Châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là khu vực nơi vai trò lãnh đạo kinh tế, tài chính thời hậu chiến của Mỹ và mạng lưới đồng minh của Washington đang bị thách thức. Vào tháng 7/2014, Nga, Ấn Độ và Brazil đã đạt được thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển mới với vốn điều lệ 100 tỷ USD đặt trụ sở tại Thượng Hải.
Tại khu vực Trung Á, Nga - Trung còn bắt tay nhau chặt hơn về kinh tế và quân sự trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ngay tại APEC, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã ký 17 thỏa thuận trị giá hàng trăm tỷ USD, trong đó, đáng chú ý nhất là dự án xây dựng đường ống cung cấp khí đốt sang Trung Quốc trị giá 400 tỉ USD, có khả năng cung cấp 38 tỉ mét khối khí đốt/năm. Chỉ trong vòng 2 năm, hai vị nguyên thủ này đã gặp nhau 10 lần, điều cho thấy mức độ hợp tác chặt chẽ đặc biệt giữa hai nước.
Trung Quốc đang nỗ lực dùng sức mạnh về kinh tế để mua ảnh hưởng về chính trị. |
Thực tế cho thấy một số thể chế kinh tế, tài chính chủ chốt vốn là “cấu trúc tài chính quốc tế”, dường như đã không đáp ứng được cán cân quyền lực và làn sóng chuyển dịch trọng tâm của kinh tế thế giới sang châu Á - Thái Bình Dương. Từ trước tới nay, IMF, WB và các ngân hàng phát triển khu vực vốn đang do Mỹ và đồng minh nắm quyền chủ chốt về quyền bỏ phiếu, cấu trúc vốn, vị trí đặt trụ sở và nhân sự là những thể chế mà Trung Quốc không thể chen chân vào. Những nỗ lực cải cách hòng trao cho Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác quyền lực lớn hơn trong suốt thời gian qua đã không đạt được kết quả đáng kể nào.
Do phải tập trung giải cứu các nền kinh tế ở châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các thể chế đa quốc gia này đã bị cạn kiệt nguồn vốn và gần như không còn đủ nguồn lực để đáp ứng với nhu cầu khổng lồ về hạ tầng cơ sở khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Kết quả là chúng trở nên lỗi thời, hay quá nhỏ bé và cứng nhắc trong các cách tiếp cận mang tính chất thực dân của mình đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Thống kê thương mại quốc tế năm 2014 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, các nước đang phát triển là điểm đến của hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu từ các nền kinh tế phát triển trong năm 2013. Các nước châu Á xuất hơn 60% sản lượng hàng hóa tới các nước trong cùng châu lục, tới châu Phi và Trung Đông, so với chỉ hơn 15% là hướng sang thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.
Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã thu về lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ và hiện đang trở thành một nhà cung cấp vốn chính của thế giới. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, nguồn dự trữ này được đầu tư một cách thụ động và không nhiều hữu dụng vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhưng nay Trung Quốc muốn sử dụng nguồn tư bản của mình một cách sinh lời hơn khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các đối tác thương mại chính thông qua Con đường Tơ lụa và AIIB, qua đó “mua” thêm ảnh hưởng về kinh tế và tài chính.
Việc một nước biến nguồn lực tài chính thành sức mạnh chính trị không phải là điều mới mẻ, bởi Anh đã từng áp dụng phương pháp này trong suốt thế kỷ 19 và sau đó Mỹ cũng gặt hái nhiều thành công với chiến lược đó kể từ sau Thế chiến 2. Kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm hỗ trợ châu Âu tái thiết đã định hướng cho một chính sách ngoại giao thân Mỹ của phương Tây.
Giống như việc tiếp cận thị trường và vốn của Mỹ một thời từng là một thành tố then chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Trung Quốc hiện đang sử dụng sức mạnh cơ bắp về thương mại và tài chính của mình để kết bạn và gây ảnh hưởng mà Con đường Tơ lụa và AIIB chỉ hai trong số nhiều công cụ của Bắc Kinh. Và khi cán cân quyền lực của kinh tế toàn cầu thay đổi, việc cấu trúc kinh tế quốc tế bị thay đổi theo là điều khó tránh.
Một số nhà phân tích chính sách đối ngoại phương Tây ảo tưởng rằng các thị trường mới nổi sẽ hội nhập với trật tự hậu chiến do họ thống trị, song triển vọng khả quan nhất cho các thể chế và trật tự này đó là thay đổi để thích ứng với quyền lực kinh tế, tài chính đang lên của các thị trường mới nổi.
Thái Nguyễn