Tạo chuỗi liên kết đối với cây cao su

Sau khi đăng loạt bài “Chặt phá cao su vì ế ẩm”, báo Tin Tức đã nhận được một số ý kiến xung quanh việc quy hoạch; phát triển công nghiệp chế biến; tạo chuỗi liên kết trong việc trồng, chế biến cao su nhằm mục đích nâng cao giá trị kinh tế đối với loại nông sản này.

 

Ông Trương Văn Vở, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Gắn chặt sản xuất với chế biến

 


Theo tôi, ngành nông nghiệp cần kiểm tra lại việc chặt phá cây cao su ở vùng có lợi thế phát triển cây cao su hoặc ở vùng phát triển không theo quy hoạch.


Yếu tố thị trường cũng tác động đến việc người dân phá bỏ cây cao su. Đứng về mặt điều hành vĩ mô, các bộ ngành cần tham mưu cho Chính phủ để xử lý vấn đề thị trường. Theo tôi, điều quan trọng là cần đầu tư vào khâu chế biến cao su, tức là phải tạo chuỗi liên kết đối với sản phẩm này.

 
Hiện nay, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đề cập đến việc thực hiện chuỗi kết không chỉ đối với cây cao su mà cả với những cây nông lâm sản khác. Cái gốc của vấn đề thị trường, theo tôi không nên nhìn cả vào thị trường Trung Quốc, vì đây chỉ là một phần thôi. Vấn đề quan trọng nhất là sự điều hành, xúc tiến thương mại, tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cao su.


Đối với vùng có lợi thế phát triển được cây cao su, Chính phủ và các địa phương cần có cơ chế, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Còn ở những vùng đang chặt phá thì cần nhìn nhận ở hai yếu tố: Một là khi thấy thị trường không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa thì chặt bỏ. Hai là do diện tích trồng cao su, vượt quá diện tích quy hoạch thì cũng cần phải điều chỉnh.

 

Ông Nguyễn Văn Phúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: Miền Trung có nên trồng cao su?

 


Hiện nay, nghiên cứu của các cơ quan chức năng cho thấy, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chưa có tác động nào lớn tới thị trường giao thương của hai nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chuẩn bị các phương án ứng phó. Người kinh doanh thường bị tác động bởi yếu tố tâm lý. Trong bối cảnh chung như vậy, ta nên xem xét cụ thể từng hợp đồng bên Trung Quốc có dừng lại các hợp đồng đã ký hay không.


Tôi có lên thăm một số nơi có rừng trồng cao su ở Tây Bắc. Các địa phương này đặt ra mục tiêu trồng cây cao su để xóa đói giảm nghèo. Tập đoàn cao su cũng chứng minh Tây Bắc có thể phát triển cây cao su. Tuy nhiên, các nhà khoa học còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, phải nhìn nhận, đánh giá thực tế cây cao su phát triển thế nào? Tại khu vực miền Trung, khi triển khai trồng cao su, các địa phương chưa tính đến yếu tố thời tiết. Vậy nên, khi gặp bão thì cao su gãy đổ, gây thiệt hại cho bà con. Nguyên nhân do cây cao su giòn, dễ gãy…


Do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tính toán để trả lời câu hỏi miền Trung có nên trồng cây cao su không? Nếu trồng thì trồng thế nào để hạn chế thiệt hại? Rồi nghiên cứu xem Tây Bắc trồng có hiệu quả không? Đó là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các nhà khoa học cũng cần vào cuộc để có câu trả lời cho người dân.

 

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT):Đầu tư cho khâu chế biến

 


 

Trước đây, sản phẩm mủ cao su thiên nhiên là nguyên liệu chế biến chính của ngành sản xuất lốp ô tô. Tuy nhiên, gần đây, mủ cao su thiên nhiên đang phải cạnh tranh gay gắt với cao su tổng hợp. Loại sản phẩm này có ưu thế hơn hẳn cao su thiên nhiên về mặt giá thành nên dần chiếm ưu thế trên thị trường. Bên cạnh đó, việc kinh tế thế giới phục hồi yếu ớt cũng khiến cho nhu cầu sử dụng cao su không cao như trước. Nhu cầu của thị trường nhập khẩu tác động rất lớn, cụ thể là tỉ lệ thuận với giá mủ cao su trong nước cũng như giá xuất khẩu.


Trong khi đó, sản phẩm mủ cao su của ta chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Hiện mới chỉ có 18% lượng mủ cao su được đưa vào chế biến ở trong nước. Theo tôi, nếu đưa con số này lên 25% thì chúng ta sẽ bớt phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Do vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su cần phải đầu tư mạnh hơn nữa cho khâu chế biến.

 


Viết Tôn - Huyền Tím (ghi)

Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài cuối:
Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài cuối:

Để làm rõ hơn về vấn đề người dân chặt cao su, cũng như việc tồn đọng sản phẩm của doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su hiện nay, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Minh Châu (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN