3 bước để tiến đến Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần hai thành công

"Đến với Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần tới, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ cần mang về 'một chiến thắng nhỏ' để duy trì động lực phi hạt nhân hóa. Bất cứ điều gì quá sức đối với cả hai bên đều có thể làm lung lay nền tảng của tiến trình đàm phán".

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump đi dạo cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AFP

Sau 90 phút gặp gỡ tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng hôm 18/1 giữa Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol và Tổng thống Donald Trump, sau đó là bữa trưa với Ngoại trưởng Mike Pompeo, Washington và Bình Nhưỡng đã chính thức thông báo ý định tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai.

Trong vòng một tháng tới, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ chụp ảnh chung tại quốc gia chủ nhà hội nghị, hay cùng đi dạo trong vườn trước các ống kính camera. Nhưng liệu cuộc gặp này có mang lại những kết quả tích cực hơn cuộc gặp lần trước hay không thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, với chính sách ngoại giao tích cực mở ra cơ hội hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên kéo dài 69 năm qua, lúc này đang kỳ vọng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đạt được một thỏa thuận thiết thực hơn so với thỏa thuận đạt được hồi tháng 6/2018 tại Singapore.

Việc thiếu các cam kết cụ thể tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất đã dập tắt những kỳ vọng về kết quả đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2. Bất chấp việc Tổng thống Trump nhiều lần trấn an người dân Mỹ rằng các cuộc đàm phán với Triều Tiên đang diễn ra rất tốt đẹp, sự hoài nghi vẫn đang ám ảnh giới chính trị gia ở Washington.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun (phải) cùng với Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái) trong cuộc gặp tại Washington hôm 18/1. Ảnh: AFP

Tờ National Interest đã đề xuất ba bước đi nhằm giảm thiểu nguy cơ thất bại và tăng cường cơ hội thành công cho hội nghị lần này mà chính quyền Tổng thống Donald Trump nên xem xét, bao gồm:

1. Gắn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều với một tiến trình cụ thể

Một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất suốt thời gian qua kể từ khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử tại Singapore là việc thiếu tiến trình đàm phán thực tiễn ở cấp chuyên viên.

Đến nay, các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng phần lớn chỉ được thúc đẩy ở cấp lãnh đạo. Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un chính là những người đã duy trì sức sống cho toàn bộ tiến trình đàm phán. Động lực ngoại giao kết hợp với năng lực và thiện chí của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã "giữ lửa" cho các cuộc đàm phán.

Tuy vậy, nhìn vào thực tế, những cuộc đàm phán cấp dưới của Ngoại trưởng Mike Pompeo diễn ra rất ít. Phải mất tới 5 tháng kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần 1, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun mới có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Triều Tiên là Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui, tại Stockholm, Thụy Điển.

Van Jackson, giảng viên tại trường Đại học Wellington ở New Zealand, đồng thời là tác giả cuốn “Trên bờ vực” bình luận trên trang cá nhân Twitter rằng: “Tôi yêu thích nghiên cứu về vấn đề ngoại giao từ rất lâu rồi. Nhưng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều không phải là điều tôi thích. Tại sao như vậy? Bởi vì nó không kết nối với tiến trình cụ thể hoặc với những cá nhân hiểu rõ mọi thứ về công việc giám sát, xác minh và giải giáp vũ khí hạt nhân”.

Bài học rút ra ở đây là nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 được gắn với một tiến trình chính thức mà ở đó các nhà đàm phán của cả hai bên được lãnh đạo trao quyền để thảo luận chuyên sâu về các chi tiết cụ thể liên quan đến việc giải trừ hạt nhân và thẩm định, thì chắc chắn hội nghị này sẽ không đi vào vết xe đổ của hội nghị lần thứ nhất.

2. Hai bên cần linh hoạt hơn

Ngoại giao thành công là nghệ thuật biến những thứ không thể thành có thể. Hai bên ngồi xuống bàn đàm phán và cố gắng đi đến một thỏa thuận có thể chấp nhận được, trong đó đáp ứng được những yêu cầu cốt lõi của mỗi bên.

Hiện tại, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Nhà Trắng đang yêu cầu Triều Tiên phải thực hiện các biện pháp giải trừ vũ khí hạt nhân một cách toàn diện và minh bạch, trước khi đưa ra bất cứ sự nhượng bộ nào về kinh tế hoặc ngoại giao. Nói cách khác chỉ khi Triều Tiên thực hiện lộ trình phi hạt nhân hóa một cách “không thể đảo ngược”, nước này mới được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Về bản chất, Mỹ đang thực hiện cách tiếp cận cứng rắn kiểu "American First" (Nước Mỹ trên hết) đối với toàn bộ quá trình đàm phán về vấn đề hạt nhân, đó là: “Làm theo những gì tôi muốn và sau đó có thể tôi sẽ nhượng bộ anh”.

Chú thích ảnh
Washington và Bình Nhưỡng cần trao thêm quyền lực cho các nhà ngoại giao cấp chuyên viên, mang trọng trách vạch ra những kế hoạch chi tiết.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc chắn sẽ không hứng thú với cách tiếp cận này. Thực ra, nếu Triều Tiên áp dụng chiến lược đàm phán tương tự như chiến lược mà Mỹ đang theo đuổi, Nhà Trắng hẳn sẽ cho rằng động thái của Triều Tiên là phi lý. Trước kia, khi còn là ông trùm bất động sản, Tổng thống Trump chắc không bao giờ '"cho không" bất cứ thứ gì trong các thương vụ kinh doanh hoặc đàm phán thỏa thuận, vì thế không có lý gì ông lại trông đợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ nhượng bộ hoàn toàn, đặc biệt là về kho vũ khí hạt nhân – chiến lược răn đe mà Bình Nhưỡng đã theo đuổi hơn 3 thập kỷ.

Theo National Interest, nếu Mỹ từ chối chấp nhận cơ chế thực hiện từng bước các biện pháp phi hạt nhân hóa thì Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 sắp tới chắc chắn sẽ không mang lại kết quả.

3. Đừng đòi hỏi ngay một thỏa thuận lớn

Tổng thống Trump rất yêu thích sự kịch tính. Sẽ không điều gì có thể khiến ông hài lòng hơn việc ngồi xuống đàm phán cùng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố rằng Triều Tiên đã nhất trí phá hủy đến đầu đạn hạt nhân cuối cùng trong kho vũ khí của mình và mở cửa các cơ sở hạt nhân để các thanh sát viên quốc tế đến thẩm tra, giám sát. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận là kịch bản này khó có khả năng xảy ra.

Nếu Tổng thống Trump yêu cầu quá nhiều, quá nhanh hoặc cố gắng nhưng thất bại để đi đến một thỏa thuận lớn với Triều Tiên, ông sẽ cảm thấy bẽ mặt và tức giận.

Tiến trình đàm phán với Triều Tiên luôn mất nhiều thời gian và hàm chứa những rủi ro giống như một ca phẫu thuật mở tim. Do vậy, thay vì phá vỡ thỏa thuận đã đạt được, Tổng thống Trump nên hối thúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa thêm nhiều cam kết cụ thể vào khung thỏa thuận đã đạt được ngày 12/6/2018 tại Singapore. Bình Nhưỡng hàm ý chính xác là gì khi nói đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên? Mỹ cam kết cụ thể gì khi nói về nới lỏng trừng phạt? Một cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ như thế nào? Washington và Bình Nhưỡng có thể trao đổi gì trong ngắn hạn để duy trì các cuộc đàm phán?

Theo ông Devin Stewart, chuyên gia về châu Á tại Hội đồng Carnegie, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên cần phải bắt đầu bằng những bước tiến nhỏ. “Đối với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần tới, ông Trump và ông Kim chỉ cần mang về 'một chiến thắng' nhỏ cho các khán giả trong nước để duy trì động lực phi hạt nhân hóa”, ông Stewart nói và cho rằng, bất cứ điều gì quá sức đối với cả hai bên đều có thể làm lung lay nền tảng của tiến trình đàm phán.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Phát hiện căn cứ tên lửa của Triều Tiên có ảnh hưởng tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều?
Phát hiện căn cứ tên lửa của Triều Tiên có ảnh hưởng tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều?

Giới chuyên gia cho rằng việc phát hiện căn cứ tên lửa Sino-ri, nằm cách Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên khoảng 212 km về phía Bắc mà Bình Nhưỡng không công khai trước đó, khó có khả năng cản trở cuộc thương lượng đang diễn ra giữa Mỹ và quốc gia Đông Bắc Á này về kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN