BƯỚC NGOẶT NHÂN CÁCH
Trong hải quân, Heydrich trở thành người lạc lõng vì được nuôi dạy trong một gia đình có văn hóa, biết chơi violon và tính cách nhút nhát. Ngoài ra, còn có tin đồn Heydrich có một phần máu Do Thái - điều khiến đồng đội bài Do Thái không yêu mến hắn.
Tin đồn này không có căn cứ nhưng sẽ tiếp tục ám ảnh Heydrich và có thể dễ nhận thấy khao khát điên dại của Heydrich trong đạo diễn cuộc hủy diệt người Do Thái là cách để hắn chứng tỏ với mọi người trong đảng Quốc xã là hắn không bị dòng máu Do Thái làm “vấy bẩn”.
Dù là kẻ cô độc trong hải quân nhưng Heydrich tham vọng và giỏi làm chính trị. Hắn có tài thể hiện bản thân một cách tốt đẹp. Khi nhận nhiệm vụ, hắn thường làm tốt và tiến xa. Tuy nhiên, tham vọng của Heydrich sớm bị bẻ cong thành ngạo mạn - tính cách sau này sẽ hủy hoại sự nghiệp hải quân của hắn.
Heydrich (phải) và Heinrich Himmler (trái). |
Mọi chuyện bắt đầu khi Heydrich gặp một cô gái trẻ tên là Lina von Osten tháng 12/1930. Ngay lập tức bị đối phương thu hút, hai người đính hôn ngay trước lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, một cô gái trẻ ở Berlin không rõ danh tính cũng tuyên bố mình đã đính hôn với Heydrich và mang chuyện ra nói với cấp trên của hắn. Một tòa án quân sự được triệu tập, trong đó Heydrich thể hiện thái độ khinh khỉnh, miệt thị với cô gái trẻ kia tới mức hắn bị tòa tống cổ ra khỏi hải quân vì thiếu chân thành và nói dối hàng loạt, không phù hợp với một sĩ quan.
Việc bị đuổi khỏi hải quân là một thảm họa với Heydrich nhưng Lina luôn ở cạnh hắn. Điều khiến cho vấn đề tồi tệ hơn là tài sản gia đình hắn suy giảm dần do khủng hoảng kinh tế ở Đức những năm 1920 trong bối cảnh Đức phải bồi thường nhiều sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất và trải qua siêu lạm phát. Heydrich không thể dựa dẫm tài chính vào bố nữa.
Không chịu làm những việc mà Heydrich cho là dưới tầm và vẫn khao khát được mặc quân phục, giữa năm 1931, Heydrich được một người bạn gia đình giới thiệu cho một người đang tìm cách thiết lập một cơ quan tình báo cho đảng chính trị của ông ta. Người đó là Heinrich Himmler và đảng đó là Quốc xã.
Mặc dù không có kinh nghiệm về tình báo, nhưng dựa trên hiểu biết về thế giới này thông qua các tác phẩm trinh thám và gián điệp, Heydrich đã thuyết phục Himmler rằng hắn chính là người mà ông ta cần tìm. Tháng 6, hắn được Himmler nhận và gia nhập đảng Quốc xã.
Mãi tới lúc đó, Heydrich mới tham gia chính trị. Còn Lina và gia đình từ lâu đã là những người theo Quốc xã một cách nhiệt thành. Lina rất vui mừng với công việc mới của Heydrich và mô tả cuộc gặp của chồng với Himmler là “khoảnh khắc tuyệt nhất đời tôi, đời chúng tôi”.
Chính cuộc gặp đó đã để lại hậu quả tàn khốc với hàng triệu người trong vòng 5 năm tới. Heydrich đã xây dựng cơ quan tình báo SD và bộ phận mật vụ thành một trong những tổ chức kinh hoàng nhất mà thế giới từng chứng kiến.
Chính Heydrich là người đã chỉ huy các vụ bắn giết hàng trăm nghìn người Do Thái và những người khác. Chính hắn là người chủ trì Hội nghị Wannsee của các quan chức cấp cao Quốc xã để cho ra đời “giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái”. Chính hắn là người mà trùm phát xít Adolf Hitler mô tả là “một trong những thành viên Quốc xã tốt nhất, một trong những người bảo vệ kiên cường nhất khái niệm Đế chế thứ ba, một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất mọi kẻ thù của Đế chế thứ ba”.
Nhìn chung, điều khiến Heydrich từ một sĩ quan trẻ xuất thân trong một gia đình âm nhạc, yên ấm thành một nhân vật ghê tởm vì hắn là người tham vọng và háo hức làm hài lòng cấp trên. Hoạt động chính trị của phong trào Quốc xã không làm hắn thấy hấp dẫn. Thứ khiến hắn bị thu hút là cơ hội mà đảng Quốc xã mang lại để hắn đạt được quyền lực và địa vị.
Khi Heydrich bám sâu vào hệ thống, hắn trở nên háo hức muốn chứng minh rằng hắn thật tâm với Quốc xã hơn bất kỳ ai từng gia nhập đảng này từ lâu. Đó chính là động lực biến đổi con người hắn. Tuy nhiên, một thành phần thay đổi con người Heydrich nữa là ảnh hưởng của vợ và gia đình vợ. Lina tin vào sự đúng đắn trong sứ mệnh của Hitler đến mức biện hộ cho chế độ này tới tận lúc chết năm 1985.
Khi Heydrich mải mê trong thế giới Quốc xã, hắn coi rằng hành động của mình là hợp đạo. Hắn thực sự coi người Do Thái là mối đe dọa chết người với xã hội và hủy diệt họ sẽ làm lợi cho nhân loại. Hắn không bao giờ nao núng. Khi nói về sự cứng rắn cần phải có để chống lại kẻ thù, hắn nói: “Việc này gần như quá khó với một cá nhân, nhưng chúng ta phải cứng rắn như đá granite, nếu không công việc của Quốc trưởng sẽ thất bại. Sau này, người ta sẽ biết ơn vì những gì chúng ta đã làm”.
Heydrich luôn thuyết phục mình rằng bạo lực là một phương tiện của chính trị. Trong mắt hắn, các phương pháp dân chủ là yếu ớt và không thể chống lại nổi người Do Thái và Cộng sản. Sự tàn ác là cần thiết để chống lại kẻ thù của Đế chế thứ ba, chứ không phải thỏa hiệp và những bài phát biểu mềm mỏng. Heydrich độc ác đến như vậy là vì hắn cảm thấy điều đó là cần thiết.
Kết thúc vở opera Amen của nhà soạn nhạc Bruno, người anh hùng Heydrich đã bị giết. Khi chàng chết trên sân khấu, chàng thốt lên: “Chúa sẽ rủ lòng thương chúng ta”. Đó là trên sân khấu, còn ngoài đời thực, chắc chắn kẻ được đặt tên theo tên người anh hùng đó không bao giờ đáng được hưởng lòng thương, cả khi sống và khi chết.