'virus kỳ thị'

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quá trình hiện thực hóa các nỗ lực của chính quyền Washington nhằm bảo vệ cộng đồng người gốc Á.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật. Ảnh: AFP/TTXVN

Đạo luật được thông qua với tỷ lệ ủng hộ rất cao ở cả Thượng viện (96 phiếu thuận và 1 phiếu chống) và Hạ viện (364 phiếu thuận, 62 phiếu chống), cho thấy một sự đồng thuận cao từ cả hai nhánh hành pháp và lập pháp trong việc bảo vệ các giá trị, quyền lợi của một cộng đồng ngày càng có vai trò, tiếng nói hơn trong đời sống chính trị- kinh tế, văn hóa-xã hội Mỹ. Đây cũng là một xu hướng thúc đẩy sự vận động trong nội bộ đảng Dân chủ cũng như chính quyền của Tổng thống Biden, khi ông đang nỗ lực xây dựng một nội các đa dạng thành phần, đại diện cho nhiều nhóm thiểu số, trong đó bao gồm cả cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh xã hội Mỹ vài năm trở lại đây bị chia rẽ, rạn nứt nội bộ vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tình trạng bất ổn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như các phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc, đạo luật nêu trên ra đời là một thành quả đáng ghi nhận của chính quyền Tổng thống Biden trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Đây từng là một chủ đề gây chia rẽ quan điểm giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong khi các thành viên đảng Dân chủ chỉ trích đảng Cộng hòa đặt “tầm ngắm” sau lưng người Mỹ gốc Á, thì các nhà lập pháp Cộng hòa nói rằng “sự phẫn nộ có chọn lọc" của đảng Dân chủ về tội ác chống lại người Mỹ gốc Á chủ yếu là nhằm thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị hơn là giải quyết mối quan tâm và nỗi sợ hãi thực sự của cộng đồng này. Thậm chí, một số nhân vật theo quan điểm bảo thủ còn lập luận rằng, tỷ lệ tội phạm hận thù nhằm vào người gốc Á gia tăng tương đương với tỷ lệ gia tăng tội phạm nói chung tại Mỹ, nhất là tại một số thành phố lớn như New York, Chicago, Milwaukee, Portland..., trong bối cảnh đảng Dân chủ từng đề xuất cải tổ, giảm lực lượng cảnh sát sau các vụ biểu tình chống phân biệt chủng tộc vào năm 2020.

Chính những quan điểm trái chiều này đã khiến Chính phủ Mỹ không thể nhanh chóng thúc đẩy một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cộng đồng người gốc châu Á, dù vấn đề hận thù nhằm vào cộng đồng trên nhanh chóng xuất hiện và tăng mạnh khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ. Theo thống kê của Stop AAPI Hate, một tổ chức chuyên theo dõi các hành vi thù hận nhắm vào người Mỹ gốc Á, tính từ ngày 19/3/2020 đến 28/2/2021, đã có tổng cộng 3.795 vụ. Con số này chỉ là một phần của các vụ kỳ thị người gốc Á đã xảy ra tại Mỹ từ đầu đại dịch đến nay. Trong số gần 3.800 vụ việc nói trên, các vụ tấn công vào thân thể chiếm đến 11,1%.  Đa số các vụ tấn công này xảy ra tại hai bang là New York và California, đặc biệt là tại thành phố New York và Los Angeles.

Chú thích ảnh
Các nhà hoạt động xã hội tuần hành phản đối các hành động thù hận nhằm vào người gốc Á tại bang California, Mỹ ngày 26/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Soạn thảo đạo luật này, hai nghị sĩ đảng Dân chủ gốc Á là Thượng nghị sĩ bang Hawaii Mazie Hirono và Hạ nghị sĩ bang New York Grace Meng đã đặt một viên gạch nền móng chắc chắn hơn cho hệ thống pháp lý của Mỹ trong việc ban hành các biện pháp nhằm ngăn chặn những vụ bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á cũng như răn đe, xử lý các đối tượng có hành vi kỳ thị nhằm vào cộng đồng này. Theo đó, đạo luật sẽ tạo động lực để các nhà lập pháp Mỹ đẩy nhanh hơn tiến độ giải quyết các vụ việc liên quan đến những hoạt động hận thù do đại dịch COVID-19, bao gồm việc thúc đẩy thành lập một văn phòng trực thuộc Bộ Tư pháp với nhiệm vụ xử lý các hành vi tội ác chống lại người Mỹ gốc Á. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi pháp luật ở cấp địa phương sẽ được hỗ trợ trong việc tiếp nhận và giải quyết các vụ bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á, mở rộng các nguồn lực nhằm cải thiện việc tiếp nhận thông tin về các vụ hận thù, tăng đầu tư hỗ trợ các nạn nhân. Ngoài ra, đạo luật còn hướng tới việc hạn chế tình trạng sử dụng ngôn từ phân biệt đối xử đang ngày gia tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ. 

Khác với một nghị quyết không ràng buộc được Hạ viện thông qua năm ngoái lên án tư tưởng chống châu Á, đây là văn bản luật thực chất đầu tiên của Quốc hội lưỡng viện Mỹ giải quyết vấn đề này. Đạo luật trên đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ tại Mỹ, trong đó Văn phòng Quản lý và ngân sách (OMB) Nhà Trắng từng cho rằng dự luật (tại thời điểm chưa được thông qua) “sẽ bảo vệ giá trị Mỹ thông qua việc chống lại tư tưởng bài ngoại và thù hận người gốc Á.” Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đang Dân chủ bang New York, Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nhấn mạnh văn kiện này là thông điệp gửi tới cộng đồng người Mỹ gốc Á rằng "chính phủ sẽ quan tâm, lắng nghe và hành động để bảo vệ họ".

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 18/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ bang New York Jerry Nadler, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nhấn mạnh rằng: "Mọi người đều xứng đáng được sống mà không sợ bạo lực đe dọa bản thân và gia đình của họ. Và đất nước chúng ta cần một chặng đường để vượt qua kỷ nguyên bạo lực và thù hận này. Việc thông qua và thực hiện nhanh chóng Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực này". Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng cho rằng biện pháp này sẽ tăng cường khả năng bảo vệ và ngăn chặn bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á. Đồng thời, theo Hạ nghị sĩ Dân chủ bang Virginia Don Beyer, các vụ tội ác thù hận đã được báo cáo thiếu trong nhiều năm và đạo luật này sẽ dẫn đến việc thu thập dữ liệu tốt hơn. Phó Tổng thống Kamala Harris, khi phát biểu về tình trạng gia tăng tội ác thù hận chống người châu Á, nêu rõ đây là thời điểm để tất cả người Mỹ sát cánh cùng nhau.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng hành trình chống lại hành vi bạo lực với người gốc Á nói riêng và nạn kỳ thị chủng tộc nói chung ở Mỹ vẫn còn rất dài. Gần 100 nhóm người Mỹ gốc Á đã nêu lên những lo ngại trước cuộc bỏ phiếu, cho rằng luật không cung cấp các nguồn lực để giải quyết toàn bộ nguyên nhân của vấn đề thành kiến chống người châu Á và do đó, bỏ qua bạo lực của cảnh sát đối với các cộng đồng da màu.

Tại Hạ viện Mỹ, tất cả 62 phiếu chống đều là của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa. Hạ nghị sĩ bang Texas Chip Roy tuyên bố không ủng hộ biện pháp này vì nghi ngờ tính hiệu quả của nó. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ bang Ohio Jim Jordan nêu ra một số vấn đề như "đường dây nóng không rõ ràng để mọi người báo cáo bất cứ điều gì họ thấy khó khăn". Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley, nhân vật duy nhất bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, cho rằng luật pháp quá rộng và sẽ là "nguy hiểm nếu chỉ chính phủ liên bang có quyền hạn mở để xác định một loại tội phạm thù địch liên bang hoàn toàn mới".

Dẫu vậy, việc thúc đẩy thành công đạo luật này là bước tiến đáng kể trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden. Ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng ban hành sắc lệnh hành pháp lên án thái độ định kiến và hành vi kỳ thị, bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á, thành lập một ủy ban đặc trách về giải quyết và chấm dứt nạn kỳ thị người gốc Á, thúc đẩy kế hoạch 50 triệu USD nhằm hỗ trợ những người gốc Á là nạn nhân của tình trạng bạo lực, kỳ thị cũng như bổ nhiệm quan chức phụ trách các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
 Tuần hành phản đối tình trạng bạo lực và gia tăng thù hận chống người gốc Á tại New York, Mỹ ngày 4/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch COVID-19 không chỉ tiếp tục chi phối, tác động sâu rộng tới đời sống chính trị- kinh tế của nước Mỹ mà đang tạo ra một hố sâu ngăn cách về tư tưởng, ảnh hưởng tới các giá trị và quyền lợi của cộng đồng người gốc Á. Hàng loạt các vụ việc kỳ thị, tấn công hận thù nhằm vào người gốc Á tại Mỹ trong hơn một năm qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ, rạn nứt lớn hơn nếu Chính phủ Mỹ không sớm đưa ra được các biện pháp thực chất nhằm bảo vệ cộng đồng này. Sự ra đời của Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 không chỉ đánh dấu các nỗ lực nhằm hiện thực hóa những cam kết mà Tổng thống Biden từng đưa ra trong việc thúc đẩy vai trò, lợi ích của các nhóm thiểu số tại Mỹ nói chung mà còn tạo ra các nền tảng pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ cộng đồng người gốc Á - một cộng đồng ngày càng có nhiều đóng góp hơn cho sự phát triển của nước Mỹ.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước hai viện Quốc hội Mỹ kể từ khi nhậm chức, khi hối thúc các nhà lập pháp nhanh chóng thông qua Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19, Tổng thống Biden đã nói: “Chúng ta đang thực sự có cơ hội diệt trừ tận gốc nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống đang quấy rầy cuộc sống của người Mỹ theo nhiều cách… Chúng ta đang có cơ hội mang lại công bằng thực sự, công ăn việc làm và trường học tốt, nhà ở hợp túi tiền, không khí và nước sạch.  Chúng ta có thể tạo ra của cải và để lại cho các thế hệ mai sau. Đây là cơ hội thực sự để thay đổi cuộc sống của thêm nhiều người Mỹ – kể cả người da đen, người da trắng, người Mỹ La-tinh, người Mỹ gốc Á và người Mỹ bản địa”. Trong một xã hội mà nạn phân biệt, kỳ thị chủng tộc vẫn là một vấn đề nhức nhối, việc Tổng thống Mỹ ban hành Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19, đã tạo thêm động lực mới thúc đẩy những hành động mạnh mẽ hơn trên hành trình gian nan bảo đảm công lý cho mọi người dân.

Bùi Đại Thắng (TTXVN)
Tổng thống Mỹ ký ban hành luật chống thù hận đối với người gốc Á
Tổng thống Mỹ ký ban hành luật chống thù hận đối với người gốc Á

Ngày 20/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19, nhằm ngăn chặn số vụ hành hung, kỳ thị và phạm tội nhằm vào người Mỹ gốc Á, vốn gia tăng thời gian gần đây trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN