Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những gì diễn ra trong năm cũng phản ánh những ưu tiên lớn nhất của Tổng thống Macron nhằm thực hiện những cam kết tranh cử, đó là lấy lại lòng tin của người dân, vượt qua chia rẽ trong xã hội và xây dựng một nước Pháp hùng mạnh.
"Sứ mệnh" hàn gắn chia rẽ trong xã hội Pháp ngay từ đầu đã được xem là thách thức lớn nhất của vị Tổng thống chưa có nhiều kinh nghiệm, không đại diện cho những chính đảng truyền thống, mặc dù đảng "Nước Pháp tiến lên" của ông Macron với quan điểm đại diện cho tất cả người dân và tất cả các đảng phái chính trị đã mau chóng nhận được sự ủng hộ rộng rãi và chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện tháng 6 vừa qua. Nước Pháp từ nhiều năm nay vẫn luôn bị chia rẽ bởi những vấn đề tác động mạnh đến kinh tế - xã hội, xuất phát từ sự đối kháng truyền thống giữa cánh tả và cánh hữu cùng sự bất đồng về chính trị, xã hội và văn hoá nảy sinh giữa những người ủng hộ một "xã hội mở" với những người chỉ muốn một "xã hội khép chặt" theo chủ nghĩa dân tộc. Bên cạnh đó, xã hội Pháp đang xuất hiện ngày càng nhiều những "hố sâu ngăn cách" bởi sự khác biệt và bất bình đẳng giữa những nhóm công dân, từ người giàu-người nghèo tới người bản xứ-người nhập cư…
Thắng lợi của Tổng thống Macron và đảng của ông không giúp cho xã hội Pháp ngừng bị chia rẽ, nhất khi sau khi Tổng thống ký ban hành đạo luật cải cách lao động ngày 22/9, cho phép các chủ doanh nghiệp linh hoạt hơn khi đàm phán lương và điều kiện làm việc với người lao động, cũng như thuận lợi hơn khi sa thải nhân công. Đây là một trong những kế hoạch cải tổ sâu rộng mà Tổng thống Macron theo đuổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảo chiều xu thế thất nghiệp gia tăng, hiện ở mức khoảng 10%, gấp đôi so với các nền kinh tế hàng đầu châu Âu khác như Anh và Đức. Những biện pháp này được cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác của Pháp tích cực hoan nghênh. Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định những chính sách tăng cường tính linh hoạt của lực lượng lao động mà Tổng thống Pháp đưa ra là chìa khóa thúc đẩy một nền kinh tế cạnh tranh.
Ngược lại, đạo luật này vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động, vốn cho rằng luật mới quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động, khiến họ luôn sống trong tình trạng bấp bênh. Hàng loạt cuộc biểu tình và đình công của người lao động ở Pháp đã được tổ chức tại hầu hết các thành phố lớn, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Hậu quả là các hãng hàng không phải hủy hàng trăm chuyến bay, hoạt động giảng dạy tại nhiều trường học bị gián đoạn, thậm chí có những cuộc biểu tình biến thành bạo lực, tạo nguy cơ gây bất ổn xã hội.
Sự chia rẽ thậm chí còn thể hiện ngay cả đối với những kế hoạch được Tổng thống Macron xác định là "vì người dân", như "Kế hoạch huy động toàn xã hội" nhằm cải thiện dịch vụ cơ bản, bao gồm y tế, giáo dục và nhà ở, bên cạnh việc khuyến khích tuyển dụng lực lượng lao động chuyên môn thấp tại các địa phương nghèo và khó khăn. Thông qua kế hoạch này, nhà lãnh đạo Pháp mong muốn mọi người dân đều được tiếp cận những dịch vụ xã hội có chất lượng giống nhau. Tuy vậy, việc thực hiện kế hoạch này thậm chí bị nhiều lãnh đạo địa phương nghi ngờ khi mà Tổng thống đang có ý định cắt giảm tiền trợ giúp thuê nhà trong các khu nhà ở xã hội, cũng như giảm số người hưởng hợp đồng lao động tạm thời vốn từ trước đến nay được Nhà nước trợ cấp tài chính.
Có thể thấy loạt kế hoạch cải cách đầy tham vọng của Tổng thống Macron từ lao động, thuế tới cắt giảm ngân sách đều hướng tới mục tiêu "hồi sinh" nền kinh tế ì ạch nhiều năm của Pháp, song nó động chạm tới quá nhiều vấn đề nhạy cảm và có thể gây xáo trộn xã hội. Dung hòa được những mâu thuẫn nảy sinh trong vấn đề này sẽ là "bài toán" mà Tổng thống Pháp phải tìm được lời giải nếu muốn thúc đẩy thành công những cải cách của mình trong năm 2018.
Bên cạnh những chia rẽ chưa thể hóa giải, nước Pháp năm 2017 vẫn thể hiện sức mạnh đoàn kết trên nhiều phương diện, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố, trong bối cảnh "bóng ma" khủng bố gây chấn động nước Pháp từ năm 2015 vẫn tiếp tục hiện hữu sau các cuộc tấn công của những phần tử cực đoan nhằm vào lực lượng an ninh tại trung tâm thương mại Carrousel du Louvre, đại lộ Champs-Elyséevà sân bay quốc tế Orly hồi đầu năm. Dư luận đồng tình với việc Tổng thống Macron ngày 30/10 ký ban hành đạo luật chống khủng bố mới nhằm thay thế tình trạng khẩn cấp đã kéo dài 2 năm, sau 6 lần gia hạn. Tin tưởng khả năng "đảm bảo hoàn toàn an ninh của công dân" theo luật mới, người dân Pháp gạt bỏ những e ngại đụng chạm đến quyền tự do cá nhân khi luật trao nhiều quyền lực dài hạn cho các nhà chức trách như lục soát nơi ở, đóng cửa các địa điểm tôn giáo và hạn chế đi lại đối với những người bị tình nghi là phần tử cực đoan...
Một động thái khác thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân và chính quyền Pháp, đó là những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, "cuộc chiến quan trọng nhất thời hiện đại" như Tổng thống Macron đã khẳng định. Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh "Một hành tinh" do Pháp tổ chức ngày 12/12 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới, hàng loạt các biện pháp cụ thể đã được Pháp đưa ra nhằm hiện thực hóa Hiệp định Paris 2015. Trước tiên là cam kết hỗ trợ 1,5 tỷ euro mỗi năm kể từ 2020 cho các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. Pháp cũng đầu tư 30 triệu euro cho chương trình "Make our planet great again" (Làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại).
Trên bình diện quốc tế, uy tín của nước Pháp không ngừng tăng lên. Cùng với Đức, Pháp là một trụ cột của Liên minh châu Âu (EU). Việc ông Emmanuel Macron - người ủng hộ EU một cách tích cực, chủ trương phải mở cửa - thắng cử trước đối thủ Marine Le Pen - người theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, luôn muốn Pháp rút ra khỏi EU - đã cho thấy một nước Pháp đoàn kết trong vấn đề trọng đại: sự tồn tại của EU. Ngay sau lễ nhậm chức, Macron đã khẳng định vị trí của nước Pháp là ở trong EU để bảo vệ những giá trị của mình trên thế giới, đồng thời đề xuất kế hoạch cải cách EU đầy tham vọng và táo bạo được thực hiện trong 10 năm tới. Những bước đi này cũng Pháp cho thấy Paris đang khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu lãnh đạo của EU.
Đặc biệt, vai trò tích cực của nước Pháp trong các vấn đề quốc tế đã được thể hiện rõ chỉ trong hơn 6 tháng kể từ khi ông Macron nhậm chức. Chuyến công du của Tổng thống Macron tới Qatar và các nước Trung Đông-Bắc Phi hồi tháng 6 ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh bùng nổ, hay chuyến thăm bất ngờ tới Saudi Arabia hồi tháng 11 vừa qua trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Saudi Arabia với Iran, nhà lãnh đạo Pháp thực sự đã tạo "dấu ấn" như một nhà trung gian hòa giải luôn xuất hiện đúng lúc. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya được tháo ngòi có phần đóng góp quan trọng của Pháp... Cách tiếp cận cân bằng của ông Macron trong các vấn đề gay góc như hồ sơ hạt nhân Iran, cuộc xung đột Syria hay tranh cãi xung quanh vấn đề Jerusalem, trong đó luôn đề cao các giải pháp đối thoại, hòa bình để giải quyết căng thẳng, đang khiến uy tín và vị thế của nước Pháp tăng mạnh. Vai trò kết nối và dẫn dắt của Tổng thống Macron trong các mối quan hệ quốc tế cũng bộc lộ rõ sau các cuộc tiếp xúc cấp cao hiệu quả giữa ông với các nguyên thủ lớn trên thế giới, từ Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Tổng thống Nga Vladimir Putin…
Rõ ràng trong năm 2017, trên trường quốc tế, nước Pháp đang dần lấy lại hình ảnh là một cường quốc, một ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ có tầm ảnh hưởng lớn, có tiếng nói quan trọng và quyết định. Đây có thể xem là động lực đối với Tổng thống Macron trong tiến hành hiện thực hóa những cải cách quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu đưa nước Pháp hùng mạnh trở lại.