Bước ngoặt nguy hiểm của 'cách mạng Arập'

Theo mạng tin "Project syndicate" ngày 28/2, hai năm sau khi các cuộc nổi loạn của người dân làm chấn động thế giới, hy vọng tươi sáng về một Trung Đông mới đang lụi tàn và hầu như không còn ai đề cập đến "Mùa Xuân Arập".

Lý do là cuộc nội chiến đẫm máu vẫn tiếp diễn tại Syria, các lực lượng Hồi giáo vươn lên nắm quyền thông qua các cuộc bầu cử tự do, khủng hoảng chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc tại Ai Cập và Tunisia, sự bất ổn ngày càng tăng tại Iraq, tương lai bất trắc của Jordan và Lebanon và nguy cơ chiến tranh vì chương trình hạt nhân của Iran.
Nếu bổ sung thêm các khu vực sườn phía Tây và phía Đông của Trung Đông, là Afghanistan và Bắc Phi (tính cả khu vực Sahel và Nam Sudan), bức tranh càng trở nên u ám hơn.

Người tị nạn Syria biểu tình phản đối điều kiện sống thiếu thốn tại khu tị nạn Zaatari (Jordan). Ảnh: AFP/TTXVN


Theo bài viết này, khi bắt đầu các cuộc "cách mạng Arập", người ta thường nghĩ rằng tự do và công lý sẽ đánh bại độc tài và tàn bạo, nhưng thực tế cho thấy những gì diễn ra sau đó đa phần là không tích cực. Một cuộc cách mạng một mặt lật đổ chế độ hà khắc, nhưng mặt khác lại phá hủy trật tự cũ, mở đường cho một cuộc chiến giành quyền lực tàn bạo, nhiều khi là đẫm máu. Tiến trình này đang ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và đối nội của các quốc gia. Thường thì sau các cuộc cách mạng là những thời kỳ nguy hiểm.


Trong vành đai khủng hoảng Trung Đông hiện nay, không có bất kỳ cường quốc nào, dù ở trong hay ngoài khu vực, mong muốn hoặc có khả năng thực thi một tầm nhìn tối thiểu của một trật tự khu vực mới hay thậm chí về một phần của trật tự khu vực mới. Sự hỗn loạn hiện là mối đe dọa thường xuyên, kèm theo rủi ro và nguy cơ đối với hòa bình thế giới.

Ngoài đói nghèo, lạc hậu, đàn áp, thù hận sắc tộc, tôn giáo và những dân tộc không tổ quốc như người Palestine và người Cuốc, Trung Đông còn có những đường biên giới không ổn định, hầu hết do các chủ thuộc địa như Anh và Pháp vẽ ra sau Chiến tranh thế giới lần thứ I và có ít tính hợp pháp, trừ các đường biên giới của Iran và Ai Cập. Thêm vào đó, một số quốc gia như Iran, Saudi Arabia (Arập Xêút) và Qatar có những tham vọng trở thành cường quốc. Tất cả những yếu tố trên đang làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng.

Tất cả những mâu thuẫn này đang bùng nổ tại Syria. Trong khi đó, thế giới cho đến nay vẫn không muốn can thiệp, không chỉ đối với một cuộc nội chiến tàn khốc mà cả một trật tự mới cho toàn bộ Trung Đông. Lý do: Rủi ro quá lớn. Mặc dù sự can thiệp quân sự, có thể chỉ là tạm thời và có giới hạn, nhưng nó có thể bao gồm một sự đối đầu không chỉ với quân đội Syria được Nga và Trung Quốc hỗ trợ, mà cả với cộng đồng Hồi giáo theo dòng Shi'ite ở Iran và nhóm Hezbollah của Lebanon. Hơn nữa, không ai có thể đảm bảo rằng sự can thiệp này sẽ không nhanh chóng dẫn đến một cuộc chiến tranh nữa với Israel.

Tương lai nhìn thấy ở Syria là thảm họa nhân đạo sẽ tiếp tục, sau đó Syria rất có khả năng bị phân chia theo các ranh giới sắc tộc và tôn giáo. Và sự tan rã của Syria có thể phân chia hơn nữa Trung Đông và có tiềm năng châm ngòi bạo lực mới. Các nước tuyến đầu như Lebanon, Iraq và Jordan sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ một nước Syria tan rã. Điều gì sẽ xảy ra với những người Cuốc và Palestine tại Syria, hay những người Cơ đốc giáo, Druze và các cộng đồng thiểu số Hồi giáo nhỏ hơn? Và điều gì sẽ xảy ra với những người Alawites, xương sống của chế độ Assad, những người có thể đối diện với một số phận khủng khiếp, bất chấp việc nước này bị chia tách ra sao?

Những câu hỏi không có câu trả lời là rất nhiều. Mặc dù người ta vẫn có thể hy vọng vào những thỏa thuận đạt được nhờ những biện pháp ngoại giao, nhưng trên thực tế, các cơ hội đang giảm đi mỗi ngày. Toàn bộ Trung Đông đang chuyển động, và một trật tự mới và ổn định sẽ phải mất một thời gian dài mới hình thành. Cho đến lúc đó, Trung Đông sẽ vẫn rất nguy hiểm, không chỉ trong nội bộ, mà cả với những nước láng giềng, trong đó có châu Âu và toàn thế giới.


TTXVN/Tin tức

Mùa xuân Arập - Hai năm nhìn lại
Mùa xuân Arập - Hai năm nhìn lại

Phong trào nổi loạn tại Trung Đông và Bắc Phi được châm ngòi từ một sự kiện nhỏ ở Tuynidi đã dẫn tới sự sụp đổ của một loạt chính phủ cầm quyền trong khu vực. Nhiều người đã kỳ vọng rằng các cuộc nổi loạn được truyền thông phương Tây gọi là “cách mạng”...

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN