Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang có nhiều biến động, việc lựa chọn châu Á là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên được xem là một bước đi có chủ ý nhằm phát đi tín hiệu rằng đây vẫn là địa bàn ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với trọng tâm là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).
Điểm nổi bật trong chuyến công du này của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là trong 5 điểm dừng chân có tới 4 quốc gia gồm Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản là những đồng minh lớn trong khu vực, trong khi Mông Cổ được xem như một đối tác chiến lược mà Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ an ninh-quốc phòng. Điều này phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của Washington trong nỗ lực củng cố chiến lược FOIP trên cơ sở tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược, qua đó tạo nên một liên minh gắn kết trong khu vực vốn đang được coi là trọng tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sự “hững hờ” của các đồng minh châu Âu đối với sáng kiến của Mỹ xây dựng liên minh quân sự đa quốc gia, mà Washington tuyên bố là để bảo đảm tự do hàng hải tại eo biển Hormuz, cũng khiến Washington chuyển hướng sang các nước đồng minh châu Á để thuyết phục các nước này tham gia kế hoạch trên. Mặt khác, Mỹ cũng hy vọng thông qua chuyến công du này có thể thăm dò mức độ ủng hộ của các đồng minh đối với kế hoạch bố trí tên lửa tầm trung từ mặt đất tại châu Á-Thái Bình Dương sau khi Washington chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi đầu tháng 8 này. Mỹ trước đó từng tuyên bố rằng việc Trung Quốc không tham gia INF là một trong những nguyên nhân chính khiến Mỹ rút khỏi cơ chế kiểm soát vũ khí này, bởi Washington lo ngại Bắc Kinh có thể tự do tăng cường sức mạnh tên lửa trong khi Mỹ bị hạn chế. Việc Mỹ ngay sau khi rút khỏi INF lập tức xúc tiến kế hoạch bố trí hệ thống tên lửa tầm trung tại châu Á-Thái Bình Dương, cho thấy đây là một hướng ưu tiên trong chiến lược của Washington tại khu vực.
Chọn Australia là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Esper, Mỹ rõ ràng muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ an ninh-quốc phòng với quốc gia châu Đại Dương này. Mỹ ngày càng trông cậy vào Australia để bảo đảm lợi ích của mình ở khu vực Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng viện trợ và đầu tư vào các quốc đảo nhỏ tại đây. Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã chi 1,3 tỷ USD cho các khoản vay ưu đãi, trở thành nhà viện trợ lớn thứ hai tại Thái Bình Dương sau Australia, qua đó tạo dựng chỗ đứng khá vững ở vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này. Không phải ngẫu nhiên mà đồng thời với chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Australia, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Micronesia, quần đảo Marshall và Palau, trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm ba đảo quốc Thái Bình Dương đang có thỏa thuận quốc phòng mang tên Hiệp ước liên kết tự do (COFA) với Washington.
Mức độ bền chặt trong quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống được thể hiện qua kết quả cuộc tham vấn thường niên giữa các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Australia - Mỹ (AUSMIN) tại Canberra, khi hai bên thống nhất cách tiếp cận đối với các vấn đề trên biển. Hai bên cũng nhấn mạnh cam kết chung của Mỹ và Australia đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, việc Australia chưa quyết định tham gia liên minh hàng hải và tỏ ra không hưởng ứng kế hoạch bố trí tên lửa tại châu Á phần nào cho thấy tồn tại sự khác biệt trong quan điểm và mối quan tâm giữa hai đồng minh lâu năm. Australia từng triển khai các tàu khu trục đồn trú tại Vùng Vịnh cho tới khi Canberra dịch chuyển nguồn lực khỏi Trung Đông nhằm tăng cường sự hiện diện tại Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua cũng đặt Australia vào thế khó xử, khi Mỹ là đồng minh lớn nhất, còn Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Australia.
New Zealand là điểm đến quan trọng tiếp theo của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Đối với ông Esper, Mỹ và New Zealand “có mối quan hệ hữu hảo lâu năm, được xây dựng dựa trên cơ sở mối quan tâm chung về một thế giới thịnh vượng, an ninh và tự do”. Tuyên bố chính sách quốc phòng chiến lược năm 2018 của New Zealand cũng thể hiện quan điểm ủng hộ chiến lược FOIP của Mỹ.
Ngay khi tới Auckland, ông Esper đã tái khẳng định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chiến lược quốc phòng hai nước và hai bên có chung tầm nhìn tương lai dựa trên những giá trị về chủ quyền, xung đột hòa bình, giải pháp, luật pháp quốc tế và tự do hàng hải. Bên cạnh đề cao hợp tác trong các vấn đề an ninh khu vực, lãnh đạo quốc phòng hai nước cũng cam kết thắt chặt quan hệ đối tác nhằm tiếp tục thực hiện các chiến lược tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Với điểm dừng chân tại hai quốc gia đồng minh truyền thống Nhật Bản và Hàn Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Tokyo đang rơi xuống mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ, chuyến thăm của ông Esper phản ánh mong muốn của Washington trong việc hàn gắn và củng cố hợp tác an ninh 3 bên. Chuyến thăm là cơ hội để Mỹ tái khẳng định các cam kết an ninh đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cũng để nhấn mạnh vai trò then chốt của liên minh Nhật-Mỹ-Hàn trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng những diễn biến khó lường mới đây trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản Takeshi Iwaya, Bộ trưởng Esper đã tái khẳng định mục tiêu của Mỹ hướng đến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên Nhật-Mỹ-Hàn trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực. Còn trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, ông Esper đã nêu bật mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn bền vững là yếu tố then chốt thúc đẩy hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, cũng như Australia, Mỹ vẫn chưa nhận được “cái gật đầu” của Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc tham gia liên minh hàng hải quốc tế ở eo biển Hormuz. Nỗ lực hàn gắn mối bất hòa giữa hai đồng minh của Mỹ cũng chưa đạt kết quả.
Đồng thời với việc siết chặt hợp tác với các đồng minh truyền thống tại châu Á, chuyến công du của ông Esper tới Mông Cổ mang ý nghĩa mở rộng và phát triển quan hệ với quốc gia nằm ở vị trí chiến lược giữa Nga và Trung Quốc này. Việc đưa Mông Cổ vào danh sách điểm dừng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên cho thấy Bộ trưởng Esper đánh giá cao tầm quan trọng của nước này trong chiến lược của Lầu Năm Góc tại khu vực.
Dù bị kẹp giữa 2 người hàng xóm khổng lồ, Mông Cổ vẫn duy trì được sự độc lập chính sách bằng cách cải thiện quan hệ với nhiều nước, trong đó có Mỹ. Chính quyền Ulan Bator đặt mục tiêu thông qua chính sách "những nước láng giềng thứ ba" để giảm lệ thuộc kinh tế vào 2 cường quốc sát biên giới. Trong khi đó, Mỹ xem Mông Cổ là “mắt xích quan trọng” để gia tăng ảnh hưởng như một phần trong chiến lược FOIP. Kế hoạch ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2019 cho các hoạt động nước ngoài cũng khẳng định tầm quan trọng của Mông Cổ khi đặt mục tiêu "đảm bảo Mỹ duy trì vị thế đối tác được ưu tiên với những nước có vị trí gần Nga và Trung Quốc". Do đó, dù chuyến thăm lần này của ông Esper không thúc đẩy bất cứ sáng kiến nào cụ thể, song các cuộc trao đổi quốc phòng cấp cao hai nước đã giúp bồi đắp mối quan hệ song phương, mở ra những hướng phát triển quan hệ đối tác xa hơn.
Với 5 điểm dừng chân quan trọng về an ninh, quốc phòng, chuyến công du châu Á đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không chỉ nhằm "xốc lại" quan hệ với các đồng minh chủ chốt, mà còn tái khẳng định sự hiện diện và vai trò của Mỹ tại khu vực chiến lược này. Bước đi của Mỹ cũng cho thấy cuộc cạnh tranh vị thế địa-chính trị và ảnh hưởng địa-chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng quyết liệt.