Căn cứ quân sự nhỏ nhưng gây sự chú ý lớn

Ðã hơn một tuần kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố lập căn cứ quân sự của Mỹ ở Ôxtrâylia, dư luận thế giới tiếp tục bàn luận về mục tiêu, ý nghĩa thực sự của động thái này.

Tính tới cuối năm 2010, theo báo cáo về các căn cứ quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội nước này hiện có 662 căn cứ đặt ở 38 quốc gia khác nhau tại khắp các châu lục. Trong đó có 268 căn cứ quân sự ở Đức, khoảng hơn 100 căn cứ ở Italia. Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là nơi Mỹ có nhiều căn cứ quân sự nhất, lần lượt là 124 và 87 căn cứ. Với khoảng 360.000 quân, lực lượng đồn trú ở các căn cứ quân sự nằm ở nước ngoài cũng chiếm tới hơn 1/5 tổng số quân của Mỹ hiện nay với biên chế khoảng 1,5 triệu.

Như vậy, nhìn trên cả bức tranh toàn cục về việc phân bố quân đội Mỹ ở nước ngoài, nếu không tính tới hai chiến trường Irắc và Ápganixtan với khoảng 150.000 quân hiện thời (riêng Ápganixtan là hơn 100.000 quân), căn cứ quân sự mà Mỹ sẽ thiết lập ở Darwin (Ôxtrâylia) ban đầu sẽ chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng trong xu hướng Mỹ cắt giảm số căn cứ quân sự và lực lượng ở nước ngoài, cụ thể là ở châu Âu và Trung Đông, thì việc Mỹ lập căn cứ quân sự ở Darwin rõ ràng có ý nghĩa chiến lược. Đó sẽ là lần đầu tiên Mỹ mở rộng sự hiện diện của quân đội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ sau thất bại ở Việt Nam cách đây gần 4 thập kỷ.

Với một đối tác đồng minh chiến lược như Ôxtrâylia, Mỹ sẽ có một căn cứ quân sự với khả năng tác chiến rõ rệt hơn khi bên cạnh 2.500 quân sẽ được triển khai trong vòng 5 năm tới sẽ là các hoạt động của tàu chiến và máy bay quân sự. Hiện chỉ có rào cản đối với các tàu chiến của Mỹ là luật pháp Ôxtrâylia quy định quốc gia này không sở hữu và tiếp nhận vũ khí hạt nhân. Gần nửa thế kỷ qua, thực ra quân đội Mỹ đã và đang hiện diện ở Ôxtrâylia. Nhưng trạm liên lạc hải quân Harold Holt được Mỹ thuê từ năm 1963, đặt ở North West Cape, phía tây Ôxtrâylia, từ lâu nay chủ yếu chỉ thực hiện chức năng thông tin, cung cấp tần số vô tuyến thấp cho tàu chiến của hải quân Mỹ và hải quân hoàng gia Ôxtrâylia. Biên chế của căn cứ này, theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, là 178 người. Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cam kết những cắt giảm chi phí quân sự trong những năm tới đây dưới sức ép của khủng hoảng kinh tế ở Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động và chi phí ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chính bối cảnh đó đặt ra các câu hỏi là mục đích mở căn cứ quân sự ở Dawin có phải chỉ để phục vụ công tác huấn luyện như tuyên bố của Tổng thống Obama? Tờ "Thời báo New York" mới đây đã mở một diễn đàn tranh luận về ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của quyết định mà chính quyền Obama vừa đưa ra. Diễn đàn này đã thu hút sự chú ý của giới quan sát ở Mỹ cũng như khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dean Chang, thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Tổ chức Di sản, nhận định rằng "mối quan hệ giữa Mỹ với Ôxtrâylia cũng tương tự như mối quan hệ giữa Mỹ và Anh ở châu Âu. Quan hệ giữa hai nước trên lĩnh vực an ninh chặt chẽ hơn bất cứ mối quan hệ nào của Mỹ với các nước châu Á. Theo đó, quân đội hai nước được phép chia sẻ cơ sở hạ tầng, công nghệ, thông tin tình báo và tham gia chung trong hầu hết các sự kiện chính kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II".

Việc mở căn cứ quân sự của Mỹ ở Darwin sẽ gây ra những áp lực với Trung Quốc liên quan tới tuyến đường vận chuyển năng lượng và nguyên liệu của nước này trên Ấn Độ Dương và Biển Đông. Nó cũng hàm ý nhắc lại sự cam kết với các quốc gia trong khu vực là họ sẽ không bị rơi vào tình trạng đơn độc nếu có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, liệu nỗ lực quân sự này có kéo dài được hay không trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Mỹ bị cắt giảm? Và những phản ứng trên lĩnh vực ngoại giao, quân sự, kinh tế tới đây của Trung Quốc cũng sẽ quyết định tới vấn đề thành bại của kế hoạch này.

Giáo sư Joseph S. Nye từng làm việc tại Đại học Havard (Mỹ), nguyên Chủ tịch ủy ban đặc biệt về căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản), ngoài những đánh giá tương tự còn cho rằng, việc mở căn cứ quân sự của Mỹ ở Darwin có thể là sự lựa chọn để tái bố trí lực lượng thủy quân lục chiến của Mỹ ở khu vực. Sau sức ép từ người dân địa phương ở đảo Okinawa phản đối sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ, thì việc chuyển tới Ôxtrâylia (bên cạnh kế hoạch đã được ấn định là chuyển tới đảo Guam) là "một lựa chọn thông minh".

Giáo sư Hugh White, chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Ôxtrâylia, cũng tham gia cuộc thảo luận trên với nhận định việc mở căn cứ quân sự của Mỹ ở Darwin không có nhiều ý nghĩa thực tế. Ông cho rằng, từ Darwin tới các khu vực chiến sự quá xa, vì thế chỉ có thể sử dụng để huấn luyện. Và với mục tiêu này, nó thuận lợi hơn so với căn cứ ở Okinawa hay Guam nhờ khoảng không trung rộng lớn.

Tuấn Đạt (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN