Bước đi khẳng định vai trò toàn cầu

Kể từ khi lên nắm quyền, một trong những mục tiêu chính của Thủ tướng Abe là đưa Nhật Bản trở lại vị trí một quốc gia có vai trò ảnh hưởng toàn cầu.

Ông Shinzo Abe và người đồng cấp Anh David Cameron họp báo chung tại London ngày 5/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có chuyến công du 6 nước châu Âu trong tuần đầu tháng 5 nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh... với các quốc gia tại “lục địa già”. Chuyến thăm của ông Abe diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực củng cố và mở rộng vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế .

Năm 2016 từng được Thủ tướng Nhật Bản coi là năm mở đầu các nhiệm vụ đầy thách thức của Tokyo, khi Nhật Bản vừa giữ vai trò Chủ tịch G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ), chủ trì hội nghị thượng đỉnh ba bên với Trung Quốc và Hàn Quốc, vừa trở lại cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, cũng ngay từ đầu năm, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã bày tỏ quyết tâm Tokyo sẽ "tỏa sáng trên trường quốc tế và thể hiện vai trò lãnh đạo". Chuyến công du các nước châu Âu trong thành phần G7 và Nga nằm trong khuôn khổ kế hoạch của Tokyo nhằm khẳng định vai trò và vị thế của một trong những cường quốc có ảnh hưởng trên thế giới.

Với tư cách là Chủ tịch G7 năm nay, Nhật Bản ưu tiên tăng cường hợp tác trong nội khối nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo Thủ tướng Shinzo Abe, hội nghị G7 là cơ hội để các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới cùng phối hợp giải quyết các vấn đề kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó dự đoán , sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động khủng bố và xóa đói giảm nghèo. N gay tại chặng dừng chân đầu tiên ở Italy, Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Matteo Renzi đã nhất trí, tại hội nghị G7 dự kiến diễn ra ngày 26 - 27/5 tới, các nước cần khẳng định hợp tác chặt chẽ trong việc kích thích tài chính nhằm hỗ trợ nền kinh tế thế giới. Ông Abe đề nghị Italy hợp tác trong việc xây dựng “Chương trình hành động” để công bố tại Hội nghị G7, nhằm thực hiện các bước đi cụ thể cho vấn đề này.

Tại Pháp, ngoài việc khẳng định hai nước cần thực hiện các biện pháp tài chính một cách linh hoạt, tiến hành cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hướng tới sự ổn định của tỷ giá, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Francois Hollande cam kết tăng cường mối quan hệ song phương, phối hợp hơn nữa nhằm đối phó với những thách thức về kinh tế và môi trường cũng như chủ nghĩa khủng bố. Trong chặng dừng chân tại Bỉ, trung tâm của các cơ quan đầu não Liên minh châu Âu (EU), ông Abe và các nhà lãnh đạo EU nhất trí đẩy nhanh đàm phán về hiệp định đối tác Nhật Bản - EU để hai bên có thể đạt được thỏa thuận tổng quan về đối tác kinh tế sớm trong năm nay, đồng thời ký kết hiệp định đối tác chiến lược.

Tại London, ông Abe bày tỏ mong muốn Anh ở lại EU, cho rằng điều đó "có lợi cho châu Âu và thế giới". Với hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Anh, cả ông Abe và người đồng cấp David Cameron đều thừa nhận rằng "quốc gia nằm ở cửa ngõ châu Âu" này ở lại EU là cần thiết.

Mặc dù còn tồn tại bất đồng trong việc tạo một lực đẩy cho nền kinh tế toàn cầu, tại chặng dừng chân ở Đức, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel và ông Abe đã nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, đặc biệt trong các chủ đề quan tâm của nhóm G7. Hai thành viên có nhiều ảnh hưởng trong G7 nhất trí cùng hướng tới 3 trụ cột gồm đầu tư, cải cách cấu trúc và chính sách tiền tệ.

Mặc dù không phải là chuyến thăm chính thức, song chặng dừng chân cuối cùng của ông Abe tại Nga trong hành trình công du châu Âu lại được dư luận đặc biệt quan tâm do mối quan hệ Nga - Nhật trong suốt hơn 70 năm qua chưa khi nào êm ả bởi những bất đồng dai dẳng liên quan tới chủ quyền lãnh thổ. Tranh cãi giữa hai nước liên quan tới quần đảo do Nga kiểm soát từ tháng 8/1945 và gọi là Nam Kuril, song Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc ở ngoài khơi quần đảo Hokkaido, đã ngăn cản Tokyo và Moskva ký hiệp ước hòa bình sau chiến tranh. Tuy nhiên, trên thực tế, từ năm 2013, Thủ tướng Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận được đối với cả hai nước về tranh chấp này.

Với chuyến công du ngày 6/5, Thủ tướng Abe đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên thuộc nhóm G7 tới Nga, phá vỡ thế "cô lập quốc tế" mà giới chức phương Tây và Mỹ dựng lên quanh Moskva sau sự kiện Crimea sáp nhập vào nước này hai năm trước. Điểm đáng chú ý là ngay từ đầu năm khi đảm nhận chức Chủ tịch G7, Thủ tướng Abe đã kêu gọi đưa Nga trở lại nhóm G8 khi cho rằng G7 "cần sự can dự mang tính xây dựng của Nga" để đối phó với các cuộc khủng hoảng quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông. Ông nhấn mạnh việc tiến hành "đối thoại thỏa đáng" với Moskva cũng như với Tổng thống Nga Vladimir Putin là rất quan trọng.

Tổng thống Vladimir Putin (phải) hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe ngày 6/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù vấn đề tranh chấp lãnh thổ và quan hệ với Mỹ chưa giải quyết được, song chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nhật Bản cho thấy quan hệ giữa hai nước đã có những tín hiệu nồng ấm. Sau cuộc gặp kín với Tổng thống Nga Putin ở Sochi, ông Abe đã bày tỏ lạc quan về khả năng hai nước có thể giải quyết vấn đề quần đảo tranh chấp. Kết quả này đã được cụ thể hóa với việc Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yosihide Suga ngày 9/5 thông báo hai nước sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về vấn đề tranh chấp lãnh thổ vào tháng 6 tới.

Kể từ khi lên nắm quyền, một trong những mục tiêu chính của Thủ tướng Abe là đưa Nhật Bản trở lại vị trí một quốc gia có vai trò ảnh hưởng toàn cầu và năm 2016 là năm Nhật Bản khẳng định vị thế trên trường quốc tế, thực thi các mục tiêu trên cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại, tạo đà cho một tương lai phát triển của đất nước. Nhật Bản đã điều chỉnh mạnh mẽ chính sách đối ngoại để có thể trở thành một quốc gia ngày càng năng động và tích cực hơn. Ch uyến thăm châu Âu của ông Abe chính là một trong những bước đi để hiện thực hóa mục tiêu đó.

Phương Hoa (TTXVN)
Ông Shinzo Abe đã phá vỡ thế "bị cô lập" của Nga
Ông Shinzo Abe đã phá vỡ thế "bị cô lập" của Nga

Nhật Bản là một đất nước không có bạn bè gần gũi trong khu vực, bởi vậy mối quan hệ tốt đẹp với Nga đóng vai trò đặc biệt quan trọng và Tokyo không thể mãi bỏ qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN