William Faulkner - Tiểu thuyết gia lỗi lạc

William Faulkner (1879-1962) là một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ XX. Ông từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1949 và hai giải Pulitzer vào các năm 1955 và 1963. Dấu ấn lớn nhất mà William Faulkner để lại là tác phẩm kinh điển “Âm thanh và cuồng nộ”

Lận đận để đến với nghiệp văn


William Faulkner (tên thật là William Falkner) là con cả trong một gia đình danh giá nhưng bị sa sút ở New Albany, bang Mississippi (Mỹ). Năm 13 tuổi, nhà văn tương lai đã viết thơ tặng một cô bạn gái. Đến năm 17 tuổi, William Faulkner phải bỏ học để vào làm việc trong ngân hàng của ông nội. Năm 21 tuổi, Faulkner xung phong vào quân đội nhưng không được nhận vì vóc người quá nhỏ bé.

Nhà văn William Faulkner. Ảnh: Wikipedia

Trong thời gian xảy ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918), Faulkner ghi tên vào Học viện Không quân ở Toronto (Canada), rồi gia nhập Không quân Hoàng gia Anh. Ông chưa kịp bay chuyến bay đầu tiên thì cuộc chiến đã kết thúc. Sau chiến tranh, William Faulkner trở về sống tại quê hương tiếp tục việc học hành dang dở của mình. Ông xin vào học Ban Ngôn ngữ châu Âu tại Trường Đại học Tổng hợp Oxford (bang Missisippi), tuy nhiên, chỉ một năm sau ông đã lại bỏ học.

Từng có thời gian Faulkner được nhận vào làm nhân viên bán hàng cho một hiệu sách ở New York trước khi ông trở thành nhân viên bưu cục tại trường đại học cũ của mình, nhưng rồi ông bị sa thải vì ham đọc sách trong giờ bán hàng. Từ thời điểm đó, Faulkner bắt đầu dành nhiều thời gian cho việc viết sách.

Đi đầu trong lĩnh vực khám phá sáng tạo văn học

Có thể nói, gần như suốt cả thời trung niên, Faulkner luôn phải vật lộn với việc mưu sinh. Tác phẩm "Âm thanh và cuồng nộ" là tác phẩm thành công nhất trong đời văn của Faulkner. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện diễn ra ở bang Mississippi (Mỹ) vào khoảng đầu thế kỷ XX, giữa các thành viên của một gia đình quý tộc miền Nam từ chỗ giàu sang và kiêu kỳ đã trở nên nghèo khổ và sa đọa.

Những nhân vật chính của gia đình quý tộc gồm ba thế hệ: Ông Jason và vợ Coroline; cô con gái Candace và ba cậu con trai: Quentin, Jason và Maury; sau cùng là cô cháu gái Quentin, con của Caddy.

Được phát hành lần đầu tiên vào ngày 7/10/1929, “Âm thanh và cuồng nộ” đã mang đến cho ông danh tiếng lẫy lừng, đầu tiên là trong giới văn học, sau đó là trong đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, cuốn sách vẫn là một thách đố đầy quyến rũ cho bất kỳ độc giả nào muốn thâm nhập vào thế giới âm u, náo động, mãnh liệt và thấm đẫm tình người của W.Faulkner.

Trong cuốn tiểu thuyết này, nhà văn trẻ (lúc đó mới 32 tuổi) đã phá vỡ mọi kết cấu thông thường. Hàng trang sách không có dấu chấm câu, những đại từ nhân xưng ngôi thứ ba không rõ chỉ vào ai, những ẩn dụ rắc rối bí hiểm. Nếu không kiên nhẫn, bạn sẽ khó có thể cùng William Faulkner thâm nhập vào một thế giới âm u, náo động, mãnh liệt, đầy “Âm thanh” và “Cuồng nộ”.

Tiểu thuyết gồm bốn chương thì có tới ba chương là độc thoại nội tâm của nhân vật. Ở đó có những tiếng gào khóc và điên giận, những ý nghĩ rời rạc, mù mờ, chắp nối, hỗn độn, những hồi ức, liên tưởng nhảy cóc từ thời điểm này sang thời điểm khác, xuôi ngược trên dòng thời gian, lẫn lộn quá khứ, hiện tại, tương lai.

Tác phẩm tựa như một bản giao hưởng thuộc trường phái ấn tượng mà các chủ đề xuất hiện, biến mất, tái hiện rồi lại biến mất cho đến khi bùng nổ trọn vẹn. Và cái hấp dẫn người đọc lại chính là những vùng mờ tối, những mặt trái sáng, mơ hồ lấp lửng ấy. Chính vì thế, Âm thanh và cuồng nộ xứng đáng được gọi là một kiệt tác của William Faulkner và nền văn học nhân loại.

Với cuốn tiểu thuyết này, William Faulkner đã khiến kĩ thuật viết của ông - như một nhà nghiên cứu đã nhận xét - "không chỉ là một thử nghiệm thuần tuý hình thức mà đã tạo cho nó một giá trị, trở thành một kinh nghiệm thẩm mĩ được rất nhiều nhà văn thế hệ sau học tập".

Mặc dù được giới phê bình đánh giá cao, được suy tôn là "cuốn sách vĩ đại" song thực tế tác phẩm này cũng không thuộc loại sách dễ bán. Vì vậy, để có tiền trang trải cuộc sống và "tái tạo sức sản xuất", Faulkner quay sang viết cuốn "Thánh đường" và sách được hoàn thành với thời gian kỷ lục chỉ trong 3 tuần và trở thành cuốn sách thuộc dạng best-seller trong sự nghiệp viết văn của ông.

Ngoài tiểu thuyết, Faulkner còn viết nhiều vở kịch và truyện ngắn. Tác phẩm của ông khi được dịch in tại các nước châu Âu, nhiều nhà văn ở xứ sở này đã bày tỏ sự hoan nghênh văn tài của ông. Nhà văn Pháp J. P Sartre (Giải Nobel Văn học năm 1964) từng phải thốt lên: "Faulkner là Chúa Trời".

Năm 1949, William Faulkner được trao giải Nobel Văn học. Tuy nhiên, William Faulkner tâm sự rằng, ông cảm thấy giải thưởng này không được trao cho ông với tư cách một con người mà là trao cho những tác phẩm đã ra đời trong sự lao khổ của tinh thần con người, những tác phẩm được viết ra không phải vì lợi lộc mà vì sự thôi thúc đưa ra những gì trước nay chưa từng có.

Chính vì ý nghĩ đó, Faulkner đã dành một phần tiền từ giải thưởng để lập quỹ khuyến khích các tác giả mới (sau này là giải PEN/Faulkner) và để hỗ trợ cho bộ môn khảo cứu về người Mỹ gốc Phi tại Rust College, Mississippi.

Không chỉ khó đọc, tác phẩm của Faulkner từng một thời bị xem là "khó có thể dựng phim". Mặc dù từng là nhà biên kịch phim của Hollywood nhưng chưa lần nào Faulkner tự chuyển truyện của mình sang kịch bản phim. Hiện nay, cách nhìn nhận về các tác phẩm của ông đã có nhiều thay đổi.


Tháng 12/2011, Công ty Redboard Productions của David Milch - nhà sản xuất phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ - đã phải mất nhiều tháng trời mới ký được hợp đồng thỏa thuận mua bán bản quyền 19 tiểu thuyết và 125 truyện ngắn của Faulkner dùng làm "của để dành" cho việc chuyển thể sang kịch bản phim sau này.

Tháng 7/1962, ít ngày sau khi William Faulkner cho xuất bản tiểu thuyết "Quân kẻ cướp" - cuốn sách cuối cùng của đời ông, Faulkner đã bị ngã ngựa trong một chuyến đi chơi. Ba tuần sau ông lên cơn nhồi máu cơ tim và qua đời.

Vinh quang của William Faulkner tiếp tục tỏa sáng sau khi ông mất. Ngày nay, ở khắp nơi trên thế giới, tên tuổi ông được nhắc đến với niềm kính trọng sâu xa. Ông là một nhà cách tân táo bạo và là một tiểu thuyết gia lỗi lạc bậc nhất. Trong lĩnh vực tiểu thuyết, ông có thể sánh ngang những tượng đài bất diệt như F. Dostoervsky…và trong lĩnh vực khám phá sáng tạo văn học, ông cùng hàng ngũ với những người tiên phong như F. Kafka, J.Joyce, M. Proust…

Các tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Âm thanh và cuồng nộ (tiểu thuyết), 1992.
- Ghen tuông (truyện ngắn), 1999.
- Lão Uos (truyện ngắn), 1999.
- Mặt trời chiều hôm ấy (truyện ngắn), 2000.
- Bông hồng cho Emily (truyện ngắn), 1985.

Hồng Anh (tổng hợp)
Stephen Edwin King - Nhà văn bậc thầy về truyện kinh dị
Stephen Edwin King - Nhà văn bậc thầy về truyện kinh dị

Stephen Edwin King là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám, kinh dị nổi tiếng của Mỹ. Ông là bậc thầy dẫn dắt người đọc xuyên qua những thế giới huyền bí và kinh hoàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN