Đâu là khúc khải hoàn của Mỹ trong cuộc chiến chống IS?

Theo nhận định của các chuyên gia, cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn chưa làm rõ hình hài của một chiến thắng trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng rõ ràng, chiến thắng đó sẽ phụ thuộc nhiều vào các sự kiện chính trị tại Syria và Iraq, việc vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát của nước Mỹ.

Hiện trường sau các cuộc oanh tạc của liên quân xuống làng Kfar Derian, tỉnh miền tây Aleppo ngày 23/9. Ảnh: AFP-TTXVN


Chiếc lược của Mỹ nhằm “tiêu diệt” các phần tử IS dựa vào chuỗi canh bạc đẫy vốn liếng có thể phải mất nhiều năm trời mới có thể kết thúc, mà cụ thể nhất là tại Syria, nơi Washington đặt cược vào việc xây dựng tiếng nói cho một lực lượng nổi dậy “ôn hòa”.

Nhà khoa học chính trị cấp cao Karl Mueller tại Viện chính sách RAND nhận định, chính quyền Mỹ đang dần nhận ra rằng ngay cả trong kịch bản tốt nhất mà nước Mỹ có thể có được, đây cũng vẫn sẽ là trận chiến kéo dài nhiều năm.

Bất chấp những hình ảnh ấn tượng về việc đánh bom các mục tiêu của IS của các chiến đấu cơ, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng như các tướng lĩnh của ông vẫn lặp đi lặp lại lời cảnh báo rằng người Mỹ nên chuẩn bị tâm thế cho một cuộc chiến kéo dài, rằng phép màu sẽ không xảy ra chỉ sau những cuộc không kích ban đầu. “Tôi nghĩ đây sẽ là một thách thức của thế hệ”, Tổng thống Obama đã nói.

Dẫu vậy, vị tổng thống của nước Mỹ cùng bộ sậu vẫn đang hy vọng các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria sẽ đóng vai trò như một bức tường lửa chặn đứng sự điên cuồng của các tay súng Hồi giáo dòng Sunni, đủ lâu để liên quân có thể xây dựng các lực lượng địa phương cũng như thúc đẩy đà chính trị chống IS.

Ông Obama nói: “Điều mà các cuộc tấn công quân sự của chúng ta có thể làm là chỉ để giám sát và đánh bật lại những mạng lưới này khi chúng xuất hiện và bảo đảm rằng một cách thức hành động mới sẽ có được không gian và thời gian cần thiết để bắt đầu bén rễ”.

Dựa trên khung chương trình dữ đội mà các quan chức Mỹ vạch ra, chiến lược của cuộc chiến chống IS phụ thuộc vào việc đánh bại các phần tử IS ở Iraq trước tiên, thông qua sự phối hợp với các lực lượng của người Kurd tại đây cũng như quân đội Iraq, các chiến binh tình nguyện dòng Shiite và lực lượng dân quân hay “vệ binh quốc gia” của các bộ lạc người Sunni, điều đến thời điểm này vẫn chưa đạt được.

Lực lượng an ninh người Kurd giao tranh với các tay súng IS tại một số ngôi làng gần Kirkuk. Ảnh: THX-TTXVN


Trong khi đó, trên mặt trận Syria, Washington đang nuôi mộng đào tạo và trang bị vũ khí cho một quân đội mới của lực lượng phiến quân nổi dậy, ở cấp độ khoảng 5.000 chiến binh một năm. Theo Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, với nhịp độ đó, lực lượng trên sẽ cần khoảng ba năm để đủ lớn mạnh nhằm đánh bại IS.

Nếu lực lượng phiến quân do Mỹ đào tạo có thể đẩy lùi IS, trong nước cờ tiếp theo mà Mỹ toan tính, nhóm này cũng có thể lật đổ chính quyền Damascus. Nhưng vấn đề là các quan chức của Nhà Trắng vẫn chưa nắm rõ nhóm nổi dậy “ôn hòa” này đang nghĩ gì ở Syria xa xôi.

Dù thế nào đi nữa, đó sẽ là chuyện mà Mỹ sẽ phải tiếp tục cân nhắc. Còn trước mắt, theo các nhà phân tích, việc đánh bật các phần tử cực đoan IS ở Iraq sẽ không chỉ là cuộc chiến dựa vào các loại vũ khí hay chiến lược. Cuộc chiến đó còn phụ thuộc vào việc liệu chính phủ ở Baghdad do dòng Shiite dẫn đầu có lựa chọn từ bỏ cách vận hành mang tính bè phái để vươn đến xây dựng một đất nước có sự liên minh với cộng đồng Sunni hay không.

Bà Marrina Ottoway, học giả cấp cao của Trung tâm Woodrow Wilson cho hay, trong khi nhiều trọng trách đang được đặt lên đôi vai của tân Thủ tướng Iraq, Haider al-Abadi, ông này vẫn chưa đưa ra động thái đáng kể nào cho thấy có dấu hiệu của sự thay đổi. Trên một tờ báo, bà Ottoway viết: “Cho đến nay, chính phủ (Iraq) vẫn chưa đưa ra quyết định chắc chắn nào có thể thuyết phục những người Sunni và người Kurd rằng lợi ích của họ giờ đây đã được bảo vệ”.

Theo nhà khoa học chính trị Mueller, có những thời điểm mà kế hoạch tiêu diệt các chiến binh IS của Mỹ không có vẻ gì là chắc chắn về một cái kết, nhưng lí do một phần nằm ở việc người Mỹ phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự lớn mạnh chớp nhoáng của IS. Còn về dài hạn, ông đánh giá “ở một số cấp độ, Mỹ sẽ tùy cơ ứng biến”.

Các chuyên gia cho rằng dù liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đang đối mặt với vô số những điều không chắc chắn, nhưng rõ ràng nhóm khủng bố IS không phải là những kẻ bất khả chiến bại và chúng có thể bị làm suy yếu nếu phải liên tục đương đầu với áp lực, đặc biệt là từ phía Syria và Iraq.

Chuyên gia Michael O’Hanlon của viện Brookings nói: “Nếu IS hứng chịu những trận thua lớn tại Iraq trong năm sau, như tôi trông đợi, sức mạnh của chúng tại Syria có thể cũng bị suy giảm theo”. Theo chuyên gia này, Mỹ không nên chỉ vì không thể nhìn thấy rõ trước một cái kết mà ngừng “phát triển đồng minh và đòn bẩy”.

Kết quả của chiến dịch chống IS hẳn nhiên sẽ dẫn đến những kết cục chính trị tại hai quốc gia Trung Đông là Iraq và Syria cũng như tại các nước láng giềng. Và nếu chính phủ Iraq và phe đối lập tại Syria, trong những toan tính của Mỹ, thất bại trong việc chiếm lấy thời cơ và hy sinh thứ ý thức hệ bè phái thì điều tốt nhất mà sự can thiệp của Mỹ có thể mang lại cũng chỉ là làm chậm lại sự lớn mạnh của các tay súng IS.


Anh Tiếu (Theo AFP)

Những câu hỏi từ cuộc chiến không giới hạn
Những câu hỏi từ cuộc chiến không giới hạn

Trước sự lớn mạnh nhanh chóng và tàn bạo của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải giở lại trang sử Trung Đông sau chưa đầy 3 năm khép lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN