Đồng Nai đề nghị hạn chế đưa thông tin sai lệch về dự án lấn sông

Ngày 18/9/2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Báo cáo về thông tin phản ánh liên quan dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.


Để bạn đọc hiểu vụ việc một cách có hệ thống, báo Tin Tức đăng những vấn đề chính trong nội dung báo cáo này:

Việc bảo vệ bờ sông và cải tạo, phát triển cảnh quan ven sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo và nghiên cứu thực hiện từ Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1993.

Ngày 29/10/1998, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản 4222/UBT về việc lập dự án chống xói lở, ổn định bờ sông Đồng Nai, khu vực thành phố Biên Hòa báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư. Ngày 13/11/1998, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Văn bản 2926/BKHCNMT-XHTN thống nhất sự cần thiết lập dự án chống xói lở, ổn định bờ sông Đồng Nai.

Căn cứ ý kiến thống nhất của bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo lập dự án đầu tư chống sạt lở, ổn định hai bên bờ sông Đồng Nai khu vực thành phố Biên Hòa (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam lập, được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định 1194/QDD-UBT ngày 25/3/2005), trong đó đánh giá hai đường bờ sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh bị sạt lở và đề xuất các giải pháp xây dựng các công trình chỉnh trị sông, kè bảo vệ bờ sông.

Để có cơ sở triển khai các phương án chỉnh trị sông Đồng Nai, tháng 1/2008 UBND tỉnh đã chấp thuận cho nghiên cứu đánh giá tác động dòng chảy sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh thuộc thành phố Biên Hòa; dự án do Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam thực hiện, Viện Thủy lợi và Môi trường – Trường đại học Thủy lợi thẩm tra (đây là 2 cơ quan chuyền sâu về nghiên cứu tác động dòng chảy). Mục tiêu của dự án là nghiên cứu tác động dòng chảy khi xây dựng công trình kè xa bờ, đảm bảo ổn định tổng thể toàn tuyến sông Đồng Nai khu vực thành phố Biên Hòa và vùng lân cận, không làm thay đổi đáng kể tình hình dòng chảy, tránh gây tình trạng xói lở ở khu vực lân cận, tạo cảnh quan môi trường cho trung tâm thành phố Biên Hòa.

Kết quả nghiên cứu và thẩm tra của 2 đơn vị đều thống nhất kết luận:

“Việc xây dựng các công trình lấn sông ở khu vực từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh theo các phương án sông 50m, 75m, 100m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không làm ảnh hưởng xâu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận”.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo cập nhật dự án và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất các cấp; chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực dự án, lập dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến cộng đồng, thẩm định, phê duyệt; ngày 15/01/2015, dự án chính thức triển khai thực hiện.

Việc tổ chức triển khai thực hiện dự án trên tuân thủ đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định; là một trong số các dự án trọng điểm, cấp bách đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận, quyết định của HĐND tỉnh xác định là nhiệm vụ mực tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015, được UBND tỉnh phê duyệt trong danh mục 16 dự án quan trọng tiêu biểu có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội và cảnh quan kiến trức đô thị; với mục tiêu cải tạo cảnh quan ven sông, bảo vệ bờ sông, bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích, phát triển thương mại, dịch vụ, là nơi để người dân vui chơi, tận hưởng những khoảng không gian trong lành, thoáng đãng, tạo điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa; đồng thời việc xã hội hóa sẽ tiết kiệm ngân sách, hạn chế di dời.

Tuy nhiên, từ ngày 17/03/2015, với tiêu đề “Lấp sông Đồng Nai làm dự án”, Báo Thanh Niên liên tục đăng tải các bài viết liên quan đến dự án với nội dung phản ánh không chính xác về mục tiêu, các vấn đề pháp lý và khoa học của dự án. Những nội dung do các bài báo phản ánh không chính xác, gây xôn xao dư luận, tạo tâm lý lo lắng, hoang mang, làm cho nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh hiểu sai lệch về các mục tiêu, ý nghĩa thiết thực của dự án.

Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, cũng như nhận thấy cần có thời gian để các nhà khoa học đóng góp ý kiến, phản biện một cách khách quan và công tâm, ngày 28/04/2015 UBND tỉnh đã cho dừng dự án để rà soát các nội dung có liên quan.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường đã chủ trì phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải làm việc với UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Căn cứ kết quả làm việc, khảo sát thực tế và ý kiến giải trình của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 2159/BTNMT-TNN ngày 29/5/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong đó Báo cáo đã nhấn mạnh:

-    Dự án chỉnh trang, tạo điểm nhất cho thành phố Biên Hòa, xã hội hóa, tiết kiệm ngân sách, hạn chế di dời, bảo tồn di tích, đã có sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

-    Dự án đã tuân thủ quy định pháp luật đất đai, xây dựng, giao thông thủy, đánh giá tác động môi trường và trước đó đã đánh giá tác động dòng chảy. Tuy nhiên trong báo cáo cũng nêu hạn chế là việc đánh giá dòng chảy chưa đủ cơ sở khoa học tin cậy.

Sau khi xem xét nội dung báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 17/6/2015 Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4520/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai; trong đó Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho Bộ tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ ngành có liên quan của Trung ương và UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương rà soát, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đề xuất cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND tỉnh Đồng Nai, trên cơ sở ý kiến các Bộ ngành, quyết định xử lý các vấn đề liên quan đến dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 30/8/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định gồm 19 thành viên. Tại cuộc họp ngày 08/9/2015, Hội đồng đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín để đánh giá chi tiết nhằm xác định có hay không tác động đối với dòng chảy sông Đồng Nai khi thực hiện dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng, UBND tỉnh Đồng Nai đang xúc tiến mời các đơn vị nghiên cứu khoa học có chuyên môn sâu về lĩnh vực này để thực hiện đánh giá chi tiết về tác động của dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai đối với dòng chảy sông Đồng Nai theo yêu cầu của hội đồng thẩm định.

Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương đã và đang tiến hành thẩm tra nhằm đi đến kết luận những vấn đề dư luận báo chí và xã hội quan tâm, thì nhiều tờ báo tiếp tục đẩy mạnh vấn đề đi xa hơn với mức độ rất nghiêm trọng, đặt nghi vấn theo hướng quy buộc Chủ đầu tư đã sử dụng đất đá bị nhiễm dioxin khai thác từ khu vực sân bay Biên Hòa để san lấp sông Đồng Nai. Ngay sau khi có thông tin trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo xác minh; qua đó khẳng định các nội dung báo chí nêu là không có cơ sở.

Liên quan nội dung này, Bộ Quốc phòng cũng đã thành lập Đoàn Thanh tra vào làm việc với các bên liên quan; kết luận thông tin báo chí đưa tin có đơn vị quân đội vận chuyển đất, đá bị nhiễm dioxin tại sân bay Biên hòa ra ngoài khu vực sân bay là không có cơ sở.

Thâm chí, những ngày gần đây, với diễn biến thời tiết thất thường, mưa kéo dài trên diện rộng, hạ tầng thoát nước chưa được đáp ứng dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ ở một số khu vực… được các cơ quan chức năng phân tích rất rõ nguyên nhân. Song, với một số tờ báo đưa tin theo hướng dẫn dắt, quy kết là do dự án ven sông Đồng Nai tiếp tục tạo nên một làn sóng chỉ trích chủ đầu tư và các cơ quan nhà nước tỉnh Đồng Nai rất lớn.

Từ những thông tin trên, nhằm giữ vững an ninh chính trị xã hội trong bối cảnh các địa phương và câ nước hướng về đại hội Đảng các cấp, UBND tỉnh kính báo và đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến chỉ đạo, định hướng thông tin đối với báo chí, hạn chế đưa những thông tin sai lệch, chưa chính xác, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân đối với dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

PV
Đánh giá lại dự án lấn sông Đồng Nai
Đánh giá lại dự án lấn sông Đồng Nai

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa đủ tin cậy để triển khai dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN