FCA ngày 27/5 cho biết công ty được hình thành từ việc Renault và FCA sáp nhập sẽ hiện diện rộng rãi tại các thị trường lớn của thế giới, trong nhiều phân khúc thị trường từ xe điện và xe lai đến xe compact, từ xe tải đến xe sang. Bên cạnh đó, thương vụ cũng giúp công ty mới sau khi sáp nhập có được hiệu quả kinh tế theo quy mô để cạnh tranh trong cuộc đua công nghệ đối với xe tự hành. Mỗi bên cổ đông của Renault và FCA theo đó sẽ sở hữu một nửa số cổ phần của công ty mới, mà theo dự báo của FCA có thể sản xuất khoảng 8,7 triệu ô tô mỗi năm.
Hiện bước tiếp theo của thương vụ khổng lồ trong ngành ô tô này phụ thuộc vào việc ban điều hành Renault có quyết định chuyển đề xuất sáp nhập tới các cổ đông hay không. Khi đó các cổ đông của hai công ty sẽ bỏ phiếu xem có ủng hộ thương vụ này hay không.
Thương vụ sáp nhập giữa FCA và Renault được cho là có thể giúp hai công ty khắc phục một số thiếu sót khiến các hãng đối thủ dẫn trước họ về giá trị thị trường, cũng như sự chuyển dịch sang công nghệ xe điện và xe tự hành giữa bối cảnh các quy định về khí thải thắt chặt. Bên cạnh đó, thương vụ sẽ tạo ra thách thức trong quản lý một lượng lớn thương hiệu ô tô.
FCA làm ăn phát đạt tại thị trường Bắc Mỹ với các mẫu xe RAM và Jeep, song kết quả kinh doanh trong quý trước tại châu Âu lại không tốt khi các nhà máy của hãng này hoạt động chưa đạt 50% công suất và hãng phải đối mặt với quy định khí thải mới. Về phần mình, Renault, là hãng đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện, có công nghệ động cơ tiết kiệm nhiên liệu và có sự hiện diện mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi.
Chính phủ Pháp – cổ đông lớn nhất của Renault với 15% cổ phần – trên nguyên tắc ủng hộ kế hoạch sáp nhập của hai hãng, song vẫn cần có thêm chi tiết về kế hoạch sáp nhập, theo người phát ngôn của Chính phủ Sibeth Ndiaye ngày 27/5.