Thăm lại chiến khu Đ

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quận Tân Uyên, tỉnh Thủ Biên (nay là huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) phải gánh chịu sự tàn phá vô cùng nặng nề. Với sự đồng thuận của các cấp chính quyền và nhân dân, trong những năm qua, vùng đất này đã bứt phá và phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Chúng tôi tìm về khu vực huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, từng là làng chiến đấu, nơi nuôi giấu và đào tạo cán bộ, chiến sĩ của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Các nhân chứng lịch sử chiến đấu tại Chiến khu Đ vui mừng gặp lại nhau trong ngày kỷ niệm 70 năm thành lập chiến khu Đ năm 2016. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Ông Hồ Hữu Vinh (ngụ tại xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) - người sinh ra trong gia đình có công nuôi giấu cán bộ kể lại: "Nơi đây khi xưa luôn bị địch thường xuyên càn quét, bắt bớ, tra tấn và giết chóc, nên lúc nào cũng là vùng trắng, nghèo đói. Nhưng hàng trăm con người vẫn luôn bám trụ, âm thầm vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội, ủng hộ cách mạng. Sau chiến tranh, hàng ngàn người con ưu tú nơi đây và từ nhiều địa phương khác của cả nước đã hy sinh. Vùng đất thuần nông bị chiến tranh tàn phá nặng nề khiến kinh tế, hạ tầng xã hội và đời sống nhân dân rất khó khăn. Đến những năm 2011, nhiều nơi trên khu vực huyện còn chưa có đường nhựa để đi lại, chưa có điện, nước máy phục vụ sinh hoạt, người dân chủ yếu hoạt động nông nghiệp nhỏ lẻ nên đời sống rất bấp bênh”. 

Năm 2013, theo đề án 136 của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho những huyện còn khó khăn trong tỉnh phát triển, đưa Bình Dương thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2020, huyện Bắc Tân Uyên được tách ra từ huyện Tân Uyên với 10 xã đã từng tham gia chiến đấu năm xưa như Bình Mỹ, Đất Cuốc, Hiếu Liêm, Lạc An, Tân Bình, Tân Định, Tân Lập, Tân Mỹ, Tân Thành, Thường Tân. 

Ông Hồ Hữu Vinh phấn khởi cho biết: “Từ ngày tách huyện đến nay, chính quyền địa phương tập trung xây dựng các công trình đường giao thông đồng bộ như: Đường ĐH 411; đường ĐT 747A… giúp việc đi lại, giao thương mua bán trở nên thuận tiện. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng về đây nhiều hơn giúp địa phương phát triển, người dân có việc làm". 

Bà Nguyễn Thị Dậu (ngụ tại xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) chia sẻ: "Được chính quyền huyện tuyên truyền, hướng dẫn, người dân chúng tôi đã có những định hướng rõ ràng hơn trong việc sử dụng đất nông nghiệp và phát triển kinh tế. Thay vì làm nông nghiệp manh mún, những người có đất rộng được khuyến khích, hoạch định thành những hợp tác xã trồng cây ăn trái có múi, cao su hoặc trại gà. Vừa giúp người dân xung quanh có thêm việc làm, vừa tăng thu nhập gia đình lên đến cả chục triệu đồng/tháng, làm lớn thì lên đến cả trăm triệu đồng". 

Theo Bí thư Huyện ủy Bắc Tân Uyên Nguyễn Ngọc Hiệp, được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đến nay 99,7% số hộ dân trong huyện đã có điện sử dụng. Toàn huyện có 6 nhà máy cấp nước tập trung tại các xã và các tuyến đường phục vụ nhu cầu thiết thực cho người dân. Song song việc phát triển hạ tầng xây dựng các khu công nghiệp, thu hút doanh nghiệp về huyện đầu tư, lãnh đạo huyện đã có những định hướng để người dân phát triển cây nông nghiệp có múi, cây cao su, phù hợp với địa hình và khí hậu của tỉnh. 

Hiện nay, huyện Bắc Tân Uyên có 4 khu, cụm công nghiệp với diện tích 828,79 ha đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, gồm: Khu công nghiệp Đất Cuốc, Khu công nghiệp - đô thị Tân Uyên, Khu công nghiệp Tân Bình, Cụm công nghiệp Tân Mỹ. Trong đó, Khu công nghiệp Đất Cuốc thu hút trên 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất với tổng số vốn gần 3.700 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông - lâm - nghiệp của huyện đã đạt trên 2.100 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 2.700 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng đạt trên 1.700 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/năm. 

Các vấn đề an sinh xã hội cũng được huyện chú trọng đầu tư, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hầu hết hệ thống điện, đường, trường, trạm trên địa bàn huyện đền được đầu tư khang trang, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. 

Để phát huy kết quả đạt được, Bí thư Huyện ủy Bắc Tân Uyên khẳng định, huyện tiếp tục triển khai đầu tư, mở rộng thêm các khu, cụm công nghiệp triên địa bàn như: Khu công nghiệp đô thị Tân Uyên; Khu công nghiệp VSIP III, Khu công nghiệp Tân Lập I và các khu công nghiệp Đất Cuốc, Tân Bình, Tân Mỹ… với quy mô đạt trên 2.300 ha. Bắc Tân Uyên phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện công nghiệp với giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ tăng từ 19 - 21%/năm; tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội để đời sống nhân dân được nâng cao... 

Huyền Trang/TTXVN
Họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông
Họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông

Ngày 31/1 (nhằm ngày mùng 4 Tết), Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông lần thứ 42.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN