Lê Hồng Phong tên thật Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Ông nguyên Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương, chiến sỹ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Khu lưu niệm Tổng bí thư Lê Hồng Phong được xếp hạng là di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1990, với những giá trị to lớn về mặt lịch sử văn hóa, nhiều năm qua, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là địa chỉ người dân địa phương, du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của vị Tổng Bí thư thứ 2 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động giáo dục truyền thống như: Các trường học tổ chức tham quan, nói chuyện chuyên đề; tổ chức Lễ tuyên dương sinh viên 5 tốt, Lễ kết nạp Đảng viên, Đoàn viên, học cảm tỉnh Đảng; địa chỉ đỏ tuyên truyền lý tưởng cách mạng cho các thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ, nơi tham quan thực tế của các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị... Thông qua đó, đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của các bậc tiền bối, lòng tự hào dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tham quan tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, em Võ Thị Phương Trang, đoàn viên xã Hưng Nghĩa (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết, em thật sự xúc động khi được tự tay dâng nén hương thơm lên anh linh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Tìm hiểu về những hiện vật, những bức ảnh về quá trình cách mạng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và các vị cách mạng tiền bối, chúng em lại càng quý trọng hơn nền độc lập ngày hôm nay, biết ơn sự hy sinh xương máu của thể hệ cha, ông đi trước. Phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng, chúng em luôn ý thức phải cố gắng học thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong có khuôn viên rộng hơn 31.000 m2, được chia thành hai khu vực chính. Khu di tích gốc gồm: Nhà Phụ mẫu từ đường là nơi thờ phụng cha, mẹ, vợ và đồng chí Lê Hồng Phong; ngôi nhà tranh nơi đồng chí Lê Hồng Phong cất tiếng khóc chào đời và Lạc thiện đàn là nơi thờ Mẫu, cũng là nơi đồng chí Lê Hồng Phong và các đồng chí khác được truyền bá tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Khu tưởng niệm gồm: Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Phong, Nhà tiếp khách và nhà Trưng bày các tư liệu ảnh, hiện vật về thân thế sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong.
Chị Lê Thị Vinh, cán bộ Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cho biết, ngoài các đoàn đại biểu lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyên Hưng Nguyên thường xuyên về thăm và tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa thành kính tưởng nhớ tới công lao to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, trung bình hàng năm có khoảng gần 15.000 lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan tại khu lưu niệm. Nhằm thực hiện tốt việc đón tiếp và phục vụ du khách tham quan, công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp cũng như việc trùng tu, tôn tạo các di tích, hiện vật luôn được cán bộ Khu lưu niệm đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu ảnh quý về thân thế sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong như: Chiếc áo Tổng Bí thư Lê Hồng Phong vẫn thường hay mặc để hoạt động cách mạng; bộ đồ tráp nghề cắt tóc; máy bay mô phỏng, ống nhòm nhằm tái hiện đồng chí Lê Hồng Phong là phi công đầu tiên của nước ta; hình ảnh tái hiện đồng chí Lê Hồng Phong bị tra tấn tại nhà tù Côn Đảo. Ngoài ra, còn khoảng hơn 100 bức ảnh nhằm thể hiện sinh động thân thế, sự nghiệp chính trị, quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
“Qua các hình ảnh, hiện vật trưng bày có thể cho ta thấy đồng chí Lê Hồng Phong, người con ưu tú của quê hương Xô Viết anh hùng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng Bí thư thứ 2 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với 40 năm tuổi đời và 20 năm hoạt động cách mạng tích cực, những cống hiến của đồng chí cho phong trào cách mạng Việt Nam là rất to lớn. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí sẽ mãi là niềm tự hào, tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo”, chị Lê Thị Vinh, cán bộ Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao và Truyền thông huyện Hưng Nguyên cho biết, trên địa bàn huyện có 36 di tích được xếp hạng và có hàng trăm dấu tích đang đề nghị được xếp hạng. Trong đó, nổi bật có di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, đây là những địa chỉ có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Trung tâm văn hóa thể thao và Truyền thông huyện Hưng Nguyên đang phối hợp các địa phương, cơ quan chức năng liên quan tập trung chú trọng công tác bảo vệ, trùng tu các di tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử to lớn các di tích. Bên cạnh đó, Trung tâm văn hóa thể thao và Truyền thông huyện Hưng Nguyên đang xây dựng đề án để kết nối các di tích trên địa bàn với các di tích lịch sử văn hóa vùng phụ cận, phối hợp với Sở Du lịch Nghệ An xây dựng tua du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch miền quê Hưng Nguyên Xô Viết anh hùng gắn với việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
“Hiện nay, khi về tham quan di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, du khách có thể đi theo tuyến đường 12/9 thẳng lên Quốc lộ 46, hướng huyện Hưng Nguyên – Nam Đàn để tiếp tục chuyến tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp nên thơ của Chùa Đại Tuệ trên dãy Đại Huệ hùng vĩ; tham quan 3 di tích Quốc gia đặc biệt: Khu di tích Kim Liên, Đình Hoành Sơn và Khu lưu niệm Phan Bội Châu; tham quan Khu di tích Truông Bồn huyền thoại,….. để hiểu và yêu hơn mảnh đất, con người xứ Nghệ”, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao và Truyền thông huyện Hưng Nguyên Võ Văn Phượng cho biết thêm.