Cuộc chơi công bằng

Quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama không dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Mátxcơva trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại St. Petersburg vào đầu tháng 9 lại đánh dấu một cơn sóng gió mới trong mối quan hệ không mấy êm ả Nga-Mỹ. Hai cường quốc hùng mạnh một lần nữa lỡ hẹn, không thể ngồi cùng nhau xử lý một loạt vấn đề gai góc trên thế giới.

 

 

Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Enniskillen, North Ireland, ngày 17/6/2013.

Tuy vậy, lý do cho câu trả lời “không” của ông Obama lại đơn giản chỉ là vụ bê bối Edward Snowden, cựu nhân viên CIA được Nga cấp qui chế tị nạn tạm thời sau khi phanh phui các hoạt động do thám và xem lén thư điện tử của tình báo Mỹ. Xem ra lời khước từ này, ngoài “giọt nước tràn li” Snowden, còn có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn và chủ yếu liên quan tới những đối sách hiệu quả của Nga, tình cảnh bế tắc của Mỹ khi chưa đủ thế và lực ép Nga phải nhượng bộ, cũng như tâm lí lo sợ sẽ phải rời Mátxcơva với hai bàn tay trắng.

 

Điểm qua hầu hết những điểm nóng trên thế giới hiện nay, có thể thấy, Mỹ vẫn bế tắc, chưa tìm được một lời giải thích hợp lý nếu không có được cái gật đầu của Nga. Trong khi Nga tiếp tục vận dụng một cách hiệu quả các đòn bẩy, hóa giải những nguy cơ mà Mỹ và phương Tây đặt ra trước nước này.

 

Trong vấn đề thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở Đông Âu. Vào thời điểm hiện nay, do tình hình kinh tế không mấy khả quan, Mỹ chưa thể dốc toàn tâm toàn ý thực hiện công việc đó. Và với đòn bẩy tên lửa hiện đại Iskander-M, có thể xuyên thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, Nga dường như càng khiến Mỹ lúng túng hay chí ít phải trì hoãn kế hoạch của mình thêm một thời gian nữa. Ở điểm nóng xung đột ở Syria, trong bối cảnh chiến sự giằng co chưa thể đi đến hồi kết, Washington rõ ràng rất cần một tín hiệu từ Mátxcơva, với hàm ý sẽ giảm bớt sự hậu thuẫn về chính trị và quân sự, hay chí ít là không bỏ lá phiếu “chống” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như trường hợp với Libya để Mỹ có thể mạnh tay tập trung hỏa lực lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Quan điểm trùng trình, chưa thực sự mạnh tay ủng hộ phe đối lập ở Syria của “Chú Sam”, có lẽ một phần bởi họ hiểu rõ rằng những đòn bẩy quân sự của Nga, ví dụ như hệ thống tên lửa S-300 hiện đại có thể bao quát vùng trời tới tận Israel, sẽ khiến Mỹ và phương Tây hao tổn nặng nề một khi can thiệp quân sự vào Syria.

 

Còn với định hướng sống còn, chuyển trọng tâm chiến lược từ Trung Đông, Trung Á sang châu Á, thành công trong mục tiêu bao vây kiềm tỏa Trung Quốc của Mỹ cũng không thể không tính tới mức độ khăng khít của mối quan hệ Trung-Nga. Các cuộc tập trận qui mô lớn gần đây, như cuộc tập trận chung lớn chưa từng có trên Biển Nhật Bản giữa hải quân Nga và Trung Quốc, cuộc tập trận kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu qui mô lớn nhất từ thời Xôviết của quân khu Viễn Đông Nga, hay cuộc tập trận chung Nga-Trung chống khủng bố “Sứ mệnh hòa bình 2013” đang diễn ra tại tỉnh Chelyabinsk của Nga, rõ ràng cũng khiến các nhà hoạch định chính sách ở Washington phải tính kỹ. Bởi chỉ cần Nga tăng thêm chút ít đòn bẩy quân sự theo hướng ngược chiều với Nhà Trắng, thành bại trong cục diện chính sách của Mỹ có thể thay đổi.


Vào thời điểm hiện nay, trong tình cảnh ngân sách eo hẹp, “Chú Sam” hiểu rõ mình không thể đơn thương độc mã tác oai tác quái ở các khu vực trên thế giới mà không cần tới một tín hiệu “trung dung” hơn của Nga. Thêm vào đó, có lẽ Mỹ phần nào không muốn tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Nga vào thời điểm hiện tại vì lo sẽ phải tay trắng rời Mátxcơva, khiến cho những cam kết khoa trương, hùng hồn trước đó không còn phát huy tác dụng. Và có lẽ một phần cũng vì Mỹ hiểu rõ cuộc chơi giờ đã hết sức công bằng, không thể đòi hỏi sự nhượng bộ đơn phương từ phía Nga mà không xuống nước thỏa hiệp. Với quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh, Mỹ còn vớt vát được phần nào uy danh đang ngày càng lung lay trên trường quốc tế.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN