“Khuyết tật đi kèm với rất nhiều thiết bị thiết yếu, trong đó phần lớn cần đến điện”, đây là chia sẻ của cô Kimberley (người Anh) khi phải đối mặt với tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang. Do bị suy ruột và ngồi xe lăn, cô cần điện để dùng máy bơm thức ăn, cũng như điều chỉnh giường, máy nâng và xe lăn. Các khoản trợ cấp năng lượng của chính phủ dù hữu ích nhưng không thể bù đắp nhu cầu chi tiêu thêm. Chế độ dinh dưỡng đặc biệt, cộng thêm việc không thể tự nấu nướng buộc cô phải mua sản phẩm thuần chay chế biến sẵn dù giá thực phẩm ngày càng tăng. Những người khó khăn về tài chính như cô Kimberley không phải là hiếm khi giá năng lượng, lương thực và nhiều mặt hàng tăng cao tại nhiều nơi trên thế giới.
Báo cáo của tổ chức từ thiện Scope về những chi phí mà người khuyết tật tại Anh phải trang trải trong năm 2023 cho thấy người khuyết tật phải trả thêm 975 bảng/tháng (1.238 USD/tháng) để đảm bảo chất lượng sống ngang bằng với người khỏe mạnh. Theo số liệu khảo sát 14.000 người trưởng thành do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) thực hiện từ tháng 3-8/2022, xu hướng gia tăng chi phí sinh hoạt khiến 42% người khuyết tật được hỏi phải giảm chi tiêu cho thực phẩm và các đồ thiết yếu khác.
Rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ y tế khiến người khuyết tật có sức khỏe kém hơn người bình thường. Tình trạng bất bình đẳng này càng lộ rõ khi đại dịch COVID-19 khiến hệ thống y tế toàn cầu trở nên quá tải, người khuyết tật phải chịu thêm gánh nặng bệnh tật, đối mặt với biến chứng và nguy cơ tử vong cao hơn do COVID-19. Hậu đại dịch, những hạn chế về sức khỏe cũng khiến họ gặp khó khăn trong tìm hoặc duy trì việc làm.
Theo nghiên cứu của Đại học Syracuse (Mỹ) về các xu hướng bệnh tật, COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người khuyết tật trí tuệ và phát triển tại Mỹ vào năm 2020. Trong khi đó, theo khảo sát về điều kiện và chất lượng sống tại Liên minh châu Âu (EU) trong đại dịch COVID-19 do Eurfound thực hiện vào mùa Xuân năm 2021, tỷ lệ người khuyết tật không được đáp ứng nhu cầu sức khỏe cao gấp 3 lần so với người khỏe mạnh.
Ngoài dịch bệnh, cuộc sống của người khuyết tật cũng đang đối mặt với bấp bênh và nhiều rủi ro khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện thượng thời tiết cực đoan. Theo tổ chức Humanity & Inclusion (Pháp), nguy cơ tử vong do thảm họa ở người khuyết tật cao gấp 4 lần so với người bình thường do họ thường bị bỏ lại phía sau vì không biết về kế hoạch sơ tán hay không thể tham gia quy trình di tản.
Theo Trung tâm Luật Nhân đạo quốc tế Diakonia, trong môi trường xung đột, những người khuyết tật có nguy cơ cao bị thương, tử vong, bạo lực tình dục và các tổn hại khác. Họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận viện trợ, hay chạy trốn bạo lực do không được nắm được cảnh báo, tuyến đường sơ tán và những thông tin khẩn cấp khác.
Khủng hoảng chồng khủng hoảng khiến việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đối mặt với rủi ro. Báo cáo Phát triển và Khuyết tật của LHQ 2023 cho thấy thế giới thậm chí đang tụt lại nhiều hơn trong việc đáp ứng một số mục tiêu SDG liên quan đến người khuyết tật. Ước tính trên thế giới có 1,3 tỷ người bị khuyết tật nghiêm trọng, tương đương 16% dân số thế giới. Nếu không thể giải quyết những bất bình đẳng mà người khuyết tật đang đối mặt, các SDG và các ưu tiên về sức khỏe toàn cầu sẽ không thể đạt tiến triển.
Với chủ đề "Chung tay hành động để bảo toàn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững với người khuyết tật, do người khuyết tật và vì người khuyết tật”, Ngày Quốc tế Người khuyết tật 2023 (3/12) muốn nêu bật tầm quan trọng của việc đẩy nhanh hành động, cùng người khuyết tật vượt qua những cuộc khủng hoảng để hướng đến các mục tiêu SDG nhằm đảm bảo quyền lợi, tiếng nói, nhu cầu và ưu tiên của cộng đồng người khuyết tật toàn cầu.
Tại phiên họp 72 của Ủy ban khu vực châu Âu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm ngoái, đã có 53 nước trong khu vực thông qua khuôn khổ châu Âu đầu tiên về hành động nhằm đạt được tiêu chuẩn y tế cao nhất có thể cho người khuyết tật..
Chính phủ Anh đã chiến lược quốc gia dành cho người khuyết tật, bao gồm cam kết tăng cường hỗ trợ việc làm cho nhóm này ứng phó với khủng hoảng, cũng như đảm bảo quyền lợi và sự tham gia của người khuyết tật. Trong khuôn khổ gói hỗ trợ trị giá 15 tỷ bảng Anh (19 tỷ USD) nhằm giúp người dân vượt qua tình trạng giá cả leo thang, riêng người khuyết tật được nhận thêm khoản trợ cấp một lần trị giá 150 bảng (190 USD).
Việt Nam đã thông qua Luật Người khuyết tật năm 2010, tham gia Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc làm cho người khuyết tật. Việt Nam cùng đã quốc gia hóa Chương trình Nghị sự 2030 thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Người khuyết tật cũng không nằm ngoài những kế hoạch đó.
Đề cập đến Chiến lược hòa nhập người khuyết tật (UNDIS) được khởi động vào năm 2019 nhằm đưa sự hòa nhập của người khuyết tật vào công việc và chức năng cốt lõi của toàn bộ hệ thống LHQ, Tổng Thư ký Antonio Guterres khẳng định việc thừa nhận quyền lợi của người khuyết tật không chỉ là vấn đề công bằng, mà còn chính là đầu tư vào tương lai chung. Ông nhấn mạnh: “Cùng với việc người khuyết tật đóng vai trò là nhân tố thay đổi, chúng ta có thể xây dựng thế giới toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững cho tất cả”. Điều này cần đến sự phối hợp của các cộng đồng, chính phủ, quốc tế và khu vực trong việc tập trung ưu tiên vào quyền lợi của người khuyết tật và sự tham gia của người khuyết tật vào mọi quá trình hoạch định chính sách, từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả và toàn diện. Đây cũng là cốt lõi trong việc trong thực hiện Cam kết Chương trình Nghị sự 2030 “Không để lại bị bỏ lại phía sau”, hướng tới một thế giới mà mọi người, trong đó có người khuyết tật có thể nhận được cơ hội công bằng, có tiếng nói trong tiến trình hoạch định chính sách; hưởng lợi thực sự từ đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa.