Theo thông báo của Toyota, hãng sẽ nối lại hoạt động tại 25 dây chuyền sản xuất của 12 nhà máy từ sáng 30/8 và sẽ cho hoạt động trở lại hai nhà máy cuối cùng vào chiều cùng ngày.
Trước đó, phát ngôn viên của Toyota cho biết lỗi hệ thống khiến Toyota không thể đặt mua phụ tùng, để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Hiện nguyên nhân vụ việc đang được điều tra, nhưng hãng khẳng định không có khả năng là đây là một cuộc tấn công mạng.
Vẫn chưa rõ sản lượng ô tô không thể được sản xuất sẽ là bao nhiêu, nhưng hãng tin Reuters (Anh) ước lượng 14 nhà máy tại Nhật Bản chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của Toyota trên toàn cầu.
Hoạt động sản xuất tại Nhật Bản của Toyota đã phục hồi sau một loạt đợt cắt giảm sản lượng do thiếu hụt chất bán dẫn vào năm ngoái. Từ tháng 1 - 6/2023, hãng này công bố sản lượng lần đầu tiên trong hai năm đã tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Reuters ước tính sản lượng ô tô do Toyota sản xuất tại Nhật Bản đạt trung bình khoảng 13.500 xe mỗi ngày trong nửa đầu năm nay, chưa bao gồm các xe do nhà sản xuất Daihatsu và Hino lắp ráp.
Vào năm ngoái, dây chuyền sản xuất của Toyota tại quê hương cũng từng bị tạm dừng trong một ngày, khi một nhà cung cấp bị tấn công mạng, gây cản trở hệ thống đặt hàng phụ tùng ô tô của Toyota. Công ty sau đó đã xử lý vấn đề bằng cách sử dụng mạng dự phòng để hoạt động.
Sự cố mới nhất của Toyota tại Nhật Bản cũng gây ra hiệu ứng dây chuyền cho các nhà máy khác trên toàn thế giới. Một công ty thuộc Tập đoàn Toyota Industries cho biết đã đình chỉ một phần hoạt động tại hai nhà máy sản xuất động cơ ô tô, do sự cố này.
Toyota là hãng tiên phong đưa ra chiến lược sản xuất tinh gọn nổi tiếng toàn cầu, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng khiến rủi ro sản xuất tăng lên, khi chuỗi cung ứng gặp vấn đề.
Cuối phiên giao dịch chiều nay (29/8) giá cổ phiếu của Toyota đã giảm 0,2%, xuống còn 2.431,5 yen (165,18 USD)/cổ phiếu.