Cuộc chiến Libi: Nguy cơ bế tắc kéo dài

Theo báo "Bưu điện quốc gia" (Canađa) ngày 2/4, sau hai tuần đánh bom và thực thi một khu vực cấm bay tại Libi, liên quân và phe nổi dậy vẫn chưa thể thực hiện mục tiêu loại bỏ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Bất chấp những hy vọng rằng chính phủ Libi có thể sụp đổ do sai lầm của các quan chức cao cấp hay nhờ một cuộc đảo chính, nhưng thực tế cho thấy ông Kadhafi có thể tiếp tục bám giữ quyền lực, phát động một cuộc chiến tranh tại Trung Đông trong thời gian tới.

Lực lượng nổi dậy Libi tại thành phố Brega, ngày 1/4. AFP/TTXVN


Khi cuộc nội chiến tại Libi trở nên hỗn loạn hơn, các chiến tuyến sẽ trở nên kém rõ ràng và những hậu quả ngày càng trở nên bất ổn. Bản thân chiến sự đang trở nên ngày càng không giống một cuộc chiến tranh, mà là một cuộc chạy đua giữa các băng nhóm, bắn chỉ thiên để kỷ niệm việc chiếm được một thị trấn hay đánh dấu một cuộc rút lui đầy hoảng loạn. Phe nổi dậy, kém hơn về hỏa lực và thường bị đánh thọc sườn, đang thiếu một chiến lược và một ban chỉ huy quân sự. Mặc dù họ rất hăng hái khi ra chiến trường, nhưng họ cũng rút chạy nhanh như vậy khi đối diện với lực lượng ủng hộ chính phủ có quân số đông hơn gấp 10 lần.

Theo Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, các cuộc không kích của liên quân đã phá hủy được khoảng 20-25% lực lượng vũ trang của Kadhafi nhưng "điều đó không có nghĩa là Kadhafi bị đánh bại về quân sự bởi vì quân đội của ông ta được trang bị và huấn luyện tốt, có các cơ quan chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, những thứ mà phe đối lập không có". Các cuộc không kích của liên quân có khả năng đe dọa xe tăng và pháo hạng nặng của Libi, cắt đứt các tuyến cung cấp cho bộ binh và ngăn việc di chuyển các đơn vị quân đội lớn qua sa mạc, nhưng chúng không thể đánh chiếm hoặc bảo vệ các thị trấn hay thành phố.

Thực tế đơn giản này có thể dẫn tới một sự bế tắc. Nhiều người nhận ra rằng, sẽ không có việc chính phủ của ông Kadhafi bị lật đổ từ bên trong, và các lực lượng phiến quân được trang bị kém không có khả năng trụ lại lâu dài nếu không có sự can thiệp mang tính quyết định của phương Tây. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi trang bị vũ khí và huấn luyện cho phiến quân. James Dubik, tướng Mỹ về hưu thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh nói: "Chúng ta phải cung cấp cố vấn, người huấn luyện và có thể cả vũ khí cho phiến quân. Hiện nay, phiến quân không giống một lực lượng có tổ chức và họ cần giúp đỡ". Nhưng đây là một dự án lâu dài và sẽ không thể thực thi trong ngày một ngày hai.

Trong khi đó, ông Kadhafi đã thay đổi các chiến thuật, lợi dụng những điểm yếu của phiến quân để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại từ các cuộc không kích của liên quân. Tuần này, quân đội Libi không sử dụng xe tăng hay xe bọc thép, mà dùng quân cơ động, được chuyên chở trên xe tải để phản công. Từ trên không, liên quân ngày càng khó phân biệt quân chính phủ với phiến quân và dân thường.

Giải pháp duy nhất cho sự leo thang này là triển khai việc tuần tra trên không, cố vấn tại Libi để xác định và đánh dấu các mục tiêu cho các máy bay chiến đấu của liên quân. Những tin tức bị tiết lộ tại Oasinhtơn cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bí mật cho phép CIA hỗ trợ phiến quân Libi bằng việc phái các điệp viên xâm nhập nước này để đánh dấu các mục tiêu và liên lạc với các thủ lĩnh phiến quân. Nhưng chính quyền Mỹ vẫn đang tranh cãi về việc có cung cấp vũ khí cho phiến quân hay không bởi vì một bộ phận của phe đối lập Libi là các thành viên của al-Qaeda. Các quan chức Mỹ không muốn lặp lại sai lầm của họ tại Ápganixtan trong những năm 1980, khi họ cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến quân mà sau này đã trở thành Taliban và al-Qaeda.

Michael O‘Hanlon, một chuyên gia về Trung Đông thuộc Viện Brookings kết luận rằng chiến dịch của liên quân tại Libi, mặc dù cho đến nay là hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của nhà lãnh đạo Kadhafi, nhưng chúng cũng tạo ra một sự bế tắc, cho phép ông ta tạm thời nắm quyền tại Tripôli và các khu vực lân cận. Nếu Mỹ chỉ giúp đỡ phiến quân đủ để họ tiếp tục chiến đấu, nhưng không đủ để giải quyết cuộc xung đột này thì Libi có thể trở thành một "vết loét" mà al-Qaeda có thể tìm cách lợi dụng. Còn Daniel Byman, một chuyên gia về Trung Đông thuộc trường Đại học Georgetown (Oasinhtơn) cho rằng, từ quan điểm chống khủng bố, một nguy cơ nghiêm trọng hơn là cuộc nội chiến tại Libi sẽ tiếp tục không hồi kết và al-Qaeda có thể tìm cách lái cuộc xung đột này theo ý của họ.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Hành động quân sự chống Libi - Mục tiêu “chệch hướng”
Hành động quân sự chống Libi - Mục tiêu “chệch hướng”

Sau khi máy bay liên quân bắt đầu thực hiện các vụ oanh kích xuống Libi, Mỹ và các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn khăng khăng rằng sứ mệnh của họ tại quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này không đi quá giới hạn bảo vệ dân thường bị đe dọa tính mạng...

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN