Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn lời người phát ngôn Uber tại châu Phi Samantha Fuller cho biết tính năng nút khẩn cấp (Emergency button) sẽ được lắp đặt độc lập trên xe và không liên quan đến ứng dụng mà Uber đang cung cấp cho người lái nhằm đảm bảo rằng họ có thể phát tín hiệu ngay cả khi mất điện thoại, điện thoại ngoài vùng phủ sóng hay hết pin.
Theo Uber, kể từ khi giới thiệu ứng dụng taxi công nghệ tại Nam Phi năm 2014, các lái xe Uber tại nước này liên tục bị lái xe taxi truyền thống dọa giết, phá hoại xe. Nhiều vụ xô xát và tấn công nghiêm trọng đã xảy ra giữa lái xe Uber và taxi truyền thống, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Trước đó, nhằm bảo vệ đội ngũ lái xe của mình, Uber hồi đầu năm cũng đã tích hợp tính năng kết nối với đồn cảnh sát gần nhất thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS có sẵn trên ứng dụng gọi xe. Ngoài ra, hãng này cũng cung cấp cho khách hàng tính năng "Safety toolkit" để chia sẻ vị trí của mình với người thân cũng như kiểm tra độ tin cậy của lái xe.
Chiếm tới 71% thị trường taxi công nghệ tại Nam Phi, Uber gần đây yêu cầu lái xe phải tự nhớ đường và không được dùng bản đồ 6 tiếng liên tục trong tổng thời gian 12 tiếng lái xe trong ngày nhằm giảm nguy cơ buồn ngủ.
Năm ngoái, tai nạn giao thông đã khiến 14.000 người thiệt mạng tại Nam Phi và đưa nước này vào danh sách những nước có tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới.
Theo số liệu của Uber, tính đến hết tháng 8/2018, Nam Phi hiện là quốc gia sử dụng Uber phố biến nhất tại châu Phi với 12.000 tài xế phục vụ 680.000 lượt khách mỗi tháng. Tiếp đó là Kenya với 216.000 lượt khách và 6.000 tài xế, và Ghana với 181.000 lượt khách và 6.000 tài xế.