Doanh nghiệp may Trung Quốc điêu đứng vì thiếu lao động

Theo tờ Đại Công báo, sau rằm tháng Giêng, cùng với sự trở lại dần dần của công nhân ngoại tỉnh, đại bộ phận các công xưởng ở Quảng Châu (Trung Quốc) cũng bắt đầu hoạt động trở lại. Nhưng ở thị trấn Tân Đường, trọng điểm sản xuất quần áo jean ở Trung Quốc, mặc dù ra sức giữ công nhân, nhưng đại bộ phận các xí nghiệp may mặc vẫn thiếu công nhân nghiêm trọng, có đơn vị thiếu tới 70% lao động.

Doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng mới

Ở Tân Đường, những tờ đăng tuyển công nhân được dán kín trên tường, trên cửa bên ngoài của các xí nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thiếu trên 100 công nhân, cá biệt có doanh nghiệp quy mô lớn còn thiếu tới 300 - 400 công nhân. Ông Đinh, phụ trách tuyển dụng lao động Công ty may mặc Nghị Hân cho biết, công ty ông năm ngoái có 100 công nhân nhưng chỉ có 30 người trở lại công ty trước ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Do số lượng đơn hàng tồn đọng của năm ngoái vẫn còn nhiều mà hiện lại thiếu hụt lao động nghiêm trọng nên không dám nhận thêm đơn hàng mới.

Ông Đinh than thở: “Thông tin tuyển người được đưa ra suốt mấy ngày mà chẳng có người đến dự tuyển, chỉ có vài người đến và họ đều do những công nhân cũ giới thiệu tới”. Để khuyến khích việc giới thiệu người mới vào làm việc, công ty đã thưởng cho người giới thiệu 100 nhân dân tệ (NDT) cho một công nhân mới được giới thiệu.

Còn tại chợ lao động Tân Đường, mỗi ngày ít nhất có hơn 200 doanh nghiệp đến tuyển công nhân. Tạ Lưu Minh, Giám đốc Công ty Cẩm Luân, nói: Năm nay tăng tiền lương, công nhân phổ thông có thể nhận được hơn 3.000 NDT/ tháng (khoảng 10 triệu đồng VN), hiện công ty đang cần tuyển hơn 100 người nhưng đã mấy ngày rồi mà không tuyển được một người mới. Giám đốc Minh nói: “Hiện tại có nhiều người chỉ đến xem thông tin chứ chưa vội tìm việc làm. Cũng còn rất nhiều công nhân chưa rời khỏi quê nhà, tình hình có lẽ sẽ tốt hơn vào cuối tháng”.

Nhiều ông chủ nợ lương

Cô Chung, nhân viên công tác tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hồng Sáng, thị trấn Tân Đường cho biết, tình hình tổng thể về tuyển dụng lao động hiện nay không tốt. Một số công ty điện tử, điện gia dụng còn tuyển được lao động nhưng các công ty may thì rất khó tuyển người. Theo cô Chung, nguyên nhân là do lương ở các công ty may thấp, thời gian làm việc dài, môi trường làm việc kém. Hơn nữa, uy tín của các chủ công ty không tốt, “có rất nhiều công ty nợ vài tháng lương của công nhân, đến cuối năm cũng không trả hết, khiến công nhân không muốn quay lại làm sau Tết”. Chủ xưởng may ở đây cũng hay “bỏ trốn”. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, các công ty may ở Tân Đường kinh doanh sa sút, có những công ty suốt mấy tháng không có một đơn hàng nào, thu nhập của công nhân khó lòng được đảm bảo. Anh Vương, công nhân người tỉnh Hồ Nam cho biết, có nhiều công ty may đơn hàng không ổn định, có lúc anh không có việc làm trong mấy tháng nên buộc những người lao động trụ cột trong gia đình như anh Vương phải “nhảy việc”.

Xu thế “nhảy việc” gia tăng

Xu thế “nhảy việc” của lao động ngoại tỉnh thế hệ thứ hai (1980, 1990) cao hơn so với thế hệ trước cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng “thiếu lao động”. So với thế hệ đi trước, những lao động ngoại tỉnh thế hệ 1980, 1990 đã không còn phải chịu áp lực sinh tồn quá lớn nữa, họ cũng dần coi trọng chất lượng của đời sống và công việc, so sánh tiền lương, cân nhắc xem doanh nghiệp có mang đến tương lai phát triển cho bản thân họ hay không.

Dương Viện, sinh năm 1989, đến từ Hồ Bắc, đã làm việc 5 năm tại nhiều nơi như Đông Quản, Trung Sơn, Phật Sơn… ở tỉnh Quảng Đông, đã từng làm công nhân nhà máy, thợ nề, thợ công nhật… nhưng không việc nào làm quá 1 năm cả. Do thấy làm thợ nề quá vất vả nên đầu năm nay đã xin vào làm công nhân phổ thông trong một công ty may ở Quảng Châu với lương tháng khoảng gần 3.000 NDT. Tuy nhiên, đối với Dương Viên, đây cũng vẫn là công việc tạm thời vì “cảm thấy không gian phát triển ở trong công ty may cũng không nhiều”.

Theo bảng điều tra xu hướng việc làm của lao động ngoại tỉnh ở 18 tỉnh thành trên toàn Trung Quốc được đăng tải vài hôm trước trên trang web dịch vụ lao động giới thiệu việc làm trực tiếp lớn nhất của Trung Quốc, 38,2% người được hỏi mới làm việc dưới 1 năm ở nơi làm việc hiện tại; 25,8% làm được từ 1-2 năm; chỉ có 17,4% số người là làm việc trên 4 năm. Theo kết quả nghiên cứu xu hướng việc làm của lao động ngoại tỉnh của đại học Thanh Hoa, thời gian làm việc tại một nơi của lao động ngoại tỉnh thế hệ 8X ngắn hơn rõ rệt so với thế hệ trước. Ngô Tân Bình, Giám đốc một công ty may cho biết:“Thanh niên ngại vất vả, chê lương thấp, thời gian làm việc dài”. Năm ngoái, công ty của bà đã tuyển được vài công nhân trên 20 tuổi, nhưng chỉ làm được vài ngày là xin nghỉ việc. “Hiện giờ tôi thích tuyển những người trên 30 tuổi đã lập gia đình, những người này thường suy nghĩ nhiều hơn, không dễ dàng nhảy việc”.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN