Vẹn nguyên ký ức Ngày Giải phóng miền Nam

Cứ mỗi tháng 4, những cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa lại bồi hồi xúc động tưởng nhớ về một thời oanh liệt của dân tộc Việt Nam. 50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 vẫn nguyên vẹn, luôn thổn thức, vang vọng trong tâm trí những người lính năm xưa.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Lê Đức Chốc (đội mũ), xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thuộc Trung đoàn 10, Lữ đoàn Đặc công nước được giao nhiệm vụ đánh chiếm và bảo vệ an toàn cầu Rạch Chiếc để đại quân tiến vào Sài Gòn tháng 4/1975. 

Vẹn nguyên ký ức

Chiến tranh đã lùi xa, 50 năm sau Ngày miền Nam giải phóng, cựu chiến binh Tống Đức Thân (sinh năm 1955), phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng hào hùng. Những năm tháng sục sôi lửa đạn cống hiến tuổi xuân cho nền độc lập, tự do của dân tộc luôn là những ký ức không thể phai mờ. Năm 1974, cựu chiến binh Tống Đức Thân đã hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn cuối cùng rất quyết liệt. Khi đó, khắp các chiến trường miền Nam đang rất cần sự chi viện cả sức người lẫn sức của.

Được biên chế vào Tiểu đoàn 813, Trung đoàn 1, Quân khu 3 vào tháng 4/1974, cựu chiến binh Tống Đức Thân đã tham gia huấn luyện tại xã Thạch Bình, huyện Nho Quan. Sau 3 tháng luyện tập, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ vào miền Nam chiến đấu. Ngày 18/8/1974, Tiểu đoàn 813 hành quân bộ từ Thạch Bình xuống Ga Gềnh, thành phố Tam Điệp sau đó lên tàu, qua các trạm đi xe vào xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, ông cùng đồng đội đã cải trang, mặc áo bà ba đen để vượt qua vĩ tuyến 17. Khi vào đến tỉnh Quảng Nam, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 813 được bổ sung vào các đơn vị chiến đấu thuộc Quân khu 5.

Ông và đồng đội theo lệnh chỉ huy tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, mở màn từ ngày 4/3/1975 bằng Chiến dịch Tây nguyên mà trận đột phá chiến lược là việc đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.

Qua 20 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 24/3/1975, Chiến dịch Tây nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi Buôn Ma Thuột làm cho đối phương choáng váng, là "cú hích" để những đoàn quân giải phóng thần tốc tiến về Sài Gòn. Ngày 26/4/1975, khi nhận lệnh mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng đồng đội phối hợp với các đơn vị của Quân đoàn 1 từ Bắc vào đánh thẳng về Sài Gòn.

Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối. Cựu chiến binh Tống Đức Thân chia sẻ, ngày đất nước giải phóng, mọi người đều phấn khởi. Hai bên đường, người dân đứng chật kín, tay vẫy cờ, cầm hoa chào đón đoàn quân tiến vào. Trong giây phút hạnh phúc đó, ông không khỏi chạnh lòng vì không ít đồng đội đã nằm xuống, không được chứng kiến ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất.

Từ một người lính trở về với cuộc sống bình thường, cựu chiến binh Tống Đức Thân luôn dành hết sức mình cho công việc sản xuất, phát triển kinh tế và tham gia vào các phong trào của địa phương. Giờ đây, dù tuổi đã cao nhưng ông Thân vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, đồng thời kể cho con cháu những câu chuyện lịch sử, bài học về lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm với quê hương. Với những đóng góp trong trong thời chiến cũng như thời bình, cựu chiến binh Tống Đức Thân đã được tặng nhiều Huân chương, Huy chương và Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành.

Phát huy phẩm chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ"

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Liêm, xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cùng đồng đội ở Trung đoàn 101, Sư đoàn 325C được điều động, tăng cường và giao nhiệm vụ đánh từ cánh Tây Nam lên Sài Gòn để quân ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập tháng 4/1975. 

Ông Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 1940), hội viên Hội Cựu chiến binh xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư năm nay đã bước sang tuổi 85, với 58 năm tuổi Đảng. Nhập ngũ từ năm 1961, ông đã tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước và mặt trận biên giới Tây Nam… Trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vào tháng 4/1975, các đoàn quân của ta tiến vào các điểm tập kết bao vây Sài Gòn theo quyết định của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Năm cánh quân chủ lực có nhiệm vụ đánh chiếm 5 mục tiêu chủ yếu là những cơ quan đầu não quan trọng nhất của Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn. Khi đó, ông cùng đồng đội ở Trung đoàn 101, Sư đoàn 325C được điều động, tăng cường và giao nhiệm vụ đánh từ cánh Tây Nam lên Sài Gòn.

Có 5 mũi giáp công cho Chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng mũi Tây Nam này là một trong những mũi tiến công quan trọng. Những ngày cuối cùng của tháng 4/1975, trước diễn biến nhanh chóng của tình hình chiến trường, trước sức tiến công áp đảo của Quân giải phóng, nội bộ chính quyền, quân đội Sài Gòn tiếp tục có sự phân hóa mạnh mẽ.

Ông Liêm cho biết, ngày 26/4/1975, chấp hành mệnh lệnh của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9, quân ta nổ súng tiến công ở Cần Thơ phối hợp Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông cùng đồng đội tiến công áp sát thành phố Cần Thơ, tiến về huyện Châu Thành A, lên tuyến Lộ Vòng Cung, qua cầu Trà Niền...

Trong ngày 28/4/1975, quân ta đã nổ súng đánh 2 trung đoàn chủ lực của ngụy trên Lộ Vòng Cung. Bên bờ Bắc sông Hậu, tại Bình Minh, Lữ đoàn pháo 375, Quân khu 9 kịp thời bắn pháo cối chế áp sân bay Trà Nóc. Đến 18 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, thành phố Cần Thơ - trung tâm đầu não của địch ở Đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng. Không phải là những người lính trực tiếp tiến vào Dinh Độc Lập nhưng ông cùng đồng đội đã vỡ òa hạnh phúc khi Nam - Bắc sum họp một nhà.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ông Liêm vẫn nhớ mãi giờ phút lịch sử thiêng liêng này tại Cần Thơ. Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ, niềm vui ngày chiến thắng năm ấy đã theo ông suốt cả cuộc đời. Những ngày tháng chiến đấu gian khổ, đầy tự hào của những người lính tham gia chiến trường miền Nam năm xưa mãi là trang sử hào hùng để các thế hệ con cháu khắc ghi, học tập. Đất nước hòa bình thống nhất, xuất ngũ, ông Liêm đã tham gia công tác và giữ nhiều cương vị ở địa phương. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trên cương vị nào ông Liêm cũng cống hiến hết khả năng của mình đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình Đặng Đình Phương đánh giá, những năm tháng tuổi trẻ, các cựu chiến binh đã hăng hái cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đất nước hòa bình, trở về cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của người lính cụ Hồ, gương mẫu tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân; nhiệt huyết cống hiến, đóng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Các cựu chiến binh tích cực tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Thùy Dung (TTXVN)
Gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh
Gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), sáng 19/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên tổ chức gặp mặt 260 cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN