Bốn thách thức đối ngoại lớn của Mỹ hậu bầu cử 2012

Mạng tin “PolicyMic” (Mỹ) ngày 27/8 nhận định, sau các cuộc bầu cử tháng 11/2012, tân chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt với 4 thách thức đối ngoại lớn, gồm: quan hệ Mỹ - Trung; chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; vấn đề hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên; thâm hụt ngân sách liên bang.


Quan hệ với Trung Quốc: Trung Quốc ngày càng trở thành trọng tâm chính của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại trong chính quyền mới. Từ chính sách quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền Barack Obama bắt đầu triển khai năm 2011 đến những lo ngại về các công ty liên quan đến chính phủ Trung Quốc như công ty Huawei, đến các hoạt động gián điệp mạng, mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ vẫn là mối quan hệ song phương nhạy cảm và quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Do bản chất kinh tế và quân sự của mối quan hệ, chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục là thách thức nổi lên buộc chính quyền tiếp theo ở Mỹ phải quan tâm, đặc biệt khi tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Nhật Bản (Trung Quốc gọi là biển Hoa Đông) cũng như căng thẳng về các nguồn dầu khí trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á tiếp tục gia tăng.


Chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia: Chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục là một trọng điểm của Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo Mỹ. Nhờ các phát triển mới về công nghệ và các kinh nghiệm chống khủng bố trong nhiều năm qua, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ có thể hoạt động tốt hơn trong việc xác định, theo dõi và phá vỡ các mạng lưới khủng bố. Bên cạnh đó, Mỹ cũng phá hủy nhiều tập đoàn ma túy quốc tế, xác định và bắt giữ các tổ chức buôn bán người trái phép và các loại tội phạm khác. Nhưng mối đe dọa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia vẫn đang tồn tại và là thách thức không bao giờ biến mất hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa khủng bố chắc chắn vẫn chiếm một vị trí quan trọng so với các mối quan tâm khác trong chính quyền Mỹ. Nói cách khác, vấn đề chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa phi nhà nước xuyên quốc gia sẽ tiếp tục là một ưu tiên, nhưng không đứng đầu danh sách các ưu tiên của chính quyền mới.


Vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên: Iran và Triều Tiên vẫn là những con bài quốc tế của Mỹ. Ngăn chặn Iran tiếp tục chương trình hạt nhân và duy trì sự ổn định khu vực sẽ tiếp tục là một trong những thách thức cấp bách và quan trọng nhất của tân tổng thống Mỹ. Mặc dù Iran có thể phát triển thành công một vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ không thể làm gì nhiều trước ý đồ và hành động đó của Têhêran. Quản lý Iran cũng có nghĩa quản lý các mối quan hệ với Ixraen và các chính quyền khu vực khác như Arập Xêút - nước lâu nay vẫn không muốn Iran sản xuất được một vũ khí hạt nhân. Liệu Ixraen có phát động một cuộc tấn công đánh đòn phủ đầu hoặc tình hình sẽ leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự, Mỹ sẽ nhận thấy bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông. Trong khi đó, Triều Tiên vẫn là nước thay đổi liên tục. Do đó, duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên sẽ là thách thức quan trọng trong giai đoạn sắp tới của Mỹ.


Thâm hụt ngân sách: Năm 2011, Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân lúc đó là Đô đốc Michael Mullen tuyên bố các khoản nợ sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Để tiếp tục chi hơn 500 tỷ USD cho quân đội Mỹ và bảo đảm an ninh chung trên toàn cầu như Mỹ đã thực hiện hơn 50 năm qua, chắc chắn Oasinhtơn phải cắt giảm thâm hụt ngân sách và ổn định tài chính. Ngoài những ảnh hưởng tới sức mạnh quốc phòng của Mỹ, thâm hụt ngân sách còn làm lu mờ hình ảnh của Mỹ là một quốc gia lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm, đặc biệt về kinh tế, từ đó có thể làm thất bại các mục tiêu chính sách đối ngoại của chính quyền tiếp theo. Tất nhiên, thâm hụt ngân sách sẽ có những ảnh hưởng rõ ràng ở trong nước.


Tóm lại, những vấn đề trên không những là thách thức mà còn là mối quan tâm chính sách đối ngoại cấp bách nhất mà tân chính quyền Mỹ sẽ phải đối đầu trong tương lai. Một cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại Mỹ hoặc một cuộc tấn công quân sự chống lại Iran của Ixraen chắc chắn sẽ làm thay đổi các ưu tiên của chính quyền sắp tới, nhưng về lâu dài quản lý thâm hụt ngân sách và mối quan hệ với Trung Quốc tiếp tục là những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của chính quyền mới.


Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN