Quốc hội khóa 17 của Pháp đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/7. Là kết quả của cuộc bầu cử sớm, cơ quan lập pháp đang tồn tại 3 khối chính trị lớn chỉ chênh nhau khoảng 20 ghế, biến việc hình thành đa số nghị viện thành một bài toán đố.
Tổng thống Emmanuel Macron, mà nhiều người cho là nguyên nhân của khủng hoảng, đang đứng ở "chân tường" vì theo Hiến pháp, nếu không thể sớm thành lập chính phủ để ổn định tình hình, ông sẽ gặp rất nhiều trở ngại suốt phần còn lại của nhiệm kỳ trong khi không thể giải tán quốc hội một lần nữa trong vòng 1 năm để “làm lại từ đầu”.
Thông thường, với tư cách là “người bảo lãnh” cho các thể chế của đất nước, Tổng thống Macron có quyền bổ nhiệm một thủ tướng và theo thông lệ, đó sẽ là một nhân vật xuất thân từ hàng ngũ của “lực lượng thống trị” trong Quốc hội. Nhưng trong cuộc biến động chính trị hiện nay, không có khối nào giành được đa số tuyệt đối (289 ghế) để nắm quyền thành lập chính phủ. Mặc dù giành được vị trí dẫn đầu, nhưng Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) chưa bao giờ tỏ ra là một lực lượng mạnh mẽ nhất. Ngay từ khi chưa diễn ra cuộc bỏ phiếu, các đảng trong liên minh này đã có những tranh cãi gay gắt về việc đề xuất ứng cử viên thủ tướng.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ tan rã của NFP, khi liên minh này đang bị chia thành hai phe đối lập nhau trong việc tìm giải pháp tiếp cận Phủ Thủ tướng. Một bên là đảng Xã hội (PS), đảng Sinh thái (EELV) và đảng Cộng sản (PCF), và bên còn lại là đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI). Cho đến nay, hai phe này đều kiên quyết bác bỏ ứng cử viên thủ tướng do phe còn lại đề xuất. Và nếu rốt cuộc không thể sớm đưa ra được “một cái tên”, NFP sẽ phải chứng kiến thành quả đạt được sau cuộc bầu cử "tan thành mây khói" và vị trí thủ tướng tương lai của nước Pháp sẽ rơi vào tay các đảng khác.
Thời gian càng trôi qua, các chiến lược gia theo chủ nghĩa Macron càng có thời gian để tính toán và củng cố lực lượng. Trong thư ngỏ gửi người dân Pháp tuần trước, Tổng thống Macron một lần nữa nhắc đến vai trò của Mặt trận Cộng hòa - một tập hợp của phe trung dung, cánh hữu và cánh tả - trong nỗ lực ngăn chặn đảng phe cực hữu vươn lên giành quyền lực. Ông muốn rằng sau cuộc bầu cử, lực lượng này sẽ tiếp tục phát huy vai trò vì các giá trị chung của nền cộng hòa Pháp, với hy vọng các đảng chính trị, trừ LFI và dĩ nhiên đảng Tập hợp Quốc gia (RN), sẽ tập hợp lại thành một “đa số vững chắc” để điều hành đất nước. Trong thư, Tổng thống Macron viết: “Chỉ có lực lượng cộng hòa mới trở thành đại diện cho đa số tuyệt đối".
Chưa thể biết kế hoạch trên có thành công hay không, vì trên thực tế đã có nhiều ý kiến phản đối ý tưởng này của ông, nhưng nhà lãnh đạo Pháp muốn dành thêm “một chút thời gian” cho các đảng chính trị tìm kiếm thỏa hiệp để đưa ra các đề xuất của mình. Hết thời gian mà nhiều người cho là “sự câu giờ” này, ông sẽ quyết định việc bổ nhiệm thủ tướng mới.
Trước đó, sau một cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng ngày 16/7, Tổng thống Macron đã chấp nhận đơn từ chức của chính phủ hiện tại do Thủ tướng Gabriel Attal lãnh đạo. Tuy nhiên, các bộ trưởng vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vụ giải quyết các công việc hằng ngày, ít nhất là trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic 2024, và có thể lâu hơn, tức là đến khi khai mạc phiên họp thường kỳ tiếp theo của Quốc hội, dự kiến vào ngày 1/10. Trong thời gian này, Tổng thống Macron sẽ tìm cách tập hợp một “liên minh đa số vững chắc” xung quanh 168 đại biểu trong phe của mình, gồm các đảng Phục hưng, Phong trào Dân chủ, Những chân trời và Liên minh Dân chủ - Độc lập (UDI), nhằm thay thế cho NFP. Có thể phe của ông sẽ "bắt tay" với đảng Những người Cộng hòa (LR), đảng cánh hữu truyền thống giành vị trí thứ tư trong cuộc bầu cử lập pháp, để tạo nên thành phần chính cho liên minh rộng rãi này. Nhưng theo các tuyên bố mới nhất, cả PS lẫn LR đều không muốn có bất cứ liên minh nào với phe Tổng thống Macron. Với 46 ghế trong quốc hội mới, nhóm“Cánh hữu Cộng hòa" của LR cho biết sẽ “hành động theo từng văn bản” và không cần tham gia chính phủ.
Vậy là trong ngắn hạn, nước Pháp chưa có giải pháp rõ ràng nào cho việc thành lập chính phủ mới. Điều này tạo ra một khoảng trống hành pháp có thể dẫn đến một loạt ẩn số ở cấp độ cơ quan lập pháp. Chính phủ từ chức chỉ có thể tiếp tục điều hành “các công việc hằng ngày” và không có thẩm quyền đưa ra các đề xuất lớn về chính sách cũng như ngân sách. Hơn nữa, các nhóm chính trị cũng sẽ gặp khó khăn trong việc định vị mình trong "bàn cờ" Quốc hội, tức là sẽ thuộc về phe đối lập, phe đa số, hay phe thiểu số. Trong một tình thế chưa từng có dưới thời Đệ ngũ Cộng hòa, các cơ quan của Quốc hội Pháp khóa mới trước mắt sẽ phải điều hành một bộ máy lập pháp thiếu đa số.
Theo thống kê, Quốc hội khóa 17 của nước Pháp có không dưới 11 nhóm chính trị mới được thành lập. Mặc dù không có được tiếng nói như kỳ vọng, nhưng trong tương lai, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia vẫn có thể đóng vai trò trọng tài giữa khối cánh tả và khối những người theo chủ nghĩa Macron, khiến hoạt động của Quốc hội Pháp không tránh khỏi những tình huống phức tạp.
Trong ngày khai mạc phiên họp toàn thể đầu tiên của cơ quan lập pháp mới, bất chấp số đông của khối cảnh tả, bà Yaël Braun-Pivet, đại biểu đảng Phục hưng của Tổng thống Macron, đã được bầu lại vào vị trí Chủ tịch Quốc hội với 220 phiếu bầu so với 207 phiếu dành cho đối thủ André Chassaigne của PCF. Là người đứng hàng thứ tư của Nhà nước Pháp, Chủ tịch Quốc hội đóng vai trò trung tâm trong hệ thống thể chế của nước này. Phát biểu sau khi có kết quả bỏ phiếu, bà Yaël Braun-Pivet nhấn mạnh: “Chúng ta không có lựa chọn nào khác, chúng ta phải đồng thuận, chúng ta phải hợp tác, chúng ta phải có khả năng tìm kiếm sự thỏa hiệp”.
Thắng lợi của nữ nghị sĩ đảng Phục hưng là điều có nhiều ý nghĩa đối với Tổng thống Macron. Một mặt, thắng lợi này chứng tỏ rằng trong một quốc hội có 3 khối chính trị tương đối cân bằng như hiện nay, các đảng trong phe trung dung, gồm Phong trào Dân chủ và Những chân trời vẫn ủng hộ ông bất chấp những dự báo chia rẽ sau bầu cử. Quan trọng hơn, thắng lợi này cũng cho thấy sự ủng hộ của đảng cánh hữu truyền thống LR mà ông mong đợi để hình thành nòng cốt cho “liên minh đa nguyên” trong tương lai. Ít nhất đây cũng là một “đốm sáng” giữa màn sương đang phủ lên chính trường Pháp.