Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, cơ quan trên khẳng định thông tin liên quan đến người thợ cơ khí ở tỉnh Rayong đã phát minh thành công kỹ thuật cho phép động cơ đốt trong (ICE) chạy bằng nước và xăng là không chính xác. NSTDA cho biết người thợ đó chỉ đơn giản sử dụng kỹ thuật phun nước, vốn không phải là công nghệ mới, để làm mát ICE trên xe ô tô nhằm giúp cải thiện hiệu quả vận hành.
NSTDA cảnh báo rằng kỹ thuật phun nước cần phải được kiểm soát và tinh chỉnh tốt, nếu không ICE có thể bị hỏng; đồng thời lưu ý thêm rằng kỹ thuật này đã được các tay đua ô tô sử dụng trong một thời gian dài để giúp tăng tốc độ cho ô tô.
Nước cần phải được chứa trong một thùng chứa riêng biệt với thùng dầu và phải ở dạng sương mịn để đưa vào bộ phận nạp hoặc trực tiếp đưa vào xi lanh động cơ.
Nước có nhiệt hóa hơi cao, nghĩa là hấp thụ rất nhiều nhiệt khi chuyển từ thể lỏng sang thể hơi. Trong động cơ, hiệu ứng làm mát này làm giảm nhiệt độ không khí nạp, cho phép nạp không khí đậm đặc hơn. Không khí đậm đặc hơn có nghĩa là nhiều oxy hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đốt cháy nhiên liệu trong động cơ, qua đó giúp động cơ có khả năng đạt hiệu quả cao hơn.
NSTDA cho hay nước dưới dạng sương mù có thể giúp giảm nhiệt độ trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, nhưng nếu sương mù không đủ mịn, lượng nước còn sót lại trong động cơ có thể gây rỉ sét và khiến động cơ bị hỏng.
Theo NSTDA, các ICE hiện đại đã được tinh chỉnh với các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, do đó người lái xe không nên mạo hiểm làm hỏng động cơ ô tô của mình bằng kỹ thuật phun nước.