Khảo sát thị trường những ngày gần đây cho thấy, nhiều mẫu xe tay ga vốn từng "cháy hàng" như Honda Vision, Honda Lead hay Yamaha Janus được một số đại lý bán ra với mức giá thấp hơn giá niêm yết của hãng từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng.
Cụ thể, Honda Vision, mẫu xe tay ga bán chạy nhất Việt Nam, hiện ghi nhận mức giảm nhẹ, phiên bản Cao cấp có giá niêm yết 32,98 triệu đồng, nay được bán ở mức 32,49 triệu đồng; phiên bản Thể thao giảm từ 36,61 triệu đồng xuống còn khoảng 36,29 triệu đồng. Tương tự, Honda Lead, mẫu xe dành cho người dùng nữ yêu thích cốp rộng, hiện giảm sâu hơn, phiên bản Đặc biệt (có ABS) từ 45,64 triệu còn 44,99 triệu đồng; phiên bản Tiêu chuẩn từ 39,58 triệu còn 38,99 triệu đồng.
Yamaha Janus, đối thủ trực tiếp của Vision trong phân khúc phổ thông có giá bán lẻ đề xuất từ 29,151 triệu đồng đang được hãng giảm giá bằng chương trình khuyến mãi hỗ trợ lệ phí đăng ký trị giá 2 triệu đồng hoặc mua xe trả góp với lãi suất 0% áp dụng cho các phiên bản.
Không chỉ xe tay ga, nhiều mẫu xe số quen thuộc cũng giảm giá mạnh. Đây là phân khúc vẫn chiếm thị phần lớn, đặc biệt ở các vùng nông thôn – nơi lệnh cấm xe xăng chưa được triển khai.
Honda Wave Alpha, dòng xe số quốc dân, có giá đề xuất khoảng 18,2 triệu đồng nhưng thực tế tại đại lý chỉ còn 17,5 – 17,7 triệu đồng, kèm quà tặng hoặc hỗ trợ chi phí đăng ký xe. Honda Future 125, dòng xe số cao cấp hơn, cũng đang giảm khoảng 500.000 đồng so với giá niêm yết.
Theo tiết lộ từ một đại lý Yamaha tại Hà Nội: “Trong bối cảnh hiện nay, đại lý chấp nhận giảm lãi, thậm chí bán hòa vốn để đẩy hàng xe xăng trong thời điểm nhạy cảm này. Sau tháng 7/2026, nếu không tiêu thụ được trong nội đô, chúng tôi cũng sẽ phải chuyển hướng phân phối về các tỉnh khác”.
Theo chia sẻ từ một số đại lý, lượng khách hàng tìm mua xe tăng trở lại trong những ngày gần đây chủ yếu là người có phạm vi hoạt động ngoài vành đai 1, muốn tranh thủ thời điểm giá tốt, trong khi các chính sách chuyển đổi phương tiện tại Hà Nội còn đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai.
Mua xe xăng để “dùng tạm”, rồi chuyển vùng
Sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, trong đó nêu rõ Hà Nội sẽ ngừng lưu hành xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ ngày 1/7/2026 trong Vành đai 1 và tiến tới mở rộng hơn, tâm lý người tiêu dùng cũng có những chuyển biến đáng kể.
Thay vì hoang mang, nhiều người tận dụng thời điểm này để mua xe xăng giá rẻ, đặc biệt là với dòng xe từng "đội giá" so với giá niêm yết của nhà sản xuất, dùng trong thời gian ngắn rồi chuyển về quê – nơi chưa bị ảnh hưởng bởi quy định cấm. Chị Nguyễn Thị Thắm (phường Vạn Phúc, Hà Nội) cho biết: “Xe xăng vẫn thuận tiện hơn xe điện, nhất là khi nhà tôi chưa có chỗ cắm sạc. Tôi mua tạm một chiếc Vision, đi khoảng vài năm rồi gửi về quê cho em gái dùng. Ở quê chưa có lệnh cấm nên vẫn chạy bình thường”.
Tương tự, anh Trịnh Văn Tuấn (phường Nhật Tân) chia sẻ: “Mình tính toán kỹ rồi. Nếu mua xe điện bây giờ thì giá cao, pin còn mới, chưa ổn định. Trong khi xe xăng đang rẻ, dễ sửa, dễ bán. Khi Hà Nội cấm thì tôi đưa xe về quê cho người nhà sử dụng hoặc tặng người thân – nơi vẫn dùng xe xăng được lâu hơn nữa”.
Ghi nhận từ các đại lý xe máy khu vực nội thành Hà Nội cho thấy, xu hướng “mua để chuyển vùng” đang chiếm tỷ trọng đáng kể, nhất là với khách hàng có hộ khẩu tỉnh hoặc đang có người thân ở các địa phương ngoài thành phố. Bên cạnh đó, nhiều người lựa chọn hình thức mua góp – trả dần trong 12 tháng – để tranh thủ giá rẻ mà không áp lực tài chính lớn.
Theo các chuyên gia trong ngành, dù Hà Nội chuẩn bị thực hiện cấm xe xăng từ năm 2026, nhưng chính sách này chưa áp dụng đại trà trên toàn quốc. Trong khi đó, hơn 80% số xã, thị trấn ở Việt Nam vẫn sử dụng xe máy xăng là phương tiện chủ lực. Điều này khiến dòng xe máy truyền thống vẫn còn “đất sống” tại nhiều địa phương trong ít nhất 5–7 năm tới.
“Xuống tiền” hay chờ xe điện?
Tuy là cơ hội tốt để sở hữu xe máy xăng giá rẻ, nhưng đây cũng được coi là “giai đoạn chuyển tiếp” của thị trường phương tiện cá nhân. Nhiều chuyên gia nhận định, từ cuối năm 2025, lượng xe xăng sản xuất mới có thể sẽ giảm dần, nhường chỗ cho các mẫu xe điện nhỏ gọn, tiện dụng hơn. Là nhà sản xuất chiếm đến hơn 83% thị phần xe máy Việt Nam bà Sayaka Arai, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam (HVN) cho biết, việc đẩy mạnh danh mục sản phẩm xe điện, thúc đẩy chuyển đổi xanh là hai trong ba trụ cột chiến lược của doanh nghiệp này. Bên cạnh hai mẫu xe vừa ra mắt thị trường là ICON:e và CUV:e, Honda Việt Nam lên kế hoạch ra mắt 5 mẫu xe máy điện mới giai đoạn 2026–2030, mở rộng hoạt động kinh doanh xe điện trên quy mô toàn diện từ năm 2035...
Trong xu thế đó, các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng đang cần phương tiện đi lại ngắn hạn trong 1–2 năm, hoặc có ý định sử dụng tại các địa phương chưa áp dụng chuyển đổi sang xe điện, thì mua xe máy xăng thời điểm này là hợp lý, đặt biệt là những mẫu xe từng "đội giá". Ngược lại, với những người đã có hạ tầng sạc, nơi gửi xe phù hợp, việc chuyển sang xe điện sẽ phù hợp xu hướng dài hạn hơn.
Từ góc nhìn thị trường, hiệu ứng từ Chỉ thị 20/CT-TTg không chỉ tạo ra cú hích lớn cho quá trình chuyển đổi xanh, mà còn làm rõ nét những diễn biến đầy sôi động ở giai đoạn chuyển giao – nơi người tiêu dùng đang tranh thủ cơ hội để tận dụng lợi thế của xe xăng trước khi bị “khai tử” khỏi đô thị lớn như Hà Nội.
Tình hình hiện nay cho thấy thị trường xe máy xăng đang bước vào giai đoạn bắt đầu “xả hàng” tại các đô thị lớn như Hà Nội, trước khi nhường chỗ cho xu thế xe máy điện. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây vẫn là cơ hội tốt cho người tiêu dùng muốn sở hữu xe xăng với giá hời, đặc biệt nếu họ có kế hoạch sử dụng phương tiện ở vùng chưa áp dụng lệnh cấm.