Mặc dù Tổng thống mới đắc cử của Venezuela Nicolas Maduro cam kết sẽ tiếp tục tôn trọng các hiệp định hợp tác năng lượng được ký kết dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez với các nước ở Mỹ Latinh và Caribê cũng như các cường quốc là Nga và Trung Quốc, song giới quan sát khu vực vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng quốc gia Nam Mỹ này giữ vững chính sách “ngoại giao dầu mỏ” mà ông Chavez sử dụng để thiết lập mối quan hệ liên minh với các nước khác.
Tân Tổng thống Nicolas Maduro ( trái) và phu nhân sau lễ tuyên thệ nhậm chức ở Caracas. Ảnh: THX-TTXVN |
Theo mạng phân tích Infolatam, những thách thức đối với nền kinh tế Venezuela - bao gồm tỷ lệ lạm phát lên tới 20,1% trong năm 2012 (cao nhất Mỹ Latinh), một nền công nghiệp xuống cấp và khoản nợ công hơn 50% GDP... - có thể sẽ buộc chính phủ mới ở Venezuela phải rà soát lại việc sử dụng nguồn lợi nhuận của tập đoàn dầu khí Venezuela (PDVSA). Nguyên thành viên ban lãnh đạo PDVSA Rafael Quiroz cho rằng Venezuela đang phải đối mặt với tình hình kinh tế vô cùng khó khăn. Theo ông, mặc dù việc sử dụng dầu mỏ làm “bàn đạp” để thúc đẩy hội nhập quốc tế là việc nên làm nhưng cũng cần phải tính tới sự cần thiết phải lập lại trật tự kinh tế trong nước.
Với giá dầu ở mức cao ngất ngưởng trong phần lớn thời gian 14 năm cầm quyền, ông Chavez đã xây dựng được những liên minh vững mạnh, thách thức sự bá quyền của Mỹ và đặt Venezuela - nước sản xuất dầu lớn nhất Mỹ Latinh và thứ năm thế giới - vào vị trí quan trọng trong bản đồ địa chính trị khu vực. Nguồn lợi nhuận của PDVSA cũng được sử dụng để tài trợ các chương trình phát triển xã hội trong giai đoạn 1999 - 2012, được bán với giá ưu đãi trong khuôn khổ dự án Petrocaribe và Liên minh Boliva cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA), nhưng việc đầu tư phát triển và nâng cấp trong chính lĩnh vực dầu khí lại chưa được chú trọng đúng mức. Ông Quiroz cho biết sản lượng khai thác vẫn giậm chân tại chỗ ở mức 3 triệu thùng/ngày theo số liệu của chính phủ và 2,3 triệu thùng/ngày theo số liệu của OPEC. Nguyên nhân là do các cơ sở lọc dầu bị quá tải, xuống cấp, trong khi các dự án mở rộng chưa được triển khai.
Cách đây hơn một tháng, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra dự báo về những thách thức khó vượt qua đối với người kế nhiệm ông Chavez để có thể thực hiện cùng một lúc việc khôi phục ngành dầu mỏ và tiếp tục tài trợ cho các chương trình xã hội, đồng thời nhấn mạnh nhiều khả năng chính sách “ngoại giao dầu mỏ” sẽ phải có một số thay đổi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khoáng sản Venezuela Rafael Ramirez khẳng định chính sách dầu mỏ của nước này sẽ không thay đổi và tiến trình cách mạng Boliva sẽ được tiếp tục triển khai.
Một loạt nước được hưởng lợi từ chính sách “ngoại giao dầu mỏ” dưới thời ông Chavez dường như cũng nhận thấy sớm hay muộn chính phủ mới tại Venezuela cũng sẽ phải rà soát lại các biện pháp này. Nhà kinh tế học gốc Cuba Carmelo Mesa cho rằng có thể trong ngắn hạn, Venezuela vẫn sẽ tiếp tục cung cấp cho Cuba khối lượng hơn 100.000 thùng dầu/ngày theo thỏa thuận đã ký trước đây nhưng trong trung và dài hạn, ông Maduro sẽ phải đưa ra các quyết định đồng thời như tái đầu tư ngành công nghiệp dầu mỏ để củng cố nền kinh tế, tiếp tục triển khai các dự án xã hội tốn nhiều tiền của nhưng đổi lại ông sẽ nhận được sự ủng hộ về chính trị và giữ nguyên các khoản trợ giúp cho Cuba. Chuyên gia này cho rằng rất khó để đạt được cả ba mục tiêu trên và khi đó chính phủ của ông Maduro sẽ phải hy sinh một mục tiêu nào đó ít đem lại lợi ích nhất. Mọi việc cũng tương tự như vậy đối với các hiệp định cung cấp dầu với giá ưu đãi trong khuôn khổ dự án Petrocaribe, song điều quan trọng nhất hiện nay là chính phủ Venezuela phải làm thế nào để nền kinh tế vẫn phát triển mà không phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.
TTXVN/Tin Tức