Các nhà khoa học có thêm động lực tìm tòi hướng nghiên cứu mới trong điều trị HIV/AIDS, chẳng hạn như vai trò tiềm năng của các phương pháp điều trị ức chế miễn dịch. Giới khoa học cũng tiếp tục nghiên cứu các tế bào miễn dịch bẩm sinh, hoạt động như tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các mầm bệnh khác nhau và có thể giúp kiểm soát virus HIV.
Tại châu Phi, chương trình nghiên cứu vaccine ngừa HIV mang tên PrEPVacc được triển khai từ năm 2018 đến 2024, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu. Hiện chương trình đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại 3 nước châu Phi, gồm Nam Phi, Uganda và Tanzania. Tháng 9 vừa qua, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một ứng cử viên vaccine mới ngừa HIV có tên gọi là VIR-1388.
Những bước tiến trong nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa HIV làm dấy lên hy vọng HIV/AIDS sẽ không còn là căn bệnh “vô phương cứu chữa”. Giáo sư Carlos del Rio nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại trường Y thuộc Đại học Emory (Mỹ) nhấn mạnh vaccine sẽ là “công cụ thiết yếu” trong ngăn chặn sự lây lan của virus HIV.
Tuy nhiên, từ nay cho đến khi thế giới phát triển thành công một loại vaccine ngừa HIV hiệu quả, HIV/AIDS vẫn đang là một vấn đề y tế công cộng lớn toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 39 triệu người đang sống chung với HIV vẫn sẽ phải trải qua hành trình điều trị đầy gian nan.
Theo báo cáo của Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), năm 2022, trên thế giới có thêm 1,3 triệu người nhiễm HIV mới, giảm 59% so với mức đỉnh điểm năm 1995. Tuy nhiên, vẫn có 630.000 trường hợp tử vong vì các bệnh liên quan AIDS. Đáng lo ngại, những năm gần đây, các khu vực Đông Âu, Trung Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi đều ghi nhận số ca nhiễm mới HIV hằng năm gia tăng. Phillippines, Madagascar, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan là những quốc gia có mức tăng số ca nhiễm mới HIV cao nhất kể từ năm 2015. Một số khu vực như châu Á-Thái Bình Dương trước đây ghi nhận số ca nhiễm mới HIV giảm thì nay gia tăng trở lại.
Trong khi đó, vẫn còn hàng loạt thách thức trên hành trình đẩy lùi bệnh AIDS. Tình trạng bất bình đẳng y tế gia tăng trong việc tiếp cận điều trị và chăm sóc vẫn là một vấn đề lớn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Điều này tiềm ẩn nguy cơ đảo ngược tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Các cuộc khủng hoảng chồng chéo liên quan đến đại dịch COVID-19, dịch đậu mùa khỉ, lạm phát, các nước giàu cắt giảm viện trợ,… cùng với sự kỳ thị và phân biệt đối xử đã và đang là rào cản.
Với chủ đề “Hãy để cộng đồng dẫn dắt” (Let commnities lead), Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay ghi nhận sức mạnh của cộng đồng trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ, khẳng định vai trò trung tâm dẫn dắt của cộng đồng là chìa khóa dẫn đến tiến bộ trong cuộc chiến. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi huy động vai trò dẫn dắt của cộng đồng những người sống chung và bị ảnh hưởng của HIV, những người thuộc các nhóm đối tượng đích (nhóm dễ bị lây nhiễm và có tỷ lệ lây nhiễm cao như người có quan hệ tình dục đồng giới, người nghiện hút ma túy...), cũng như các thủ lĩnh thanh niên. Đặc biệt, các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm đối tượng đích với các dịch vụ y tế công lấy con người làm trung tâm (xét nghiệm HIV, PrEP, ART) và đa dạng hóa các phương thức tiếp cận để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng trong việc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
UNAIDS chỉ rõ việc đầu tư vào các chương trình phòng chống HIV/AIDS do cộng đồng chủ trì sẽ mang lại những lợi ích rõ rệt. Bà Winnie Byanyima – Giám đốc điều hành UNAIDS khẳng định: “Để đi đến đích chấm dứt AIDS trên hành trình điều trị, thế giới cần để cộng đồng dẫn đường”.
Nhiều nước trên thế giới đã và đang tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS nhờ những bước tiến trong việc thúc đẩy vai trò dẫn dắt của cộng đồng.
Tại Nam Phi, cộng đồng đã thực hiện hàng chục nghìn cuộc phỏng vấn với người bị nhiễm. Từ đây, giới chức y tế địa phương đã có những cải tiến trong việc sắp xếp lịch khám và phân phát thuốc.
Ở Nigeria, các chương trình được thực hiện dựa vào cộng đồng đã giúp tăng 64% khả năng tiếp cận điều trị HIV, tăng gấp đôi khả năng sử dụng dịch vụ phòng ngừa HIV/AIDS và tăng gấp 4 lần việc sử dụng bao cao su thường xuyên ở người dân, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò cốt lõi cho thành công của Sáng kiến toàn xã hội chấm dứt HIV/AIDS ở Mỹ. Thông qua sáng kiến này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ không chỉ phân bổ nguồn lực cho cộng đồng mà còn tạo điều kiện để lãnh đạo các địa phương linh hoạt trong việc thiết kế và thực hiện các chiến lược phòng ngừa phù hợp.
Năm nay, Singapore nhấn mạnh việc lồng ghép chăm sóc HIV vào các hoạt động cộng đồng ở quy mô rộng lớn hơn. Các hội thảo khoa học tập trung nêu bật mối quan hệ hợp tác giữa các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV, cơ sở chăm sóc sức khỏe và những người làm y tế cộng đồng.
Trong tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, Việt Nam tập trung vào chủ đề: "Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, bao gồm các bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, của cả các tổ chức cộng đồng, đặc biệt là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Từ nhiều thập niên qua, thế giới đã cùng nhau nỗ lực chiến đấu với HIV/AIDS. Tuy nhiên, “cuộc chiến vẫn chưa kết thúc” như đánh giá của bà Angeli Achrekar, Phó Giám đốc điều hành UNAIDS. Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò của cộng đồng cũng như cam kết chung cần thiết để đạt được mục tiêu thế giới không có HIV/AIDS vào năm 2030. Bà Winnie Byanyima - Giám đốc Điều hành UNAIDS đã khẳng định: “Cộng đồng thắp sáng con đường chấm dứt bệnh AIDS”, thế giới có thể đánh bại HIV/AIDS khi các tổ chức cộng đồng hoạt động ở tuyến đầu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ.