Các quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau tham dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5 tại Oasinhtơn trong hai ngày 10-11/7. Đây là sự kiện thường niên được khởi động cách đây 5 năm để giúp hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này giải quyết các vấn đề xung quanh mối quan hệ song phương ngày càng phức tạp.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 8/6 tại Mỹ bàn về quan hệ song phương. Ảnh: THX/ TTXVN |
Các cuộc gặp diễn ra một tháng sau hội nghị cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) sẽ đem lại cho cả hai phía cơ hội để biến các thỏa thuận trở thành các chính sách cụ thể. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề đa dạng, tập trung theo hai hướng chủ yếu là các vấn đề chiến lược và các vấn đề kinh tế.
Các vấn đề chiến lược bao gồm:
An ninh mạng: Tranh cãi giữa hai nước xung quanh vấn đề an ninh mạng càng trở nên phức tạp hơn sau khi trong số các thông tin về chương trình giám sát mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị Edward Snowden tiết lộ có nhắc tới các mục tiêu là mạng máy tính của trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và Đại học Hồng Công. Trung Quốc hy vọng qua đối thoại lần này sẽ nhận được sự giải thích cụ thể từ phía Mỹ. Trong khi đó, Mỹ muốn hai bên tập trung vào các vụ đánh cắp thông tin thương mại và các tài sản trí tuệ khác.
Vấn đề Triều Tiên: Mỹ đang nỗ lực để Trung Quốc tiếp tục có thái độ cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử hạt nhân hồi tháng 2/2013 và liên tục có các hành động khiêu khích. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng cảnh báo rằng sự chuyển hướng trong thái độ của Trung Quốc là hoàn toàn có chủ đích và điều này không hề đồng nghĩa với việc cường quốc châu Á này đã thay đổi quan điểm trong việc duy trì sự tồn tại của Bắc Triều Tiên.
Tranh chấp lãnh hải ở châu Á: Hiện Mỹ vẫn tuyên bố trung lập trong các tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại châu Á, phủ nhận vai trò trung gian giữa các bên, đồng thời kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh các hành động làm ảnh hưởng tiêu cực tới tự do hàng hải trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng Nhật Bản và Philíppin là hai đồng minh quân sự chính thức của Mỹ. Chính sách tái cân bằng lực lượng tại châu Á của Mỹ đã trở thành đòn bẩy khiến các nước trong khu vực quyết tâm thách thức Trung Quốc.
Quan hệ quân sự song phương: Đối thoại quân sự song phương Mỹ-Trung trước đây thường diễn ra đứt quãng do Trung Quốc bỏ dở để đáp trả việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hoặc một số lý do khác. Tuy nhiên, quan hệ quân sự giữa hai nước đã phát triển đáng kể trong vòng hai năm trở lại đây, với hàng loạt chuyến thăm cấp cao và các cuộc hội đàm bên lề nhiều hội nghị khu vực.
Các vấn đề kinh tế bao gồm:
Biến đổi khí hậu: Vấn đề này đã trở thành ưu tiên hàng đầu của cả Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất trên thế giới. Trong các cuộc thảo luận đầu tiên hồi tháng 6 vừa qua, lãnh đạo hai nước đã nhất trí sẽ giảm dần lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Đầu tư: Các nhà đầu tư Mỹ đang phải đối mặt với các rào cản hoặc những hạn chế về quyền sở hữu trong khoảng 90 lĩnh vực tại Trung Quốc và điều này đang cản trở các cơ hội của họ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Mỹ đang lo ngại nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các quyết định bất lợi từ Quốc hội Mỹ hoặc bị từ chối vì lý do đảm bảo an ninh. Trong khuôn khổ đối thoại lần này, hai bên sẽ tiến hành các cuộc thảo luận bước đầu về một hiệp định đầu tư song phương, tuy nhiên, các thỏa thuận tương tự sẽ cần nhiều năm để cân nhắc và thông qua.
Nông nghiệp: Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất của Mỹ, tuy nhiên, người nông dân Mỹ vẫn đang phải chịu nhiều rào cản từ Trung Quốc. Mỹ muốn Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng như thịt bò, thịt lợn và gia cầm.
Tiền tệ: Mỹ cho rằng chính quyền Trung Quốc đã định giá quá thấp đồng nhân dân tệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước này. Tuy nhiên, thái độ của Mỹ đã bớt gay gắt sau khi đồng nhân dân tệ tăng giá, thặng dư thương mại của Trung Quốc giảm và giá nhân công tăng khiến các sản phẩm của Trung Quốc mất dần lợi thế cạnh tranh.
TTK